Đổi tiền lẻ đầu năm: Cấm không ăn thua

Ngày 26/02/2015 13:47 PM (GMT+7)

Nghị định 96 của Chính phủ quy định dịch vụ đổi tiền lẻ không được phép hoạt động, nếu phát hiện sẽ bị phạt từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng. Tuy nhiên, đổi tiền lẻ ở các khu đình chùa, lễ hội vẫn được lách bằng cách mua bán hàng.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ông Đào Minh Tú cho hay, Chính phủ đã ban hành Nghị định 96 về xử phạt với hoạt động không được phép, trong đó có hoạt động đổi tiền lẻ. Nếu bị phát hiện sẽ chịu phạt từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng.

Tiền nào cũng có

Theo ghi nhận, hiện tại dịch vụ đổi tiền lẻ vẫn diễn ra ở các cổng đền, chùa, lễ hội, núp bóng dưới hình thức mua bán hàng hóa rồi trả lại tiền thừa. Ở một số tuyến phố chuyên đổi tiền tại Hà Nội như Đinh Lễ…  thì mệnh giá và số lượng nào cũng có. Người đổi tiền có thể giao hàng đến tận nhà nếu đổi với số lượng lớn.

Tại phố Đinh Lễ, chị H., một người chuyên đổi tiền ở đây cho hay, ngay cả những mệnh giá tiền lẻ Ngân hàng Nhà nước không in mới chị cũng có, khẳng định bao giá rẻ nhất thị trường.

Cụ thể, với đồng mệnh giá 1.000 đồng mới cứng, nguyên seri, nếu đổi 1 triệu đồng, khách hàng sẽ phải trả 1,3 triệu đồng. Mệnh giá 2.000 đồng, nếu đổi 1 triệu đồng, khách hàng sẽ phải trả 1,2 triệu đồng. Mệnh giá 5.000 đồng, đổi 1 triệu đồng khách hàng trả 1,2 triệu đồng.

Ngay cả đồng mệnh giá 500 đồng mới cứng, nguyên seri hiếm, những người đổi tiền tại con phố này cũng sẵn sàng cung cấp với số lượng lớn. Mức đổi hiện tại là khách hàng sẽ trả 850.000 đồng cho tập tiền trị giá 500.000 đồng.

Đổi tiền lẻ đầu năm: Cấm không ăn thua - 1

Khi nhu cầu tiêu dùng tiền lẻ của người dân không còn thì sẽ không còn dịch vụ đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch giá cao. Ảnh: Bảo Anh

hị H. cho hay, mức phí trên đã rẻ đi rất nhiều so với mấy ngày trong Tết khi 1 triệu đồng chỉ đổi được 500.000 đồng tờ 500 đồng đỏ. Tuy nhiên, giá cả sẽ thay đổi theo ngày, theo giờ, đổi lúc nào báo giá lúc đó. Nếu khách có nhu cầu đổi nhiều, người đổi sẵn sàng mang tiền đến giao tận nhà.

Không đổi tiền lẻ nhưng mua thẻ hương để được trả lại

Tại một số khu vực đình, chùa ở Hà Nội như chùa Quán Sứ, Phủ Tây Hồ, chùa Hà…hoạt động đổi tiền lẻ không còn nhộn nhịp như trước. Ở nhiều hàng quán trước đây đổi tiền lẻ công khai thì hiện nay khi khách hàng hỏi đều được trả lời bằng cái lắc đầu không đổi.

Tuy nhiên, nhiều người vẫn có cách “né” luật bằng cách bảo khách hàng mua một món hàng nào đó trong quầy đồ lễ, trả bằng tiền có mệnh giá lớn để nhận lại tiền thừa bằng tiền lẻ. Chủ một cửa hàng đồ lễ tại cổng chùa Quán Sứ rỉ tai khách hàng, không có tiền 500 lẻ đồng đỏ vì mệnh giá này khá khan hiếm, nhưng nếu đổi các mệnh giá lớn hơn một chút như 1.000 đồng, 2.000 đồng, 5.000 đồng thì có. Tiền 1.000 đồng đổi theo tỷ lệ 10 “ăn” 7, 2.000 đồng thì 10 “ăn” 8. Sau đó, khách hàng “mua” một thẻ hương, đưa đồng 500.000 đồng và chủ hàng trả lại số tiền thừa bằng các loại tiền lẻ mệnh giá 1.000 đồng và 2.000 đồng.

Những năm gần đây, chủ trương siết chặt việc đổi tiền lẻ đã được các cơ quan chức năng triển khai bằng nhiều hoạt động cụ thể. Năm nay là năm thứ ba liên tiếp Ngân hàng Nhà nước không phát hành tiền lẻ mới in trong dịp Tết Nguyên đán. Theo Ngân hàng Nhà nước, lợi ích từ việc này giúp tiết kiệm cho ngân sách nhà nước 1.084 tỉ đồng.

Nghị định 96/2014/NĐ-CP cũng quy định rõ, nếu bị cơ quan chức năng phát hiện, người đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch không đúng quy định sẽ bị xử phạt từ 20 triệu đồng - 40 triệu đồng.

Ngày 12/2, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có công điện về việc quản lý và tổ chức lễ hội, trong đó nhấn mạnh: “Nghiêm cấm việc đổi tiền lẻ hưởng phí chênh lệch đặc biệt trong khuôn viên di tích và lễ hội”.

Tại Hà Nội, trước thời điểm Tết Nguyên đán, Ngân hàng Nhà nước Thành phố Hà Nội tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành gồm cán bộ thanh tra của Ngân hàng Nhà nước và Công an Thành phố Hà Nội đi kiểm tra, nhắc nhở tại các khu di tích lớn.Tuy nhiên, về hiệu quả của việc này, ông Hoàng Việt Trung, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thành phố Hà Nội cũng thừa nhận, tuy tình trạng đổi tiền lẻ đã có những chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa thể chấm dứt hoàn toàn. Điều quan trọng nhất là thay đổi trong nhận thức của người dân khi đi lễ, nếu người dân không còn nhu cầu đổi tiền lẻ để gài vào tay Phật, rải tiền lẻ…thì dịch vụ đổi tiền lẻ sẽ không còn.

Đổi tiền lẻ “chợ đen” cũng có “luật ngầm“

Dịch vụ đổi tiền lẻ ‘chém đẹp’ gần Tết Nguyên Đán

Báo quốc tế nói gì về lễ hội chém lợn của Việt Nam?

Lễ hội chùa Hương: Cấm treo thịt, đổi tiền lẻ

Thu Hoài
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Lễ hội