Cứu bé 9,5 tháng lên cơn hen nguy kịch

Ngày 29/03/2013 08:42 AM (GMT+7)

Lên cơn hen nguy kịch, bé gái 9,5 tháng tuổi nhập viện trong tình trạng khó thở, sốt cao, người tím tái và co rút lồng ngực mạnh.

Bệnh nhi nhỏ tuổi đầu tiên lên cơn hen quá nặng

Đây là lần đầu tiên Khoa Nhi, BV Bạch Mai tiếp nhận một trường hợp nhỏ tuổi như thế đã lên cơn hen cấp quá nặng. Bệnh nhi là bé H.T.N, ở Hoàng Mai, Hà Nội. Từ lúc mới sinh bé N. hoàn toàn khỏe mạnh, chưa từng bị ho hay khò khè. Tuy nhiên, cuối tháng 2, khi bé được 9,5 tháng bỗng nhiên bé lên cơn khó thở nặng, phải nhập viện và điều trị thuốc giãn phế quản. Ra viện được 5 ngày, đến ngày 6.3, bé tiếp tục phải cấp cứu trong tình trạng khó thở nặng, tim đập nhanh, kích thích vật vã.

Bác sĩ Nguyễn Thành Nam, Khoa Nhi, BV Bạch Mai cho biết, bác sĩ đã tiến hành điều trị tích cực, khí dung nhưng tình trạng của bệnh nhân không cải thiện, thậm chí mỗi lúc một nặng, co thắt phế quản nhiều, thở kiệt sức, từ trạng thái kích thích vật vã bệnh nhi chuyển sang li bì. Cuối cùng bác sĩ quyết định đặt nội khí quản, cho thở máy và kết hợp dùng các thuốc điều trị hen. Đến ngày 12.3, sức khỏe bệnh nhi tiến triển tốt, trẻ cai được thở máy. Đến nay, sau 20 ngày điều trị hiện bệnh nhi đã hết sốt, tỉnh táo, sức khỏe ổn định. Tuy nhiên, bé vẫn cần được theo dõi điều trị tại khoa, xịt thuốc dự phòng và dự kiến có thể xuất viện trong vài ngày tới.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai cho biết, bệnh lý hen rất hay gặp ở trẻ nhỏ nhưng diễn biến thường nhẹ và dễ chữa. Trường hợp còn quá nhỏ tuổi mới 9,5 tháng như bệnh nhi trên đã xuất hiện cơn hen cấp nguy kịch rất hiếm gặp. Trước đây, với trẻ mắc hen, dù nặng cũng chỉ cần thở máy 1-3 ngày là ổn, trong khi bé do khởi phát cơn hen cấp quá nặng đã phải thở máy đến 6 ngày.

Cứu bé 9,5 tháng lên cơn hen nguy kịch - 1

Bé N đang điều trị tại Khoa Nhi, BV Bạch Mai (Ảnh Mai Hương)

Lý giải trường hợp của bé N tuy còn nhỏ tuổi mà đã lên cơn hen quá nặng, PGS.TS Dũng  cho rằng gia đình bé làm nghề may, tác nhân bụi vải có thể làm khởi phát cơn hen ở trẻ. “Các biểu hiện lên cơn hen cấp ở trẻ cũng giống như người lớn, tuy nhiên trẻ kiệt sức rất nhanh, thời gian chữa cũng lâu hơn. Nguyên nhân khởi phát cơn hen ở bé này có thể do bụi vải, gia đình có nghề làm may ở nhà”, phó giáo sư Dũng nói.

Nhiều bà mẹ chưa biết chăm trẻ mắc hen

Theo PGS.TS Dũng việc chẩn đoán hen ở trẻ dưới 2 tuổi đã khó, dưới 1 tuổi càng khó hơn, dễ bị nhầm sang bệnh viêm phổi, viêm tiểu phế quản.  Các biểu hiện cơn hen cấp ở trẻ cũng giống như ở người lớn nhưng trẻ sẽ kiệt sức rất nhanh và thời gian điều trị cũng lâu hơn.

“Thực tế đáng buồn là dù bệnh lý hen phế quản rất hay gặp ở trẻ em nhưng nhiều bà mẹ thiếu các kiến thức cần thiết khi chăm sóc trẻ mắc hen”, PGS.TS Dũng cảnh báo.

Một nghiên cứu mới đây của tập thể điều dưỡng Bệnh viện Nhi Trung ương trên 50 bà mẹ có con dưới 6 tuổi bị hen tại khoa Miễn dịch-Dị ứng-Khớp cho kết quả có tới 56% bà mẹ thực hành kỹ năng kém và 64% bà mẹ chỉ đạt mức kém ở phần kiến thức.

Nhiều người biết hen là bệnh mãn tính, nhưng chưa đến một nửa biết yếu tố nguy cơ gây bệnh, thậm chí chỉ khoảng 1/3 biết các dấu hiệu khởi phát cơn hen. Nhiều người chưa đánh giá đúng tình trạng nặng của trẻ để đi khám cấp cứu kịp thời.

Nguy hiểm nhất là theo nghiên cứu này có tới 62% bà mẹ không đưa con đi tái khám đúng hẹn, 40% bà mẹ không biết xịt thuốc qua bình đệm đúng cách. Điều này gây nên tình trạng lãng phí thuốc, tăng tác dụng phụ và hiệu quả điều trị kém.

Các bà mẹ thường có xu hướng chỉ sử dụng thuốc cắt cơn hen mà không chú ý tới việc sử dụng thuốc điều trị dự phòng hằng ngày. Trong khi đó, cơ chế trong hen là tình trạng viêm mãn tính đường thở nên vấn đề điều trị dự phòng là cần thiết. Việc dự phòng không đúng, người bệnh có thể lên cơn hen nguy kịch đến tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời. Những trẻ không tuân thủ việc dùng thuốc dự phòng khi lên cơn cấp thường rất nặng và kéo dài thời gian điều trị hơn so với trẻ được dự phòng đầy đủ.

PGS.TS Dũng khuyến cáo, hen phế quản ở trẻ nhỏ thường có các đợt khò khè, thở ngắn hơi, nặng ngực và ho tái phát đặc biệt về đêm và sáng. Cha mẹ cần đăng ký kiểm soát hen lâu dài cho bé tại một một cơ sở chuyên khoa (ít nhất là 18 tháng). Trong thời gian này, dù con không bị lên cơn hen thì vẫn phải được khám theo chỉ định của bác sĩ, tránh tình trạng thấy con có vẻ đỡ thì không đưa con tới khám nữa.

Để giảm tần xuất xuất hiện các cơn khó thở, ngoài việc dùng thuốc, việc kiểm soát, dự phòng hen là rất cần thiết, cha mẹ cần để trẻ  tránh xa các dị nguyên có thể gây khởi phát cơn như: phấn hoa, lông xúc vật, bụi nhà, nấm mốc, khói thuốc, tránh dùng các thức ăn hoặc thuốc gây dị ứng, phòng tránh và điều trị triệt để các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp…

Mai Hương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan