Đừng mua giá đỗ thân trắng ngần, mọng nước

Ngày 17/07/2013 16:06 PM (GMT+7)

Giá đỗ thân trắng, mọng nước, để lâu ngoài trời nắng hoặc nhiệt độ cao mà vẫn trắng mọng, không bị thâm hoặc héo là giá đỗ có tẩm hóa chất.

Những thông tin phát hiện giá đỗ có chứa chất kích thích tăng trưởng làm cho nhiều chị em lo ngại khi mua loại rau giàu giá trị dinh dưỡng này. Dưới đây là một số cách phân biệt giá đỗ không sử dụng hóa chất được mách lại bởi các chuyên gia và một số chị em có kinh nghiệm.

Thân mập, phơi nắng vẫn trắng

Thân mập, phơi nắng cả buổi mà vẫn trắng vẫn tươi thường là loại giá đỗ có sử dụng hóa chất trong quá trình trồng. Đặc điểm dễ nhận thấy nhất là thân rất trắng, mập, mọng nước, rễ ngắn, để khô ngoài trời rất lâu cũng không thấy bị thâm hay héo.

Đừng mua giá đỗ thân trắng ngần, mọng nước - 1

Một cơ sở giá đỗ bị phát hiện dùng hóa chất (Ảnh ANTĐ)

Là một người giàu kinh nghiệm nội trợ, cô Hoàng Thị Hạnh, trú tại Vĩnh Hồ, quận Đống Đa, Hà Nội cho hay, ngày xưa khi những người làm giá còn ít sử dụng hóa chất, chỉ sản xuất đơn thuần là giá đỗ sạch thì khi mang ra chợ bán, đều phải ngâm giá đỗ vào thau nước, sau đó, ai mua mới vớt ra bán. Còn bây giờ, giá đỗ ngoài chợ dù để cạn cả buổi vẫn thấy trắng mọng mà không hề hấn gì.

Khảo sát tại các chợ đều thấy hiện tượng như cô Hạnh nói. Tại các quầy bán rau, giá đỗ được để trên cạn hoặc trong túi bóng ngoài trời mùa hè nắng nóng tới 37 độ C – 38 độ C, nhiều loại rau khác bị héo rũ mà giá đỗ vẫn tươi rói, trắng ngần.

Nên mua giá đỗ có rễ phụ

Lo ngại giá đỗ mua ngoài chợ không an toàn, nhiều chị em đã tự mua đỗ về và trồng giá. Hiện, có loại đỗ chuyên để trồng giá có bán khá phổ biến tại các siêu thị hay cửa hàng tiện ích.

Sau nhiều lần trồng và đã có kinh nghiệm, chị Nguyễn Thu Hà, Hoàng Mai, Hà Nội chia sẻ, giá đỗ mình trồng ra dù khéo đến mấy cũng không thể trắng bằng giá đỗ mua ngoài hàng.

Chị Hà kể: “Có lần mình thử nén thật chặt để xem giá đỗ có mập và trắng được như mua ở ngoài không thì cây giá có trắng hơn, thân cây giá mập hơn nhưng quả thật vẫn không thể sánh bằng giá đỗ bán ngoài hàng. Đặc biệt, nếu để ra ngoài một lúc là giá dễ bị thâm, xỉn màu lại và dễ bị héo hơn”.

Đừng mua giá đỗ thân trắng ngần, mọng nước - 2

Rễ giá đỗ tự làm thường có rễ phụ nhỏ mọc ra từ rễ chính dài (Ảnh Lê Lan)

Để phân biệt giá đỗ sạch không khó, ngoài việc nhìn màu sắc xem có bị thâm khi để ra ngoài hũ giá hay không, chị em có thể dựa vào nhiều đặc điểm khác nữa của cây giá.

Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ NN&PTNT cho hay, giá đỗ có sử dụng hóa chất thường có thân cây giá to, rễ mầm ngắn, không có rễ phụ, thân trắng mọng nước, thời gian bảo quản lâu từ 3-5 ngày và trông rất bắt mắt.

Còn giá đỗ sạch không sử dụng hóa chất để trồng thường có thân cây nhỏ, rễ mầm thường dài, có nhiều rễ phụ, có lá mầm, dễ héo khô khi tiếp xúc với không khí nóng, thời gian bảo quản ngắn và hình thức không được đẹp mắt bằng giá có ngâm hóa chất.

Đặc biệt là ở đặc điểm rễ của cây giá. Nhìn kỹ thì rễ giá sạch thường có những nhánh rễ phụ. “Giá sạch thường không dùng hóa chất kích thích nên thời gian trồng sẽ lâu hơn, rễ vì thế thường dài và ngoài rễ chính thường có các nhánh rễ phụ ngắn hơn đâm ra từ dễ chính”, chị Hà nói.

Theo Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ NN&PTNT, năm ngoái, đoàn Thanh tra của Cục đã tiến hành kiểm tra đột xuất 7/33 cơ sở sản xuất giá ăn ở TP.HCM. Kết quả cho thấy, Cục đã phát hiện có hóa chất 6-benzylaminopurine thuộc nhóm cytokinin và gibberelin A28 có nguồn gốc từ Trung Quốc. Người sản xuất dùng hoạt chất này trong quá trình ngâm giá để kích cho giá đỗ nhanh nảy mầm, thân mập, ít rễ, tăng trọng lượng giá đỗ nhằm thu lời nhiều hơn.

Giá đỗ là một loại rau giàu giá trị dinh dưỡng, hàm lượng Vitamin C phong phú, có tác dụng phòng chống các bệnh về tim mạch do giảm được lượng cholesterol và chất béo trong thành mạch máu và còn có công dụng hỗ trợ chữa nhiều bệnh. Giá đỗ xanh có thể ăn sống, dầm giấm, muối dưa, luộc, xào hoặc phối hợp với nguyên liệu khác để chế biến nhiều món nộm, món ăn chín khác nhau. Hiện tại Hà Nội có những nơi, chị em sản xuất giá sạch để bán ở chợ gần nhà hoặc bán cho bà con lối phố với quy mô nhỏ. Ở chợ cóc trong ngõ 173 Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, Hà Nội cũng có một chị chuyên bán giá tự làm. Ở những khu phố khác, chị em nên để ý, nếu tìm được những nơi như vậy thì có thể mách nhau mua ở đó để đảm bảo mua được giá sạch, góp phần tẩy chay giá bẩn ngâm hóa chất. Tự trồng giá cũng là một cách làm rất tốt và đơn giản để đảm bảo sức khỏe gia đình đối với những gia đình không quá bận mải với công việc.

Thu Hoài
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan