Cứu sống kịp thời cháu bé 2 tuổi uống nhầm thuốc diệt cỏ

Ngày 22/06/2016 19:15 PM (GMT+7)

Đây đang là thời gian nghỉ hè, nếu bố mẹ lơ là quản lý con trẻ sẽ để lại những hậu quả đáng tiếc điển hình trong đó là uống nhầm thuốc diệt cỏ, hóa chất.

Điển hình là trường hợp cháu Đoàn Thị Thu (2 tuổi, Trung Môn, Yên Sơn, Tuyên Quang) phải nhập viện cấp cứu vì uống nhầm thuốc diệt cỏ. Theo gia đình cháu Thu, do bất cẩn nên đã để cháu uống lọ thuốc diệt cỏ non, kiểm tra miệng thấy có bột thuốc màu trắng. Sau khi phát hiện gia đình lập tức đưa cháu đến khám và điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang.

Chia sẻ về ca bệnh này, BSCK I Lương Thị Hương, Phó trưởng khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa tỉnh cho biết, bệnh nhi Thu nhập viện trong tình trạng tỉnh, tinh thần hốt hoảng, hơi thở có mùi thuốc sâu, không rõ uống số lượng nhiều hay ít, ngay lập tức, kíp trực đã tiến hành xử trí đặt sonde, bơm rửa dạ dày, truyền dịch tĩnh mạch và được làm các xét nghiệm cấp cứu. Hiện tại, sau 2 ngày điều trị, sức khỏe trẻ dần ổn định, tỉnh, không sốt, không nôn, ăn được.

Theo BS Hương, việc uống nhầm thuốc, hoá chất có thể gây suy hô hấp, rối loạn nhịp tim, uống số lượng nhiều có thể gây tử vong. Vì vậy, các gia đình không nên đựng thuốc, hoá chất trong chai, vỏ đụng nước uống như chai lavie, trà xanh, C2… nếu đựng thuốc trong các loại chai lọ, cần để xa tầm tay trẻ em, không để chung thuốc với những loại bánh, kẹo, trẻ dễ bị nhầm lẫn.

Cứu sống kịp thời cháu bé 2 tuổi uống nhầm thuốc diệt cỏ - 1

Phụ huynh cần hết sức chú ý đến hoạt động của trẻ nhất là trong ngày hè.

Bác sỹ khuyến cáo nếu  phát hiện trẻ uống nhầm thuốc, người lớn cần nhanh chóng đưa ngay người bệnh tới bệnh viện để được các bác sỹ tiếp tục cấp cứu, giải độc. Khi đi nhớ mang theo vỏ thuốc hoặc chai hoá chất mà trẻ uống nhầm để các bác sỹ có hướng xử lý kịp thời và chính xác.

Cũng liên quan đến vấn đề này, Ths.BS Nguyễn Văn Thường – Trưởng khoa Nhi Tổng hợp – Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết, trong trường hợp trẻ uống nhầm phải thuốc diệt cỏ, phụ huynh cần nhanh chóng gây nôn cho trẻ càng sớm càng tốt. Trong vòng 1h đầu uống nước và gây nôn bằng cách móc họng cho bệnh nhân. Nếu có thể, nên cho uống siro ipeca 10-15 ml ở trẻ em, 30 ml ở người lớn để gây nôn.

Khi nôn, để bệnh nhân đầu thấp tránh sặc vào phổi. Hoặc đặt người bệnh nằm nghiêng tránh chất nôn, dịch tiết hay nước chảy vào khí quản gây tắc thở. Sau khi bệnh nhân nôn, có thể cho bệnh nhân uống một trong các thuốc sau làm giảm hấp phụ chất độc vào cơ thể: Than hoạt tính 1 g/kg/lần pha nước cho bệnh nhân uống; hoặc uống đất sét hấp thụ rất tốt paraquat. Sau đó khẩn trương đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự