Gần 1.000 người ngộ độc vì thực phẩm trong quý I

Ngày 08/04/2016 11:37 AM (GMT+7)

Cục An toàn thực phẩm cho biết, trong quý I năm 2016, toàn quốc ghi nhận 25 vụ ngộ độc thực phẩm với 969 người mắc, 669 người đi viện và 02 trường hợp tử vong...

Sáng 8/4, Cục An toàn thực phẩm  (Bộ Y tế) đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác An toàn thực phẩm quý I và triển khai tháng hàng động vì An toàn thực phẩm năm 2016.

Tại Hội nghị này, Cục An toàn thực phẩm cho biết, trong quý I năm 2016, toàn quốc ghi nhận 25 vụ ngộ độc thực phẩm với 969 người mắc, 669 người đi viện và 02 trường hợp tử vong. So với 2015, số vụ ngộ độc giảm 6 vụ, số mắc giảm 106 người, số người đi viện giảm 303 người, và số người tử vong giảm 7 người.

Theo Cục An toàn thực phẩm, trong số các vụ ngộ độc thực phẩm chủ yếu là ở gia đình, ngộ độc tại bếp ăn tập thể và bếp ăn trường học. Nguyên nhân ngộ độc thực phẩm chủ yếu là do vi sinh vật (09 vụ), ngộ độc do độc tố tự nhiên là 3 vụ, ngộ độc hóa chất 1 vụ còn lại là chưa xác định. Trong đó, ngộ độc do độc tố tự nhiên thì ngộ độc do nấm độc và cá nóc, ốc biển là điển hình nhất.

Gần 1.000 người ngộ độc vì thực phẩm trong quý I - 1

Cần tăng cường kiểm tra rau, thịt trên thị trường.

Cũng tại Hội nghị này, Cục ATTP đã phổ biến kế hoạch triển khai “Tháng hành động vỉ An toàn thực phẩm” năm 2016. Mục tiêu của tháng hành động năm nay nhằm nâng cao nhận thức của người sản xuất về vấn đề an toàn thực phẩm, trong đó tập trung chủ yếu ở rau thịt.

Trong đó, cần tập trung giải quyết căn bản những bức xúc nổi cộm của người dân về vấn đề tồn dư thuốc kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm, đặc biệt là rau, thịt. Ngoài ra, cần tập trung thanh tra, kiểm tra để giảm thiểu tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm.

Ngoài ra, Cục An toàn thực phẩm cũng cho biết, sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm giúp người dân lựa chọn được thực phẩm sạch, không sử dụng hoặc ăn uống tại các quán ăn mất vệ sinh an toàn thực phẩm,...

Để làm được như vậy, Ban Chỉ đạo liên ngành về Vệ sinh An toàn thực phẩm Trung ương sẽ tổ chức 6 đoàn thanh, kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra tại các tỉnh trọng điểm, đặc biệt là các thành phố lớn và các tỉnh có cửa khẩu biên giới lớn trên địa bàn cả nước.

Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự