Đồng loạt các BV kêu trời quá tải bệnh nhi

Ngày 04/04/2014 17:45 PM (GMT+7)

Hàng loạt các bệnh viện từ tuyến trung ương đến địa phương ở Hà Nội lâm vào tình trạng quá tải bệnh nhi trầm trọng. BV tuyến trung ương chuyển trả lại bệnh nhân về nhưng tuyến địa phương không thể tiếp nhận vì không còn giường nằm.

1 ca trực 1 điều dưỡng phải chăm sóc 200 bệnh nhân  

Tại BV Nhi Trung ương nhiều bác sĩ chia sẻ với cảm giác bất lực, mệt mỏi vì quá sức. Hơn một tuần qua, rất nhiều ngày bác sĩ phải làm việc quần quật từ sáng sớm đến hơn 23h đêm mà bệnh nhân vẫn xếp hàng dài.

BS Trần Văn Học, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, BV Nhi Trung ương cho biết, 2 tháng trở lại đây BV luôn trong tình trạng quá tải trầm trọng, đặc biệt là bệnh nhân nội trú từ 1400 đã lên đến 1700 ca. Hiện bệnh viện đang có 1693 ca nằm viện, quá tải 30%. Trong đó,  số bệnh nhân nặng cần thở máy từ 100-120 ca; bệnh nhân cần thở ôxy từ 200-250 ca. Số bệnh nhân sởi: 203 ca; bệnh nhân viêm phổi: 200 bệnh nhân.  Tình trạng thiếu máy thở diễn ra trầm trọng ở hầu hết các khoa Hô Hấp, Truyền nhiễm, Cấp cứu, Sơ sinh…. khiến công tác chăm sóc điều trị cho bệnh nhân gặp rất nhiều khó khăn.

PGS.TS Đào Minh Tuấn, Trưởng khoa Hô Hấp, BV Nhi Trung ương cho biết thêm, hiện Khoa đang điều trị trên 200 bệnh nhân, có 118 bệnh nhân phải thở oxy. Trong khi đó cả khoa có 14 BS, 36 điều dưỡng.

“Hiện tại ở khoa, mỗi bác sĩ phải điều trị cho 21 bệnh nhân, mỗi tua trực một điều dưỡng phải chăm sóc cho 200 bệnh nhân. Số bệnh nhân phải thở máy quá đông nên hiện tại 4 bệnh nhi phải chung nhau 1 ổ oxy”, PGS.TS Tuấn nói.    

Tại Khoa Truyền nhiễm tình trạng cũng tương tự, với trên 200 bệnh nhân nhiễm sởi đang điều trị trong điều kiện thiếu máy thở, máy tiêm truyền.

Đồng loạt các BV kêu trời quá tải bệnh nhi - 1

Quá tải khiến nhiều bệnh nhi phải chung nhau 1 ổ oxy

PGS.TS Lê Thanh Hải cho biết, BV đã tìm đủ giải pháp để đáp ứng nhu cầu người bệnh như bố trí điều chuyển nhân lực, trang thiết bị của các khoa; đưa phòng của bác sỹ thành buồng bệnh nhân; tăng thêm giờ làm của nhân viên y tế…. song tình trạng quá tải vẫn đang ở giai đoạn “nghiêm trọng”.

“Các bác sĩ phải gồng mình lên để khám bệnh mà vẫn không xuể. Lãnh đạo bệnh viện luôn nhắc nhở anh em dù căng thẳng đông bệnh nhân, vẫn phải kiềm chế nhưng nhiều nhân viên nói như phát khóc: bệnh nhân thì đông, nhiều người nhà, người bệnh không có ý thức càng mệt mỏi, dễ sinh cáu gắt. Có anh em mệt quá còn khóc với lãnh đạo khoa: nếu không bố trí thêm nhân lực hỗ trợ sẽ nghỉ làm vì thực sự là kiệt sức”, PGS.TS Hải chia sẻ.

Tại Khoa Nhi, BV Bạch Mai, bệnh nhân đến khám và nhập viện cũng đông nghịt, phòng nào cũng phải nằm ghép 2-3 bệnh nhi/giường, thậm chí có giường ghép tới 7 trẻ.

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai cho biết, những ngày thường chỉ có khoảng 70-90 bệnh nhi tới khám nhưng hiện tại con số này đã tăng lên gấp đôi. Số trẻ nhập viện nội trú điều trị cũng lên đến 110-130, trong khi khoa chỉ có 60 giường bệnh.

 Quá tải khiến hàng nghàn bệnh nhân bị lây nhiễm chéo

Trước tình trạng quá tải trầm trọng, vượt quá khả năng khám chữa bệnh dù là bệnh viện tuyến trung ương, PGS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc BV Nhi Trung ương đã khẩn thiết kêu cứu Bộ Y tế trong buổi làm việc với Cục Khám Chữa bệnh ngày hôm nay.

Đồng loạt các BV kêu trời quá tải bệnh nhi - 2

Tất cả các giường bệnh đều phải nằm ghép ít nhất 3 bệnh nhi

“Đây không phải là vấn đề riêng của bệnh viện Nhi Trung ương mà là vấn đề chung của ngành y tế, vượt tầm kiểm soát của bệnh viện. BV Nhi Trung ương đề nghị Cục Khám chữa bệnh phải ra các văn bản yêu cầu các bệnh viện làm tốt công tác chuyển viện. Phải ổn định bệnh nhân, liên hệ trước khi chuyển viện và giao bệnh nhân tốt. Có những trường hợp chữa được ở tuyến dưới nhưng vẫn chuyển lên tuyến trên. Hoặc có trường hợp bệnh nhân tuyến dưới được đưa đến cổng BV tuyến trên mới liên hệ trong khi ở tuyến trên quá tải không còn chỗ nằm, vận chuyển không an toàn, bệnh nhân được chuyển đến đã ngừng thở, ngừng tim”, PGS.TS Hải nói.

PGS.TS Hải cảnh báo, tình trạng quá tải trầm trọng còn khiến nhiều bệnh nhi trở nặng vì bội nhiễm.

“Đang là thời điểm giao mùa, rất nhiều bệnh nhi đến viện lúc đầu chỉ là viêm đường hô hấp đơn giản nhưng sau đó đứa trẻ bị bội nhiễm viêm phổi, phải điều trị vì nhiễm khuẩn trong bệnh viện, trường hợp này nếu bệnh nhân cứ điều trị tại tuyến dưới thì đã không phải rơi vào tình cảnh đó”, PGS.TS cho biết.

PGS.TS Phạm Nhật An, Phó giám đốc, BV Nhi Trung ương cũng bất bình chia sẻ tại Khoa Hô hấp của BV giờ toàn bệnh nhi viêm phổi. Với bệnh lý viêm phổi thông thường hoàn toàn có thể chữa được ở Bv tuyến huyện, tuyến tỉnhnhưng vẫn chuyển lên điều trị tại tuyến trung ương.

“Không ít bệnh nhân viêm phổi chỉ cần uống một loại thuốc kháng sinh là khỏi nhưng sau 5-7 ngày nằm viện trở về nhà quay lại kiện bệnh viện vì mắc sởi. Họ viết đơn khiếu nại yêu cầu bệnh viện đền bù vì gây bệnh cho con… Có trường hợp bệnh nhân bị viêm phổi trước khi mổ phải hoãn mổ nhưng nhất quyết nằm viện ăn vạ tại viện cả tháng… Một bệnh nhân làm mất bao nhân lực của bệnh viện, bệnh viện phải gánh chịu sức ép về những điều vô lý”, PGS.TS An nói.

Chia sẻ vấn đề này, bà Lưu Thị Liên, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, các bệnh viện của Hà Nội cũng đang lâm vào tình trạng quá tải trầm trọng. BV Xanh Pôn có 120 giường bệnh khoa Nhi nhưng hiện có 400 bệnh nhi đang nằm điều trị, BV Thanh Nhàn có 120 bệnh nhân/60 giường bệnh; khoa Nhi BV Hà Đông có 120 bệnh nhi/60 giường bệnh.

“BV Nhi Trung ương trước có đề nghị chuyển 4 bệnh nhân nặng về BV Xanh Pôn vì quá tải nhưng phía BV Xanh Pôn cũng không thể tiếp nhận được vì 4 trường hợp này ôm hết máy thở thì các trường hợp khác của bệnh viện không còn máy thở để điều trị, trong khi số trẻ nhập viện ngày càng nhiều”, bà Liên cho biết.

Trước thực trạng các bệnh viện đồng loạt kêu trời vì quá tải, ThS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế đề nghị các bệnh viện cần kiểm soát phòng ngừa tốt nhiễm khuẩn nơi bệnh viện để trẻ không bị lây nhiễm chéo. Còn về vấn đề chuyển tuyến, Bộ Y tế đã có chỉ đạo và thông tư về chuyển tuyến đang được xem xét.

Tuy nhiên, ThS Khoa thừa nhận việc hạn chế người dân vượt tuyến là bài toán khó bởi người bệnh được tự quyền chọn cơ sở khám chữa bệnh, khi người nhà yêu cầu được chuyển viện, bệnh viện tuyến dưới vẫn phải tuyển. Nếu lên tuyến trên thấy nhẹ, yêu cầu chuyển về tuyến dưới, bệnh viện tuyến dưới vẫn phải thực hiện tiếp nhận. Nhưng việc chuyển này cũng chịu rất nhiều áp lực xã hội, chuyển bệnh nhân về có 100 ca tốt nhưng chỉ cần 1 ca tử vong thì bệnh viện sẽ chịu rất nhiều áp lực.

Mai Hương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan