Đời cay cực của ông lão “nhặt vợ” gần 30 năm sống trên thuyền

Ngày 30/08/2015 18:09 PM (GMT+7)

Con thuyền cũ nát, lụp xụp nằm dưới chân cầu Rạch Chiếc (Q.2, TP.HCM) như chìm lẫn vào đám lục bình dày đặc đang lững lờ trôi trên sông.

Đó chính là nơi định cư gần 30 năm nay của vợ chồng ông Lê Du. Họ đến với nhau cũng thật tình cờ, trong một chuyến đạp xe xích lô ông Du “nhặt” được vợ, rồi hai người cứ thế về ở với nhau. Cuộc sống mưu sinh của họ giữa Sài Gòn phồn hoa nhưng nghèo túng đến nỗi gần như hơn nửa đời người phải ăn cơm thừa, canh cặn của thiên hạ.

Không ngờ mình lại “nhặt” được vợ

Trò chuyện với chúng tôi, ông Du nói mà cổ họng như mắc nghẹn: “Nghèo thì đã nghèo rồi nhưng vợ chồng tôi vẫn phải ráng. Ngoài kiếm tiền lo thuốc thang thì còn phải cố để lo cho hai đứa con trai sau này có tiền mà lấy vợ. Nói thế thôi, tôi mong chúng nó lấy vợ thì được nhà vợ cho ở nhờ, chứ chiếc thuyền cũ này làm sao chứa nổi mấy con người…”. 

Đời cay cực của ông lão “nhặt vợ” gần 30 năm sống trên thuyền - 1

Ông Du trên chiếc cầu tạm bợ bước ra từ chiếc thuyền.

Vượt qua đám cỏ lau um tùm cao hơn đầu người, đất bùn nhầy nhụa sau cơn mưa như trút nước giữa Sài Gòn, chúng tôi mới tìm thấy chỗ đậu của con thuyền. Nhìn từ xa, con thuyền của vợ chồng ông Lê Du (54 tuổi) và bà Lâm Thị Huệ (51 tuổi) giống như một căn hầm dã chiến. Bởi lẽ, nó đã quá cũ nát không thể di chuyển được trên sông và được chắp vá bởi rất nhiều miếng gỗ vụn, bên trong thì tối om. “Tôi tích cóp nhiều năm đi làm phụ hồ mới mua được chiếc thuyền cũ của người ta. Nó rộng 1m và dài hơn 3m nên hơi bí bách. Ai không quen nếu đi từ ngoài bước vô thuyền sẽ thấy ngột ngạt, chứ vợ chồng tôi sống gần 30 năm ở đây nên quen rồi”, ông Du bắt đầu câu chuyện.

Để bước vào khám phá thế giới bên trong của đôi vợ chồng già, chúng tôi suýt nhào xuống sông vì phải đi qua đoạn cầu ván tạm bợ, ngập nước trơn trượt. Chiếc thuyền lụp xụp nhưng chứa đến ba người nên cứ chòng chành như muốn đổ, nước cứ ngấp nghé như chỉ muốn tràn vào nếu người ngồi bên trong né sang chỗ khác. Trong thuyền chỉ có mỗi ông Du, vì bà Huệ đi bán vé số vẫn chưa về. Nhớ về những thàng ngày cơ cực, ông Du cho biết: “Hồi nhỏ, tôi cũng có nhà cửa ổn định nhưng rồi do ba tôi mất sớm, một mình mẹ phải cật lực buôn bán nhang ở khu Chợ Lớn ở quận 5. Nhưng rồi, công việc làm ăn đổ bể mẹ tôi phải bán nhà để trả nợ. Mẹ và 7 anh em tôi không có nhà để ở nên đành phải ra đường sống tá túc qua ngày ở gầm cầu, góc chợ. Tôi không thể quên những đêm nằm ngủ vạ vật, lấy đất làm giường, lấy trời làm chiếu, lấy sương làm màn. Do tôi là con út nên được đi cùng mẹ, còn các anh phải lưu lạc khắp nơi”.

Ngày ấy, để có kế sinh nhai và phụ tiền lo thuốc thang chăm mẹ già đau ốm, ông Du ngày ngày đạp xe xích lô. Tình cờ, một lần ngồi nghỉ ở vỉa hè cạnh quán cơm ven đường, ông đã gặp bà Huệ (quê Trà Vinh) đang làm thuê rửa chén bát cho mấy quán hàng cơm bình dân. Thấy hoàn cảnh của bà cũng nghèo khó, ông chủ động làm quen và hai người từ đó luôn là chỗ dựa của nhau. Câu chuyện của ông Du dễ khiến người ta liên tưởng đến nhân vật anh Cu Tràng trong tác phẩm nổi tiếng “Vợ nhặt” của cố nhà văn Kim Lân. “Nhặt” được vợ rồi, ông Du không còn đạp xích lô, mà cất ngay một cái chòi cạnh miếng đất dưới gầm cầu để trông coi cây cảnh thuê. Chưa được 2 năm thì miếng đất bị giải tỏa, ông Du đi làm phụ hồ, còn bà Huệ vẫn tiếp tục với công việc rửa chén bát thuê.

Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, ông Du tâm sự: “Để vợ và mẹ già không phải sống cảnh gầm cầu, số tiền tích cóp được nhờ đi làm phụ hồ tôi mua một chiếc thuyền. Nói là mua chứ thực ra nửa bán, nửa người ta cho vì chiếc thuyền đã quá cũ. Ngày mới mua về, thi thoảng tôi còn chèo ra sông quăng câu được chứ giờ thì đành chịu. Về “ngôi nhà” mới chưa được bao lâu thì mẹ tôi qua đời sau một cơn bạo bệnh. Trong chiếc thuyền nhỏ hẹp, tôi dành phần đầu mũi thuyền để nơi đặt bàn thờ mẹ. Với tôi, chiếc thuyền cũ nát này giống như một “nhân chứng lịch sử” khi chứng kiến bao thế hệ đến rồi đi của gia đình. Hai đứa con trai của vợ chồng tôi cũng chào đời trên chiếc thuyền này. Sau này lớn lên, có thể tự mưu sinh chúng đều lên bờ lập nghiệp nên hiện giờ chỉ có hai thân già tá túc trên con thuyền chật chội này”.

Kể đến đây, giọng ông bỗng nghẹn lại sau một lúc trầm ngâm ông kể tiếp, ngày trước tôi còn khỏe nên còn đi phụ hồ, hơn chục năm nay nhờ số tiền bán vé số và làm mướn của vợ cộng với tiền vay mượn tôi mua được một chiếc xe honda cũ để chạy xe ôm. Đến giờ, tiền nợ vẫn chưa trả hết. Còn vợ tôi nay ốm, mai đau nên việc bán vé số cũng thất thường lắm.

Đời cay cực của ông lão “nhặt vợ” gần 30 năm sống trên thuyền - 2

Đồ đạc cũ mèm trong chiếc thuyền.

Thèm một chén cơm nóng

Suốt 30 năm qua, cuộc sống của đôi vợ chồng già trên chiếc thuyền cũ nát chẳng thể kể hết gian nan. Năm tháng qua đi, mọi thứ xung quanh đều đã khoác “chiếc áo” mới đến chiếc cầu Rạch Chiếc cũ ngày nào giờ đã thay một diện mạo mới, hiện đại và kiên cố. Duy chỉ mỗi chiếc thuyền của vợ chồng ông bà Du là cũ và ngày càng nát bươm. Thuyền thì vẫn cứ neo đậu chốn cũ, lòng người cũng theo đó mà héo hon dần. “Tiền ăn còn không có, lấy đâu mà cho con cái ăn học. Cũng vì dốt chữ nghĩa, thằng con trai đầu của tôi từng phải ngồi tù vì tội trộm cắp. Nhiều đêm nằm nghĩ, tôi với bà ấy thấy có lỗi với con lắm. Giờ nó ra tù, hai anh em đi phụ hồ giống cha ngày xưa, một năm mới về thăm cha mẹ đôi ba lần. Cuộc sống chúng nó cũng cơ cực lắm”, người cha già xót xa kể.

Giờ đây, ông Du đi chạy xe ôm mỗi ngày cũng được vài ba “cuốc”, có hôm trời mưa dầm dề thì chẳng được đồng nào. Còn bà Huệ vẫn ngày ngày đi bán vé số, cứ đến tầm trưa và chiều bà lại tranh thủ đi phụ quán cơm cho người ta. Năm ngoái, vợ ông bị xe tải tông ngã xuống đường phải vào bệnh viện khâu gần 10 mũi trên đầu và mất hơn một tháng điều trị. Kể từ ngày đó, hôm nào trưa nắng bà ấy lại ngất xỉu nên vé số cũng thường xuyên ế ẩm. Còn tôi, đầu cứ đau nhức thường xuyên nhưng cũng chẳng dám đến bệnh viện khám mà chỉ mua thuốc giảm đau để uống, vì sợ tốn kém.

Trên chiếc thuyền cũ của ông Du, xoong nồi dường như lạnh lẽo hơn. Ông bảo, trên thuyền nhỏ hẹp, bí bách, đồ đạc nằm ngổn ngang xung quanh lại là những thứ dễ cháy nên ông bà chẳng dám thổi cơm trên thuyền. Nói đoạn, ông ngập ngừng: “Thực ra, tiền đâu mà ngày nào cũng có gạo, có thức ăn để nấu. Thi thoảng có ai cho gạo, đôi vợ chồng già này lại đem ra ngoài bãi cỏ nhặt củi để thổi cơm. Người đời vẫn hay bảo nhau “đói ngày giỗ cha, no ba hôm Tết”, còn với vợ chồng tôi thì quanh năm vẫn phải sống lay lắt, nhiều lúc chúng tôi thèm ăn một bát cơm nóng mà không có. Mỗi buổi đi làm phụ bưng bê, rửa chén bát cho người ta xong, cuối buổi bà ấy lại xin cơm thừa ở quán và mấy đồ ăn vụn về để hai vợ chồng cùng ăn. Mấy chục năm nay như vậy rồi, nên tôi cũng thành quen”. Đã qua lâu lắm rồi cái thời quanh năm ăn độn, một hạt cơm cõng đến mấy hạt ngô nhưng họ vẫn phải sống kiếp cơm thừa, canh cặn. Thi thoảng đưa ánh mắt nhìn xa xăm hướng về đám lục bình đang trôi trên sông, người đàn ông sống gần trọn hết đời người này vẫn không khỏi những phút chạnh lòng.

Sống giữa sự hiện đại của một thành phố lớn, thế nhưng sinh hoạt hàng ngày của đôi vợ chồng già cứ như “người rừng”. Vì sống cạnh sông nên mấy chục năm nay việc tắm rửa, giặt giũ của ông bà đều dùng nước sông. Mỗi ngày, họ chỉ dành ra 2.000 đồng để mua nước ngọt uống. Nhớ lại những ngày tắm nước sông bị mẩn ngứa khắp người, đi đâu ông bà cứ gãi sột soạt đến ngượng ngùng với người đối diện. Ông Du cười bảo: “Nhưng lâu dần cũng thành quen, da dẻ cứ như miễn nhiễm được với nước sông ngày càng ô nhiễm”. Câu chuyện của ông Du dừng lại cũng là lúc nước sông tràn vào ghe, nhìn cảnh người đàn ông gầy còm lom khom hì hục tát nước chúng tôi không khỏi xót xa.     

Theo Khôi Nguyên
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot