Đề thi học sinh giỏi môn Văn bằng hình khiến nhiều người phải bó tay

Ngày 20/09/2017 11:48 AM (GMT+7)

Thông qua hình ảnh về một chiếc thuyền và bóng đèn, học sinh sẽ trình bày quan điểm của mình. Đề thi này tưởng không khó nhưng sự thật lại "khó không tưởng".

Được biết, đề thi môn Ngữ văn (thời gian làm bài 180 phút) nằm trong kỳ thi chọn đội tuyển học sinh giỏi quốc gia THPT năm 2018 của Sở GD&ĐT Bắc Giang tổ chức ngày 17/9 vừa qua. Trong đó, câu 1 (8 điểm) có nội dung như sau: "Hãy viết một bài văn nghị luận trình bày quan điểm của anh/chị về vấn đề được gợi ý từ bức ảnh trên".

Kèm theo đó là hình ảnh về chiếc thuyền nổi trên mặt nước và bóng đèn buộc với chiếc thuyền bị chìm dưới nước.

Đề thi học sinh giỏi môn Văn bằng hình khiến nhiều người phải bó tay - 1

Theo cô Phạm Thị Thanh Bình - Tổ trưởng tổ Ngữ văn, trường THPT chuyên Bắc Giang, một trong những thành viên của tổ ra đề, đây là dạng đề mở để học sinh tự lựa chọn nội dung bàn luận. Mục đích của đề là muốn học sinh tăng cường khả năng quan sát, phân tích và gắn với đời sống thực tiễn.

Dù vậy, đề thi ngắn gọn chiếm 40% trong tổng số điểm này đang trở thành đề tài tranh cãi trên cộng đồng mạng 2 ngày qua. Nhiều người đồng tình cho rằng đề thi mở này mới xứng tầm để chọn học sinh giỏi: "Riêng cá nhân tôi rất thích đề bài này, đã là một đề bài văn nghị luận thì không nhất thiết phải có một đáp án cố định, phải để cho các em tự tư duy, lý giải, phân tích theo nhiều hướng khác nhau, thí sinh nào lập luận vững chắc, phân tích hợp lý, mạch lạc sẽ được điểm cao, đáp án cố định sẽ giới hạn các góc nhìn mới của các em"

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng hình ảnh trên quá mơ hồ: ""Đề này có nhiều vấn đề vì nó không gợi ra được liên tưởng nào có mối quan hệ ràng buộc. Giải thích kiểu nào cũng thấy có lỗ hổng", bạn Cẩm Nhung chia sẻ.

Liên quan đến đề thi trên, cô Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên Ngữ văn của Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) bày tỏ: “Cá nhân tôi thấy kiểu đề yêu cầu bàn luận về những vấn đề đặt ra từ một bức tranh/ảnh là một hướng có thể đưa tới những suy cảm sâu xa mới mẻ, dù không nên lạm dụng vì văn chương là nghệ thuật của ngôn từ. Tuy nhiên, với bức hình trong đề thi trên, quả thật tôi chưa nhìn thấy vấn đề gì ngoài sự áp đặt khiên cưỡng khơi gợi một loạt suy diễn phi lý".

Cô Tuyết nhấn mạnh: "Một đề văn hay là đề văn có khả năng gợi ra những suy nghĩ và xúc cảm sâu sắc, hướng học sinh tới các giá trị Chân -Thiện - Mĩ, phát triển tư duy độc lập sáng tạo, khuyến khích tư duy đa chiều từ cùng một vấn đề, nhưng tuyệt đối không phải đề dung nạp tư duy hay suy diễn loạn chiều với một bức hình không có khả năng biểu đạt một vấn đề một cách mạch lạc, rõ ràng".

T.N
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan