Đánh nhau hội Phết, hỗn loạn đền Trần: “Đôi khi thấy bất lực”

Ngày 23/02/2016 09:07 AM (GMT+7)

"Bộ chỉ ra văn bản chỉ đạo, yêu cầu ban tổ chức thực hiện. Ban tổ chức cũng thiếu người, khi hỗn loạn, lực lượng an ninh càng không thể dùng vũ lực trấn áp, sẽ gây phản cảm hơn”, Phó chánh thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch nói.

Đêm 21.2, ngay sau lễ khai ấn tại đền Trần (phường Lộc Vượng, TP Nam Định, tỉnh Nam Định) kết thúc, tình trạng hỗn loạn đã xảy ra ở khu vực di tích. Nhiều thanh niên quá khích đã trèo rào sắt để vào trong đền. Khu vực sân đền, nhiều vị đại biểu, khách mời được vào trước đó cũng thi nhau ném tiền vào kiệu ấn. Bất chấp sự hiện diện của lực lượng chức năng, dòng người chen nhau, lao vào cướp giật lộc từ kiệu ấn, bàn thờ gây nên cảnh tượng hỗn loạn.

Trước đó, ngày 20.2, hàng ngàn người tham dự lễ hội phết Hiền Quan (Phú Thọ), nhiều thanh niên lao vào tranh phết, thẳng tay đấm đá những người có ý định cướp phết cầu may.

Đánh nhau hội Phết, hỗn loạn đền Trần: “Đôi khi thấy bất lực” - 1

Cảnh tượng chen lấn bên trong điện thờ tại đền Trần (Nam Định) (Ảnh: Hồng Phú)

Giải thích tình trạng hỗn loạn xảy ra các lễ hội trên, ông Phạm Xuân Phúc, Phó chánh thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho rằng, nguyên nhân chính là do số lượng người dự lễ hội quá đông và chưa có ý thức chấp hành quy định của ban tổ chức lễ hội.

Hàng vạn người đủ thành phần xã hội, thậm chí có cả trộm cắp, cướp giật trà trộn vào các lễ hội. Trong khi đó, không gian tổ chức lễ hội có hạn gây khó khăn cho công tác quản lý. Lễ hội trật tự hay không phụ thuộc chủ yếu vào ý thức của người dân.

Đánh nhau hội Phết, hỗn loạn đền Trần: “Đôi khi thấy bất lực” - 2

Tại lễ hội phết Hiền Quan (Phú Thọ), nhiều thanh niên bất chấp đổ máu để chạm được vào quả phết hồng (Ảnh: Hồng Phú)

Ông Phúc dẫn chứng lễ hội Phết Hiền Quan, hàng trăm thanh niên đi cướp phết, ai cũng muốn đem phết về nhà lấy may mà số lượng phết chỉ có 6 quả, màn tranh giành quyết liệt, rất dễ xảy ra xô xát.

Tại lễ khai ấn đền Trần, Nam Định, hơn 2.000 cảnh sát đã được huy động đảm bảo trật tự. Tuy nhiên, đến giờ khai ấn thì ngay cả đại biểu, khách mời cũng chen lấn ném tiền, cướp lộc, không thể cản được.

“Đôi khi chúng tôi cảm thấy thực sự bất lực trước những hình ảnh xấu trong các lễ hội lớn. Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch làm gì có lực lượng đứng ra đảm bảo trật tự, cưỡng chế? Bộ ra văn bản chỉ đạo, yêu cầu ban tổ chức thực hiện. Ban tổ chức cũng thiếu người, khi hỗn loạn, lực lượng an ninh càng không thể dùng vũ lực trấn áp, sẽ gây phản cảm hơn”, Phó chánh thanh tra Bộ VHTT&DL chia sẻ.

Theo ông Phúc, để hạn chế xô xát trong lễ hội Phết Hiền Quan, ban tổ chức có thể quây rào khu vực cướp phết, tuyển chọn các thanh niên khỏe mạnh, tư cách tốt đại diện cho xóm, thôn tham gia cướp phết để lấy may.

“Lễ hội truyền thống đều mang ý nghĩa tốt đẹp. Xuất hiện hình ảnh phản cảm là do ý thức người tham dự. Không phải cứ quản lý chưa tốt thì cấm. Chúng tôi không áp đặt, cấm đoán mà chủ yếu định hướng để lễ hội trật tự, đẹp hơn”, ông Phúc nói.

Ông Phúc cho hay, thời gian qua, Thanh tra Bộ VHTT&DL cũng đã ghi nhận được chuyển biến tích cực từ một số lễ hội như tại lễ hội Chém lợn ở làng Ném Thượng (Bắc Ninh), năm nay không tổ chức chém lợn giữa sân đình.

Theo Tất Định
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Phát ấn đền Trần