“Đường lên đỉnh Fansipan dốc dựng đứng như bức tường”

Ngày 11/06/2016 19:35 PM (GMT+7)

Đường từ điểm Cát Cát lên tới đỉnh Fansipan hiểm trở, dốc đứng, bùn trơn trượt, có thể đoạt mạng người bất cứ lúc nào…

Vừa qua, vụ việc du khách Aiden Shaw Webb, 22 tuổi, quốc tịch Anh thiệt mạng khi chinh phục đỉnh Fansipan (huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai) đã khiến dư luận bàng hoàng, xót thương. Nhiều “phượt thủ” đã chia sẻ kinh nghiệm vượt qua cung đường “tử thần” khi leo lên đỉnh Fansipan.

3 tuyến đường chính lên đỉnh Fansipan

Anh Nguyễn Nam Khánh, hướng dẫn viên du lịch của một công ty ở SaPa, người từng 32 lần chinh phục đỉnh Fansipan cho hay, du khách muốn chinh phục “nóc nhà Đông Dương” thường đi qua 3 cung đường chính là Trạm Tôn; Chín Sải; Cát Cát. Đây là 3 cung đường được chính quyền địa phương cấp phép, cho khai thác du lịch.

Cung đường từ Trạm Tôn lên đỉnh Fansipan có chiều dài khoảng 16km. Đây là cung đường dành cho nhà leo núi nghiệp dư và dân du lịch thường chọn vì ít nguy hiểm, tốn ít thời gian. Cung đường này có ít vắt và ít dốc. Du khách chủ yếu đi đường bằng và bám rễ cây trèo lên. Nếu đi nhanh, du khách có thể đi về trong ngày, hoặc theo hành trình sẽ mất 2 ngày 1 đêm.

“Đường lên đỉnh Fansipan dốc dựng đứng như bức tường” - 1

Cung đường từ bản Cát Cát lên đỉnh Fansipan có những đoạn dốc dựng đứng như bức tường (ảnh: Nguyễn Nam)

Đường từ bản Sín Chải (độ cao khoảng 1.260m) lên Fansipan có nhiều dốc cao dựng đứng, nhất là chặng từ Sín Chải lên độ cao 2.200m. Du khách thường chọn tour đi tuyến đường này trong khoảng 2 ngày. Từ điểm cao 2.700m theo đường Sín Chải, du khách phải vượt qua các vách đá dựng đứng và khoảng hơn 100m cuối cùng đường lầy lội.

Đường từ bản Cát Cát lên Fansipan (độ cao 1.260m), đây là cung đường dài nhất với 37km đường núi. Du khách đi cung đường này thường chọn tour khoảng 4 ngày và phải đi men theo những ngọn núi thấp, xuyên qua những cánh rừng và đi ngược thác để vượt núi. Đặc biệt, du khách phải vượt qua nhiều con suối và dòng sông “hung bạo” khi mùa mưa lũ đến. Những “phượt thủ” có kinh nghiệm mới dám chọn đi cung đường này.

Cung đường “đoạt mạng” khu khách

Anh Nguyễn Văn Nam (SN 1985), quê ở Yên Bái, người từng chinh phục đỉnh Fansipan 132 lần cho hay, trong 3 cung đường nêu trên thì cung đường từ bản Cát Cát lên đỉnh Fansipan là cung đường khó khăn, nguy hiểm nhất. Chỉ cần du khách sẩy chân ngã, cung đường này có thể “đoạt mạng người” bất cứ ai.

“Đường lên đỉnh Fansipan dốc dựng đứng như bức tường” - 2

Để lên đỉnh Fansipan, du khách phải vượt qua nhiều vách núi, suổi hiểm trở (ảnh Nguyễn Nam)

Cung đường này có 3 điểm nguy hiểm nhất: Từ chân núi lên đến độ cao 2.200m, đường rất khó đi bởi bùn đất trơn trượt. Đoạn đường này có nhiều vắt. Đặc biệt, tại điểm cao 1.800 m, đường dốc ngược theo dòng thác dựng đứng với những khối đá tảng trơn trượt. Du khách phải đi chậm từng bước.

Anh Nam nhớ lại: “Cách đây khoảng 2 năm, một khách du lịch người Đan Mạch khi leo Fansipan đã bị trượt chân ngã trên đoạn đường này. May mắn, vị khách này chỉ bị xây xước nhẹ. Cũng có khách khi leo lên tới độ cao 1.800  muốn bỏ cuộc vì sợ, nhưng rồi các thành viên trong đoàn chúng tôi động viên, an ủi, sau đó lại tiếp tục hành trình”.

Kế tiếp là điểm từ độ cao 2.400m đến đỉnh 3.000m của dãy núi Hoàng Liên Sơn. Đoạn đường này, gió thổi lớn, việc di chuyển của du khách cực kỳ khó khăn. Nhiều đoạn đường chạy qua những vách núi chênh vênh và những con suối cao. Đặc biệt, ở độ cao này, không khí lạnh và loãng sẽ khiến cho nhiều du khách mệt mỏi, khó thở.

“Trên tuyến này, có những đoạn đường dốc đứng đến mức mà chúng tôi cảm tưởng như mũi sắp chạm vào dốc. Đường đi dốc dựng đứng giống như một bức tường”, anh Nam chia sẻ.

Người từng chinh phục đỉnh Fansipan 132 lần cho hay, điểm nguy hiểm cuối cùng là từ độ cao 3.000m đi xuống mặt núi ở Lai Châu. Đoạn đường này dốc đứng, đá trắng bám rêu nên rất trơn trượt. “Nguy hiểm nhất ở độ cao 2.700m, đoạn đường chỉ dài 300 thôi nhưng đá trơn, giầy đi lên gần như không bám. Nhiều “phượt thủ” nước ngoài đi đến đoạn đường này đều ngán ngầm, lắc đầu kinh hãi”, anh Nam kể.

Theo lời anh Nam, ngoài 3 cung đường nêu trên, nếu du khách chọn đi cung đường khác sẽ rất khó khăn, tính mạng bị đe dọa. Bởi vì du khách sẽ phải tự phát cây mở đường đi, trải qua những vách núi hiểm trở.

Du khách rất dễ bị lạc đường. Trong trường hợp như vậy, khả năng sống sót thấp. Do vậy anh Nam khuyến cáo, nếu du khách có ý định muốn chinh phục đỉnh Fansipan thì nên đi theo 3 tuyến đường du lịch nêu trên và làm theo chỉ dẫn của hướng dẫn viên.

Theo Nguyễn Đức
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Phượt thủ người Anh mất tích ở Fansipan