Đi lễ đầu năm, chị em phát hoảng vì bị "móc túi"

Ngày 20/02/2013 06:17 AM (GMT+7)

Tình trạng "móc túi" tại các chùa nở rộ khiến nhiều chị em hoang mang, lo lắng khi đi lễ cầu an, giải hạn đầu năm.

Với lượng người dồn dập đổ về cầu may đầu năm, đền chùa lớn trên địa bàn Hà Nội và các vùng lân cận trở nên quá tải. Đây cũng là điều kiện thuận lợi nạn móc túi hoành hành.

Đang chen chân đặt lễ, khấn vái tại chùa Hà (Cầu Giấy, Hà Nội), chị Mai Hoa (nhân viên một công ty thiết bị điện trên phố Thái Hà) tá hỏa khi chiếc điện thoại Iphone 4S không cánh mà bay. Chiếc túi áo khoác cũng bị rạch một vết lớn từ bao giờ. Mặt ngẩn tò te vì tiếc của, chị vừa nói vừa mếu máo: "Tiết kiệm mãi mới sắm được con Iphone khoảng 1 tuần nay, chỉ một phút sơ sẩy đã bị kẻ gian móc lúc nào không hay".

Chị Lan (42 tuổi, ở Kim Mã) mặt cũng buồn thiu khi toàn bộ 4 triệu đồng vừa được thưởng để trong ví, cùng chứng minh thư, thẻ tài khoản... đã bị kẻ gian móc từ lúc nào không biết.

Đi lễ đầu năm, chị em phát hoảng vì bị quot;móc túiquot; - 1
Người đông nghẹt ở các chùa dịp đầu năm là cơ hội để kẻ xấu móc túi. (Ảnh minh họa)

Gương mặt vẫn còn thất thần bước ra khỏi dòng người đông đúc đang chen chân sắp lễ, chị Lan dơ chiếc túi xách đã bị kẻ gian rạch một đường dài cho những người xung quanh xem. "Tôi đã cẩn thận đeo túi trước người để tránh trộm nhưng chỉ nhoáng một cái, tôi thấy túi xách bị động nên cúi xuống mà không kịp. Tôi nghĩ, kẻ gian trà trộn vào và giả vờ khấn vái, chen lấn rồi ra tay", chị Lan nhận định.

Tiền bạc thì mất sạch, nhưng với chị Lan, nản hơn là toàn bộ các giấy tờ xe, chứng minh thư bị mất vì việc đi làm lại rất tốn thời gian.

May mắn hơn chị Lan, chị Hoa (ở đường Hoàng Hoa Thám) cũng suýt bị kẻ gian móc túi. "Tôi đang khấn vái bỗng bị huých một cái nên chột dạ giơ tay ôm luôn chiếc túi. Tôi nghĩ kẻ gian trà trộn vờ khấn vái, chen lấn rồi ra tay", chị Hoa nhận định rồi chỉ tay về phía người đàn bà mặc áo vàng đang đi nhanh khỏi đám đông.

Một chủ cửa hàng bán hàng mã ngay cổng chùa Hà cho biết thủ đoạn của bọn kẻ gian lợi dụng người đi lễ chùa đông, chen chúc nhau và lúc người đi chùa cúng bái, sơ hở để móc túi, rạch túi lấy trộm tiền, điện thoại, nữ trang...

"Bọn chúng thường hoạt động theo nhóm có cả nam và nữ. Có những trường hợp phát hiện được kẻ rạch túi, nhưng khi nhìn thấy thái độ dửng dưng của những người xung quanh, ánh mắt hung dữ như đe doạ của lũ móc túi, nạn nhân lại thấy sợ, chẳng biết kêu ai", chủ cửa hàng này cho biết.

Cũng theo nhiều người bán hàng ở đây, dù chứng kiến chứng kiến bọn rạch túi, móc túi của nạn nhân, nhận diện được mặt của thủ phạm, nhưng vẫn không dám tố giác hành vi của chúng với cơ quan chức năng vì sợ sẽ bị trả thù.

Trên các diễn đàn, chủ đề này cũng đang được các chị em bàn luận rất sôi nổi. Một mẹ có nickname Timmy90 chia sẻ: "Mùng 6 Tết năm ngoái, mấy chị em đã có gia đình trong công ty rủ nhau chùa đầu năm. Các ông chồng đi lễ nên vest viếc bảnh bảo lắm. hôm đấy về khối ông phải bỏ vest vì bị rạch túi lúc nào không biết. Năm nay rút kinh nghiệm ông nào đi cũng lộn hết túi ra ngoài cho các bạn móc túi biết là trong túi không có tiền khỏi phải rạch làm hỏng mất bộ comple đẹp".

Một mẹ khác chia sẻ kinh nghiệm: "Thủ đoạn móc túi của bọn trộn cướp ngày càng tinh vi, chúng giả làm người đi chùa để móc túi. Hôm vừa rồi đi lễ, trong khi đang chắp tay khấn vái, tôi chợt phát hiện bị móc túi. Theo phản xạ tôi túm lấy tay và quay người lại nhưng lập tức bị 3 người đàn bà ăn mặc rất giản dị, quê mùa cố tình đun đẩy tôi vào phía trong. Lúc này tôi mới hiểu chiêu mới của bọn móc túi, nhìn bọn chúng không ai nghĩ là kẻ cắp chuyên nghiệp. Nếu bị phát hiện chúng sẽ giả vờ là người đi lễ đun đẩy hoặc tìm cách ngăn cản không cho người bị hại có cơ hội bắt được đồng bọn của chúng. Chị em đi lễ đầu năm cẩn thận nhé!".

Vào mỗi dịp Tết, chị Lan Anh (Nghĩa Đô, Cầu Giấy) thường hẹn nhau đi lễ ở những nơi có tiếng là linh thiêng... để mong cả năm được may mắn, mọi việc như ý. Không thể quên việc đứng không yên để khấn vái do bị nhiều người đi lại va chạm và đặc biệt là hai cô bạn bị móc ví trong đêm giao thừa năm ngoái, năm nay chị chọn cách an toàn là không vào bên trong mà chỉ đứng ngoài sân thành tâm cầu khấn.

"Tội phạm giờ có rất nhiều chiêu, chỉ cần mình lơ đễnh một chút là chúng móc và rạch túi. Đầu năm mà xảy ra điều không may thì cả năm sẽ xui xẻo, tôi phải phòng trước", chị Lan Anh chia sẻ.

Để hạn chế nạn trộm cắp hoành hành, ngoài tăng cường lực lượng bảo vệ, tuần tra, hầu như các chùa lớn đều lắp hệ thống camera giám sát. Tuy nhiên, hệ thống này dường như chỉ giảm được phần nào chứ chưa hẳn là "thuốc đặc trị" cho tệ nạn nói trên. Nhiều đối tượng trộm cắp theo dõi người đi lễ chùa từ ngoài cổng nên chỉ cần khách hớ hênh là bị các đối tượng này lợi dụng.

Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan