Đằng sau vụ chồng mang ảnh cưới đến đám hỏi vợ cũ đòi tiền

Ngày 07/05/2016 12:02 PM (GMT+7)

Hơn một tuần trôi qua, câu chuyện anh Ph. và gia đình mang ảnh cưới đến đòi sính lễ trong đám hỏi vợ cũ trở thành câu chuyện thời sự được bàn tán khắp miền Tây.

Hơn một tuần trôi qua, câu chuyện anh Ph. và gia đình mang ảnh cưới đến đòi sính lễ trong đám hỏi vợ cũ trở thành câu chuyện thời sự được bàn tán khắp miền Tây. Báo chí đã đến và đăng tải thông tin sự việc. Cô dâu bị “đòi sính lễ” thậm chí đã suy sụp, đổ bệnh vì áp lực. Thế nhưng phía sau vụ việc gây xôn xao này, còn nhiều tình tiết bất ngờ mà khi trực tiếp vào cuộc, gặp gỡ hai bên gia đình, chúng tôi mới phát hiện.

Đằng sau vụ chồng mang ảnh cưới đến đám hỏi vợ cũ đòi tiền - 1

Hôn nhân chớp nhoáng?

Nhiều ngày nay, dư luận Cần Thơ vẫn chưa hết xôn xao trước vụ việc một chàng trai tuổi teen mang hình cưới đi “đòi quà” trong ngày vợ cũ làm đám hỏi với người đàn ông khác. Vụ việc không chỉ khiến người dân xôn xao bàn tán mà còn khiến chính những người trong cuộc xảy ra một cuộc đại chiến, bên đòi quà, bên đòi “tình”. Chưa biết ai đúng ai sai nhưng việc mang tình cảm ra đong đếm bằng tiền của hai gia đình đang khiến nhiều người lắc đầu ngao ngán.

Gặp Trương Văn Ph. ( 23 tuổi) sau hành động gây xôn xao dư luận, người viết đã được anh chia sẻ nhiều “thâm cung bí sử” trong quan hệ với cô dâu bị đòi quà. Anh Ph. cho biết: Hành động ôm ảnh cưới đến đám hỏi của vợ cũ không hề có sự chuẩn bị trước. Anh suy nghĩ bột phát rồi hành động như vậy cũng không nhằm phá đám gì vợ cũ. Đơn giản, anh chỉ muốn đòi lại món quà sính lễ, bao gồm 5,5 chỉ vàng và 20 triệu đồng. Toàn bộ số tài sản ấy, anh Ph. khẳng định thuộc về mình, chị Hồ Thị Thu Th. (23 tuổi, ngụ Q. Ninh Kiều, TP Cần Thơ – vợ cũ anh Ph. - PV) có trách nhiệm phải trả lại. “Giờ đây, nhiều người cho rằng tôi là kẻ phá đám, tiểu nhân. Nhưng ai ở trong cuộc thì mới hiểu, cảm giác của tôi như thế nào. Tôi mới chính là nạn nhân, tôi vừa bị lừa tình, vừa bị lừa cả tiền”, anh Ph. chia sẻ.

Nói về cuộc hôn nhân chóng vánh với chị Th., anh Ph. cho biết: “Chúng tôi quen nhau qua mạng xã hội cách đây 2 năm. Sau một thời gian trò chuyện, chúng tôi thấy hợp nhau nên quyết định hẹn hò yêu đương. Qua chừng một tháng tìm hiểu, cả hai đã quyết định tiến tới hôn nhân. Nhìn đôi bạn trẻ đến với nhau, đôi bên gia đình đều hết sức vui mừng. Nhưng ở trong cuộc, chính anh Ph. vẫn còn không ít nghi ngại, lăn tăn bởi tuổi đời cả hai còn quá trẻ. Đáng nói hơn là dù tổ chức đám cưới linh đình, anh Ph. - chị Th. lại không làm giấy đăng ký kết hôn.

Về sống chung với nhau chưa được bao lâu, hai người đã xảy ra hàng loạt mâu thuẫn bắt nguồn từ nguyên nhân nhỏ nhặt. Theo lời ông Trương Văn N. (cha anh Ph.), chị Th. vốn là con út trong gia đình, được cha mẹ hết mực chiều chuộng. Bởi vậy trước khi lấy chồng, chị chưa từng biết đến khái niệm làm lụng hay chăm sóc người bên cạnh. Đến khi lấy chồng, phải xắn tay áo ra ruộng làm lụng cực nhọc, chị hoàn toàn vỡ mộng về hôn nhân.

Tuy nhiên theo anh Ph., khác biệt quyết định dẫn hai người đến chỗ “không thể chung đường” là việc anh không chấp nhận vợ có các mối quan hệ xã hội bên ngoài. Ngược lại, chị Th. nhất quyết từ chối đáp ứng sự cấm đoán của chồng. Mâu thuẫn giữa hai người nổ ra, cứ thế càng ngày càng leo thang gay gắt. Tròn 23 ngày sau đám cưới, hôn nhân của họ chính thức đổ vỡ. Sau khi biện lý do đi khám bệnh phụ nữ, chị Th. bỏ về nhà mẹ đẻ, nhất quyết không chịu trở lại nhà chồng. Anh Ph. cho biết: “Bát đũa còn có lúc xô. Vợ chồng ăn ở với nhau thì làm sao tránh được mâu thuẫn này nọ. Lúc đầu, tôi chẳng biết Th. nghĩ gì khi buông hạnh phúc dễ dàng như vậy. Nhưng bây giờ, trong đầu tôi chỉ có niềm tin rằng Th. không hề muốn làm vợ tôi. Cô ấy chỉ muốn tiền của gia đình tôi”.

23 ngày cùng sống giá 5,5 chỉ vàng, 20 triệu đồng?

Đằng sau vụ chồng mang ảnh cưới đến đám hỏi vợ cũ đòi tiền - 2

Hình cưới của Ph. và Th.

Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi và chàng thanh niên trẻ diễn ra trong không khí trầm mặc. Dường như, nỗi ấm ức có cơ hội phát tiết khiến Ph. không thể kìm nén. Anh dành khá nhiều từ ngữ nặng nề để diễn tả tâm trạng bức xúc, cũng như cố gắng lý giải cho hành vi bị dư luận cho là “kỳ quặc” của mình.

Theo lời Ph., anh đã nhiều lần cố gắng thuyết phục vợ quay về. Thậm chí, anh còn xuống nước năn nỉ, nhưng đáp lại chỉ nhận được cái lắc đầu kiên quyết của chị Th.. Nhiều lần xuống nước bất thành, anh Ph. đành nghĩ tới chuyện từ bỏ. “Có lẽ sai lầm lớn nhất của tôi là chưa tìm hiểu kĩ đã quyết định tiến tới hôn nhân. Nhưng tình cảm mất đi là một chuyện, còn số tiền, vàng rất lớn gia đình tôi đã dùng làm sính lễ thì sao. Chẳng lẽ, 23 ngày chung sống mà tôi phải bỏ ra tới 5,5 chỉ vàng và 20 triệu đồng sao. Tôi không thể chấp nhận điều đó”, anh Ph. phân trần.

Lúc này thì trong đầu Ph. luôn mặc định suy nghĩ đã bị chị Th. lừa tình, lừa cả tiền. Bởi thế nên khi minh xác chuyện chị Th. đi lấy chồng, Ph. đùng đùng nổi giận. Những suy nghĩ bột phát khiến Ph. quyết định, phải làm điều gì đó đòi lại tiền, vàng sính lễ. Ph. cho biết: “Hôm đó, tôi cũng không hay biết gì việc gia đình Th. tổ chức đám hỏi. Tình cờ, tôi đi ngang qua nên mới phát hiện. Vì quá bức xúc, tôi lập tức về nhà nhờ gia đình mang ảnh cưới lên đòi lại sính lễ mà gia đình tôi đã bỏ ra để cưới cô ấy”.

Anh Ph. cho biết, khi gia đình anh lên đòi tiền sính lễ thì cũng là lúc gia đình anh N.V.H. (quê Sóc Trăng) mang sính lễ lên làm đám hỏi. Cuộc chạm mặt không mong muốn ấy đẩy... hai nhà trai và một nhà gái vào tình cảnh thật trớ trêu. Trong khi anh H. và người thân hoàn toàn mù tịt, hoàn toàn ngỡ ngàng trước sự việc thì bên kia, gia đình chị Th. lên cơn giận lôi đình. Cho rằng anh Ph. cố tình gây khó dễ, phá hoại đám hỏi, hai bên đã lời qua tiếng lại gay gắt với nhau. Anh Ph. tiết lộ: “Tôi cũng không muốn làm căng thẳng sự việc. Nếu gia đình Th. xuống nước, nói câu khó khăn thì hai bên cũng dễ giải quyết. Nhưng ngược lại, họ lớn tiếng thách thức, khiến người nhà chúng tôi phẫn nộ, xảy ra cự cãi. Chuyện không giải quyết nội bộ được nữa thì đành phải nhờ chính quyền thôi”.

Lời trần tình của nhà gái

Đằng sau vụ chồng mang ảnh cưới đến đám hỏi vợ cũ đòi tiền - 3

Ông Trương Văn N. nói về con dâu

Đằng sau vụ chồng mang ảnh cưới đến đám hỏi vợ cũ đòi tiền - 4

Bà L. bức xúc vì chuyện con gái bị phá đám hỏi

Để khách quan hơn trong quá trình tìm hiểu nguồn cơn sự việc, những uẩn khúc mà anh Ph. nêu ra trong cuộc hôn nhân đổ vỡ, PV báo GĐ&XH Cuối tuần đã tìm đến khu vực nơi gia đình chị Th. sinh sống. Điều đáng nói là tại đây, chúng tôi nhận được nhiều thông tin trái chiều. Chị N.M.T (32 tuổi, người dân địa phương – PV) chia sẻ: “Sau khi bỏ Ph., Th. về sống chung với mẹ đẻ. Chuyện tình cảm giữa hai người thì chúng tôi chẳng biết thế nào. Nhưng chỉ biết sau một hồi Ph. năn nỉ không chịu trở về, qua mai mối, Th. đồng ý lấy một người đàn ông ngoại quốc. Tôi sống gần đây nên biết rõ: Khi gia đình người đàn ông kia đưa sính lễ đến, chuẩn bị làm thủ tục xuất cảnh thì nhà Th. lại không đồng ý cưới nữa mà trả đồ sính lễ. Bà con chúng tôi ở đây lại được một phen xôn xao”.

Trong khi đó, tìm tới nhà chị Th., chúng tôi được bà Nguyễn Thị L. (mẹ chị Th. – PV) xác nhận, con gái bà đã theo về nhà chồng mới ở Sóc Trăng. Đưa câu chuyện anh Ph. mang ảnh cưới đến đòi sính lễ, cùng những thông tin ghi nhận được làm câu hỏi, chúng tôi được bà L. khẳng định: “Họ cố tình phá gia đình tôi, phá đám con gái tôi. Họ ép gia đình phải trả lại số tiền, vàng lúc trước đưa đến làm sính lễ”. Theo lời bà L. thì chuyện này vừa trái về tình, vừa không thuận lý. Bởi xưa nay, có nhà trai nào đi hỏi vợ cho con mà không đưa sính lễ. Hơn thế, chị Th. có trải qua giai đoạn tìm hiểu, cưới xin đàng hoàng rồi theo anh Ph. về chung sống. Việc hai bên mâu thuẫn, không thể hàn gắn mới dẫn đến chia tay là điều chẳng ai mong muốn. Bà bức xúc hỏi ngược: “Họ bảo không thể vì 23 ngày chung sống ấy mà mất 5,5 chỉ vàng, 20 triệu đồng. Vậy còn “đời con gái” của Th., còn sức khỏe và tổn thương tinh thần của Th., ai sẽ trả? Con gái tôi ốm đau, cả thằng Ph. lẫn gia đình nó không một lần thăm hỏi hay đưa tiền chữa trị. Họ sống bạc bẽo như vậy, con tôi bỏ về lấy chồng khác có gì sai”.

Tiếp lời mẹ chồng, chị Đ.T.P (chị dâu Th. – PV) kể: “Hôm đó, mới 7h sáng thì gia đình Ph. đã kéo nhau đến trước cổng nhà tôi. Họ đợi đến lúc gia đình Hưng lên làm đám hỏi thì chặn lại, rồi hét lớn: “Gia đình tôi ngu mới bị lừa. Còn mấy anh mấy chị không biết thì nhìn đây mà học hỏi. Coi chừng bị lừa”. Không chỉ vậy, khi đám hỏi của chị Th. diễn ra, gia đình Ph. vẫn tiếp tục công kích khiến đám hỏi trở nên hỗn loạn. Chỉ tới khi lực lượng công an khu vực xuất hiện và lập biên bản thì sự việc mới được ổn thỏa”.

Chuyện gia đình anh Ph. mang ảnh cưới “đòi quà”, bà L. cho biết đã khiến bà, chị Th. và người thân phải đối mặt với dư luận không hay. Bản thân chị Th., do quá sốc trước sự việc, đã suy nghĩ rồi đổ bệnh. “Cũng may, gia đình H. hiểu chuyện. Bởi thế, bên thông gia không trách cứ mà còn động viên Th.. Riêng chuyện gia đình Ph. đòi tiền, vàng sính lễ, tôi chỉ mong họ suy nghĩ lại. Nếu họ vẫn cương quyết thì để chính quyền vào cuộc xử lý, ai đúng ai sai, ai thiệt ai lợi rồi sẽ rõ”, bà L. cho biết.

Mong muốn làm rõ hơn những tình tiết pháp lý xung quanh cuộc hôn nhân chóng vánh của anh Ph. - chị Th.; về nguyện vọng đòi lại tiền, vàng sính lễ của gia đình anh Ph.? PV báo GĐ&XH Cuối tuần đã tìm tới luật sư Nguyễn Văn Hội (Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Văn Hậu và cộng sự - PV). Luật sư Hậu phân tích: Căn cứ Luật Hôn nhân – Gia đình thì anh Ph. và chị Th. chưa được công nhận là vợ chồng. Thực tế, dù đã làm đám cưới và trình chính quyền, họ chưa đăng ký kết hôn. Do đó, cả hai chưa có sự ràng buộc về mặt pháp lý. Như vậy, việc chị Th. bỏ anh Ph. được coi là vấn đề cá nhân. Chị Th. là gái chưa chồng thì việc quen ai, yêu ai, lấy ai sau khi bỏ anh Ph. đều không vi phạm pháp luật. Việc anh Ph. cùng người thân mang ảnh cưới đến đám hỏi chị Th. gây áp lực, đòi sính lễ rất may không dẫn đến va chạm, xô xát nghiêm trọng giữa hai bên. Tuy nhiên, gia đình anh Ph. có thể bị xử lý hành chính cho hành vi Gây rối trật tự công cộng theo khoản 1 điều 245 Bộ luật hình sự.

Đối với mong muốn đòi lại số vàng 5,5 chỉ và 20 triệu đồng của gia đình anh Ph., luật sư Hậu khẳng định là có thể, song cần một điều kiện mấu chốt. Đó là gia đình anh Ph. cần đưa ra được bằng chứng chứng minh đã trao số tài sản trên cho gia đình chị Th.. Tuy nhiên, luật sư Hậu cũng cho rằng điều này rất khó khăn. Bởi thực tế khi làm đám hỏi theo truyền thống, chẳng ai lại bắt nhà gái ký giấy biên nhận, hay làm khế ước đối với tiền, vàng sính lễ.

Theo Cầm Thi
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan