Đau lòng vụ xử bé tử vong ở hồ bơi

Ngày 06/10/2016 09:21 AM (GMT+7)

Đó là phiên tòa xử vụ đòi bồi thường thiệt hại từ chuyện bé trai tử vong trong hồ bơi Cung văn hóa Lao động TP.HCM.

Ngày 5-10, TAND quận 1, TP.HCM xử vụ vợ chồng anh QVT kiện Cung văn hóa Lao động TP.HCM yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Vụ án bắt nguồn từ cái chết đau lòng của cháu QTT (11 tuổi) trong khuôn viên hồ bơi cung văn hóa hồi tháng 8 năm ngoái.

Đứa con duy nhất của nguyên đơn

Như đã đưa tin, khoảng 14 giờ ngày 6-8-2015, cháu QTT (11 tuổi) cùng nhóm bạn vào bơi trong Cung văn hóa Lao động trên đường Huyền Trân Công Chúa (phường Bến Thành, quận 1), khu vực dành cho người lớn. Hồ bơi này dài khoảng 50 m, sâu hơn 2 m. Một lúc sau không thấy cháu T. đâu, mọi người đi tìm và phát hiện cháu dưới đáy hồ nhưng không cứu kịp.

Sau tai nạn, gia đình nạn nhân không yêu cầu giám định tử thi cháu T. Đại diện cung văn hóa có đến thăm viếng và hỗ trợ gia đình nạn nhân 40 triệu đồng. Do hai bên không thống nhất được các khoản bồi thường và hỗ trợ, cha mẹ cháu T. khởi kiện yêu cầu cung văn hóa bồi thường 270 triệu đồng. Đó là các khoản mai táng phí (30 triệu đồng), chi phí làm mồ mả (30 triệu đồng) và bù đắp tổn thất tinh thần 210 triệu đồng (60 tháng lương tối thiểu vùng, mỗi tháng 3,5 triệu đồng).

Tại phiên tòa, nguyên đơn bổ sung yêu cầu khởi kiện, đề nghị HĐXX tách bạch tiền bồi thường và tiền hỗ trợ, không khấu trừ số tiền 40 triệu đồng đã hỗ trợ vào tiền bồi thường. Đồng thời, tòa dành quyền khởi kiện cho nguyên đơn trong một vụ án khác để yêu cầu cung văn hóa bồi thường chi phí can thiệp y học nhằm hỗ trợ để vợ anh T. thụ thai và sinh con. Bởi cháu T. là đứa con duy nhất của anh chị, cả hai đã lớn tuổi nên rất khó có con. Bản thân vợ chồng anh T. vốn hiếm muộn, đã can thiệp nhiều phương pháp y học mới sinh được cháu T.

Trong khi đó, phía cung văn hóa chỉ đồng ý bồi thường 30 triệu đồng tiền mai táng, đồng ý bồi thường 60 tháng lương nhưng mức lương áp dụng là lương cơ sở (1.250.000 đồng/tháng). Ngoài ra, cung văn hóa tự nguyện hỗ trợ thêm 20 triệu đồng.

Với số tiền 40 triệu đồng đã trao cho gia đình nạn nhân, bị đơn đề nghị cấn trừ tính vào tiền bồi thường.

Đau lòng vụ xử bé tử vong ở hồ bơi - 1

Vợ chồng anh QVT tại phiên tòa. Ảnh: LỆ TRINH

Lý và tình trong nỗi đau mất mát

Chị O. (mẹ cháu T.) từ đầu phiên tòa đã sụt sùi, nước mắt không ngừng rơi. Luật sư hai bên đưa ra quan điểm tranh luận gần như mặc cả về việc cấn trừ hay không số tiền 40 triệu đồng, vô tình nhắc nhiều đến tình tiết đau thương. Vì thế, tiếng nấc của chị lại dồn dập, làm thắt lòng cả khán phòng.

“Tôi đến đây không phải để bán con. Tôi cần hỗ trợ chủ yếu để có tiền nhờ y học can thiệp cho tôi có lại một đứa con khác để vơi đi phần nào nỗi đau…” - chị O. nức nở.

Chủ tọa giải thích: “HĐXX chia sẻ mất mát với gia đình nguyên đơn. Chúng tôi là phụ nữ, chúng tôi hiểu nỗi đau của chị. Đặc biệt với chị O., chị phải vượt qua bao khó khăn mới sinh được cháu T. thì nỗi đau lại càng lớn. Chính vì vậy mà phiên tòa này… nặng lòng dữ lắm. Có lẽ chúng ta không nên nhắc nhiều về chuyện này. Ngay từ đầu, phía cung văn hóa luôn đặt vấn đề sẽ bồi thường và hỗ trợ, điều này cho thấy thiện chí cũng như ý chí của bị đơn đã nhận mình có lỗi”.

Chủ tọa nói rằng tranh chấp rất rõ của vụ án này là mức lương áp dụng bồi thường. Vì có những quan điểm không thống nhất với nhau về mức áp dụng thì hãy để HĐXX quyết định, nếu không đồng ý, các đương sự có quyền kháng cáo.

Một vị hội thẩm tiếp lời: “Có lẽ hai bên cần có sự chia sẻ, cảm thông nhiều hơn những quy định của luật lệ. Dù rằng cung văn hóa là một đơn vị, thu chi phải có hóa đơn, chứng từ nhưng nếu trong điều kiện cho phép thì hãy sẵn sàng chia sẻ với gia đình, bởi sự mất mát này không thể đo đếm được.

Trong cái tình có cái lý và trong cái lý có cái tình. Tôi cứ đắn đo giữa bồi thường và hỗ trợ, vì hai từ này khác nhau xa lắm. Nhưng trong phiên tòa này mà tách ra thì nó nặng nề vô cùng. Trong những ngày đầu, phía cung văn hóa đến thăm gia đình và gửi tiền hỗ trợ. Tôi nghĩ hoàn toàn hợp lý. Cái rủi ro này không ai mong muốn...”.

Vị hội thẩm đề nghị cung văn hóa xét cái tình lớn hơn, hai bên có thể chia sẻ với nhau, để chị O. có điều kiện mà sinh một đứa con khác.

Không khí phiên tòa như chùng lại, các luật sư vẫn tiếp tục tranh luận nhưng bớt gay gắt hơn, hai bên vẫn bảo lưu quan điểm của mình. Đại diện VKS đề nghị chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn, chấp nhận chi phí mai táng 30 triệu đồng và áp dụng mức lương cơ sở mà bị đơn đề ra.

HĐXX nghị án kéo dài và tuyên bố ngày 11-10 sẽ tuyên án.

Đề nghị tòa ghi nhận quyền khởi kiện vụ án khác

Về yêu cầu ghi nhận quyền khởi kiện cho nguyên đơn khi có thiệt hại khác phát sinh, luật sư Phạm Công Út (bảo vệ quyền lợi cho nguyên đơn) lý giải: Điều 610 BLDS hiện hành quy định thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm chỉ gồm chi phí chữa nạn nhân, chi phí mai táng, tiền cấp dưỡng. Nhưng đến BLDS 2015 (có hiệu lực thi hành vào 1-1-2017), Điều 591 có quy định bổ sung về thiệt hại khác do pháp luật quy định.

Đây là một trường hợp có tính chất thương tâm và hi hữu. Đó là một cặp vợ chồng hiếm muộn, phải nhờ y học mới có được đứa con. Tai nạn xảy ra, bây giờ phải tiếp tục nhờ y học can thiệp để có đứa con khác nên chi phí phát sinh chính là thiệt hại khác. Từ đó, luật sư đề nghị tòa ghi nhận cho nguyên đơn được quyền khởi kiện thành một vụ án khác khi có các chi phí này phát sinh.

Theo LỆ TRINH
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự