Đánh bay khối u ở lưỡi khiến trẻ không thể ngậm kín miệng như bình thường

Ngày 28/09/2016 17:58 PM (GMT+7)

Có khối u ở lưỡi, cháu bé 15 tháng tuổi không thể ngậm kín miệng bình thường ngay từ lúc mới sinh ra. Rất may, cháu bé đã được điều trị thành công mà không cần phẫu thuật.

Đó là trường hợp cháu Nguyễn Tiến Bảo (15 tháng tuổi, ở Bắc Ninh) với dị tật bẩm sinh vùng hàm mặt làm cho lưỡi phì đại, đầy lồi ra phía ngoài miệng. Bệnh nhi đã được các bác sĩ khoa Tạo hình và Sọ mặt - bệnh viện Nhi Trung ương điều trị thành công, làm tan khối u bằng phương pháp tiêm thuốc mà không cần phẫu thuật.

Gia đình cho biết, ngay sau sinh, cháu đã có khối u tại vùng miệng. Sau khi được thăm khám và siêu âm, chụp MRI tại bệnh viện Nhi Trung ương, các bác sĩ kết luận cháu bị u nang bạch huyết tại sàn miệng lưỡi. Khối u phát triển đẩy lồi lưỡi ra phía trước không chỉ khiến trẻ bú kém, mà còn gây mất thẩm mỹ vì miệng không kép kín được như trẻ bình thường.

Ths.BS Đặng Hoàng Thơm – Trưởng khoa Tạo hình và Sọ mặt cho biết, để điều trị u nang bạch huyết, phương pháp điều trị phổ biến hiện này là phẫu thuật cắt bỏ hoặc dùng các thuốc gây xơ hóa mô u.

Đánh bay khối u ở lưỡi khiến trẻ không thể ngậm kín miệng như bình thường - 1

Bệnh nhi trước khi điều trị (lưỡi bị đẩy ra ngoài miệng) và sau khi điều trị (hai môi đã khép kín miệng). Ảnh: BV Nhi Trung ương.

Tuy nhiên với trường hợp cháu Bảo, phương pháp phẫu thuật rất khó áp dụng do diện tổn thương vào vùng chức năng lưỡi rất lớn, phẫu thuật bóc tách sẽ gây ảnh hưởng các dây thần kinh thanh môn, thanh quản, khí quản…, ảnh hưởng đến vận động của lưỡi cũng như khả năng nói sau này.

Sau khi cân nhắc, các bác sĩ đã chọn liệu pháp tiêm thuốc làm xơ hóa khối u. Trẻ được tiêm Bleomycin với liều 1mg/kg 2 lần: lần 1 khi trẻ được 3 tháng, lần 2 khi trẻ được 9 tháng. Sau 6 tháng theo dõi, khối u bạch huyết của cháu đã nhỏ dần lại, lưỡi tụt vào trong miệng, trẻ có thể ăn uống bình thường.

Cũng theo Ths Thơm, u nang bạch huyết là một bất thường bẩm sinh của hệ bạch huyết, tuy lành tính nhưng mức độ tiến triển và xâm lấn như u ác tính. Trong nhiều trường hợp, khối u có thể đe dọa tính mạng bệnh nhân do chèn ép vào các cơ quan xung quanh, đặc biệt là hệ hô hấp.

Theo nghiên cứu của Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm và Ths Đặng Hoàng Thơm trên 120 trường hợp mắc u nang bạch huyết tại Bệnh viện Nhi Trung ương trong thời gian từ 2010 – 2011, bệnh thường xuất hiện ngay sau sinh (chiếm 65%) và tiếp tục phát triển đến khi 2 tuổi. Khối u có thể xuất hiện bất kì nơi nào trong cơ thể nhưng thường thấy nhất là ở cổ (chiếm 81%).

Nhiều nghiên cứu trong những năm gần đây cho thấy, việc sử dụng các loại thuốc gây xơ hóa u trong điều trị có nhiều ưu điểm hơn phương pháp phẫu thuật nhờ tránh làm tổn thương các dây thần kinh và mô lân cận, cũng như khả năng tái phát u thấp hơn.

“Từ năm 2010, tại viện Nhi TW đã áp dụng liệu pháp tiêm Bleomycin để điều trị u nang bạch huyết. Kết quả cho thấy, sau tiêm Bleomycin, tỷ lệ khối u mất hoàn toàn là 44,1%, giảm kích thước là 40,8%” – BS Thơm cho hay.

BS Đinh Phượng – Khánh Chi (BV Nhi TƯ)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Những ca bệnh đặc biệt