“Đám cưới ma” ở TQ: Gả con cho... người chết

Ngày 04/06/2013 08:57 AM (GMT+7)

Hôn nhân là một phần quan trọng trong xã hội Trung Quốc (TQ), nên “đám cưới ma” dù bị cấm nhưng vẫn còn tồn tại ở đó, khi các gia đình có con (trai, gái) chết mà chưa kịp lập gia đình.

Sau cuộc cách mạng thành công năm 1949, nhà lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông đã nỗ lực xóa bỏ hủ tục, nhưng “đám cưới ma” vẫn còn diễn ra ở vùng nông thôn các tỉnh Thiểm Tây, Sơn Tây, Hồ Nam, Hồ Bắc và Quảng Đông. Là những nơi mà ngày càng có nhiều đàn ông không thể có vợ do nạn trai thừa gái thiếu, phải tìm những cuộc mai mối hôn nhân cho người thân quá cố được có vợ (chồng) ở kiếp sau. Từ đó nảy sinh nạn trộm xác phụ nữ mới chết để bán giá cao!

“Đám cưới ma” ở TQ: Gả con cho... người chết - 1

Hình nhân cô dâu chú rể dự cỗ cưới

Gà trống trắng lấy vợ

“Đám cưới ma” hay còn gọi là “âm hôn”, được cho đã có từ thế kỷ 17 trước Công nguyên, được gia đình tiến hành cho nam hoặc nữ đã đính hôn nhưng chết trước khi cưới. Gia đình họ sẽ thực hiện ước nguyện thành vợ chồng của họ và cũng để kết mối thông gia giữa hai gia đình.

Lý do khác của “âm hôn” là để cô con gái chưa chồng vào họ tộc, để gia đình có người nối dõi tông đường, hoặc để tránh tình trạng em trai lấy vợ trước người anh. Theo các nhà nhân chủng học nghiên cứu văn hóa châu Á, có lẽ vì ảnh hưởng đạo Khổng Tử vốn trọng truyền thống gia đình, nên có quan niệm số phận một nam nhân và một nữ nhân sẽ chưa đầy đủ nếu người chết chưa lập gia đình.

Thông thường, "đám cưới ma" được các gia đình cùng có người chết chấp nhận cho “đôi trẻ” thành vợ chồng (chôn cạnh nhau), vì họ tin rằng nếu người thân chết khi chưa kết hôn, người ấy sẽ cô đơn ở kiếp sau và sẽ “ám” người còn sống trong gia đình. Theo phong tục, nếu vị hôn phu chết trước khi kết hôn, vị hôn thê sẽ phải làm đám cưới với người chết rồi về sống với gia đình chồng.

Nhưng nhiều cô lưỡng lự trước “âm hôn” vì hủ tục buộc cô phải sống thủ tiết thờ chồng (gồm ăn mặc kín đáo, ăn nói ý tứ). Trong trường hợp cô gái chịu lấy người chết làm chồng, một con gà trống lông trắng sẽ “đại diện” người chồng tại lễ cưới. Sau lễ này, cô dâu có quyền chọn một đứa con trai nuôi để có người nối dõi tông đường nhà chồng. Khi cô dâu qua đời, bài vị của cô sẽ được đặt trên bàn thờ của gia đình chồng. Vị hôn phu cũng có thể cưới vị hôn thê đã chết, nhưng chưa hề xảy ra tình huống này.

“Đám cưới ma” ở TQ: Gả con cho... người chết - 2

“Cô dâu” chết được chôn

Ê chề phận nữ “ế”

Nếu một phụ nữ chết khi chưa có chồng, gia đình cô sẽ không đặt bài vị của cô trên bàn thờ nhà họ, cô chỉ có một bài vị tạm đặt gần cửa. Đó là lý do “âm hôn” là một giải pháp của những cha mẹ muốn thấy con gái kết hôn, và cũng là cách để người phụ nữ chưa chồng thoát khỏi nỗi nhục: “gái ế” không được chết trong nhà. Theo phong tục là đưa cô đến một túp lều, một ngôi nhà hoang để cô chết cô độc.

Vì với các gia đình, việc có con gái “ế chồng” là một nỗi biếm nhục. Trong sách Các viễn cảnh hôn nhân có ý nghĩa của các bậc cha mẹ, cây bút nữ Charlotte Ikels viết: “Theo phong tục, gái 27 tuổi mà “chửa chồng” là nỗi đe dọa của cả nhà và họ không được phép ở cùng nhà với gia đình. Ngay cả tại Hong Kong, tôi được biết phụ nữ không chồng đều bị xem là “thần kinh có vấn đề”.

Một người bình thường thì không thể tự nguyện không lấy chồng. Đối với các cô chọn sống độc thân, âm hôn là giải pháp giúp họ được công nhận trong họ tộc mà họ vẫn được độc thân. Nhưng cũng có người gọi đó là “âm hôn giả tạo” hoặc “cưới tấm bài vị”.

“Đám cưới ma” ở TQ: Gả con cho... người chết - 3

Chuẩn bị “hóa” hình nhân của một “đám cưới ma”.

Dù hiếm nhưng đôi lúc một cô gái còn sống “được” chọn làm vợ cho một người nam đã chết. Thường chỉ có các gia đình tổ chức “đám cưới ma” cho con trai chết khi chưa lấy vợ, để “vợ chồng” anh có tên trong gia phả và để anh cũng có đứa con nối dõi (con nuôi) trong khi mẹ anh cũng có con dâu chăm sóc, hầu hạ và cô còn lãnh nhiệm vụ quán xuyến việc nhà.

Cô có thể xin con nuôi cho nhà chồng chứ không được đẻ con vì phải thủ tiết thờ chồng. Bản thỏa thuận nhận con nuôi được đặt dưới bài vị của người chết. Đứa con nuôi nên là trai để cha mẹ người chết có “cháu đích tôn” mang tên họ tộc và lãnh nhiệm vụ thờ cúng tổ tiên, cha mẹ. Cậu cũng được hưởng phần tài sản của cha nuôi từ tổng tài sản của gia đình.

“Đám cưới ma” được tổ chức với các nét đặc trưng của đám cưới và cả đám ma: quan viên hai họ gặp nhau, ăn cỗ, uống rượu và nhà trai tặng quà (thường là tiền mặt) cho nhà gái, cùng các lễ phẩm (hàng mã tượng trưng các vật gia dụng trong nhà cặp vợ chồng như bàn trang điểm có cả gương soi, máy lạnh, tủ đựng tiền, quần áo… vốn sẽ được “hóa” bằng lửa để cặp “vợ chồng” có thể sử dụng ở thế giới bên kia).

Nếu cô dâu hoặc chú rể còn sống, họ vẫn mặc trang phục cưới: chú rể mang găng tay màu đen thay vì màu trắng, còn cô dâu mặc váy trắng, áo đỏ và được đeo nhiều vòng vàng (giả), còn người chết được đối đãi như vẫn còn sống, ví dụ như được cho ăn tại lễ cưới, khách mời được nghe thông báo “tân lang tân giai nhân xuất hiện” phía sau nhà sư: người sống đi cạnh hình nhân bằng giấy, bằng tre của người chết (sau lễ cưới cũng được “hóa”) khi cô dâu (chết) được rước về nhà chồng.

Nếu cặp đính hôn đã chết trước khi cưới, họ sẽ được chôn cạnh nhau. Sau đám cưới, hai bên vẫn giữ mối quan hệ sui gia. Khoản hồi môn và trả lễ giữa hai sui gia thì tùy hỷ, nhưng cũng có thông tin gia đình chú rể (chết) tặng sui gia một căn nhà, hoặc gửi tặng ổ bánh cưới cùng một số tiền cho nhà gái, nơi trả lễ bằng một chiếc nhẫn vàng, một sợi dây chuyền vàng, nhiều đôi giày và 6 chiếc áo.

“Đám cưới ma” ở TQ: Gả con cho... người chết - 4

Thầy cúng chuẩn bị đoàn “rước dâu”

Theo tờ Thời đại hoàn cầu, những gia đình nghèo nhưng muốn có “đám cưới ma” cũng có thể dùng tượng bằng bạc hoặc ổ bánh hình người (đậu đen làm mắt) để “gả” cho con trai mới chết. Tiếp đó, gia đình cũng mở tiệc cỗ cưới thật xôm tụ, có cả của hồi môn cho “cô dâu”…

“Tiền tươi” mua xác chết

Nếu gia đình tính làm “đám cưới ma”, họ có nhiều cách chọn người, như rải tiền trên đường rồi núp, chờ có người lượm thì họ xuất hiện và công bố người lượm tiền đã được chọn! Hoặc họ nhờ “mai mối” tìm người chết hạp số. Marjorie Topley viết trong Chuyện ma trong cộng động Hoa kiều Singapore, về chuyện một cậu bé 14 tuổi chết yểu.

Một tháng sau, cậu hiện hồn về trong giấc mơ của mẹ, nói cậu muốn cưới một cô gái vừa chết ở bang Perak (Malaysia). Cậu không nói tên cô gái, nhưng mẹ cậu tìm một bà thầy đồng “nói chuyện” với con bà, và cậu cho biết tên, tuổi, nơi sinh của cô gái, và việc so sánh số tử vi cho thấy hai cô cậu xứng đôi.

Nhưng ngày nay, “âm hôn” bị biến tướng thành trò mua bán. Các gia đình thường “nhờ” các “mai mối” tìm một bạn đời lý tưởng cho người thân đã chết của họ. Từ đó xảy ra chuyện đào mộ cướp xác rồi bán ở “chợ đen”, đáp ứng những cuộc “đám cưới ma”.

Gần đây nhất, Tòa án quận Yanchuan (thành phố Yan'an,tỉnh Shanxi, miền trung TQ) vừa tuyên án 4 gã đàn ông về tội đánh cắp xác chết nữ để bán “chui” cho các gia đình muốn gả vợ cho những người đàn ông “chửa vợ” đã chết.

Vụ xét xử 4 gã Pang, Bai, He và Zhang có kết quả mỗi tên lãnh bản án hơn 2 năm tù, vì chúng đã cướp 10 xác nữ, tắm rửa xác sạch sẽ rồi “chỉnh sửa” giấy chứng tử để chúng có thể “hét” giá bán cao hơn, và bán xác ra “chợ đen” được tổng số tiền 240.000 tệ (khoảng 39.000USD). Chúng đào mộ cướp xác vào mùa đông 2011 ở các nghĩa trang của những vùng quê nhiều than của các tỉnh Thiểm Tây và Sơn Tây.

Báo Thời đại hoàn cầu đưa tin vào năm ấy, người dân “phất” nhờ bán được nhiều than ở miền bắc TQ, đã giúp “kích cầu” chuyện mua bán xác người, với tầng lớp giàu mới còn mê tín dị đoan và “chịu chơi” phóng tiền tìm “xác tươi”. Một số “cò” nổi tiếng vì mua “cô dâu” trực tiếp từ bệnh viện rồi “làm việc” với tang gia. Có gia đình còn mua xác đã thối rữa hoặc xác người già với giá “khuyến mãi”, cho mặc quần áo tử tế rồi ràng xác bằng sợi thép.

Đây không phải lần đầu bọn trung gian “đám cưới ma” dính lưới pháp luật. Hồi Tết âm lịch 2012, một thiếu nữ mới chết được gia đình bán cho gia đình của một chàng trai mới chết với giá 3.700 bảng. Ngay sau đó, công an bắt quả tang bọn đào mộ đang bán xác cô gái bị đào hai lần, lần đầu để được “gả” cho một chàng trai đã chết.

Lễ cưới được tiến hành ngay tại mộ, rồi xác cô được chôn, rồi chúng lại đào trộm xác cô để bán tiếp cho một gia đình khác với giá “bèo” hơn 3.000 bảng. Năm 2009, ông bố nọ cũng ở tỉnh Shaanxi chi 2.700 bảng để bọn đào mộ tìm một “con dâu” cho cậu con trai chết vì tai nạn xe hơi. Bọn chúng bị bắt khi đang đào xác một cô bé tự tử vì không thi đậu đại học. Năm 2007, một gã nọ bị bắt do đã giết 6 người phụ nữ rồi bán xác. Hắn khai làm thế này đỡ mất sức hơn đào mộ!

(Theo Dòng đời)
Nguồn:

Tin liên quan