Gặp bé gái còn lại sinh ra bằng thụ tinh ống nghiệm

Ngày 25/09/2013 10:56 AM (GMT+7)

Cùng với Phạm Tường Lan Thy, em Lưu Tuyết Trân là một trong hai bé gái đầu tiên của Việt Nam ra đời bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm.

Cũng như gia đình hai bé Phạm Tường Lan Thy, Mai Quốc Bảo, chị Trần Thị Bạch Tuyết vẫn không bao giờ quên được cái ngày 30/4/1998. Ngày ấy của 15 năm về trước, đứa con gái đầu lòng của chị Bạch Tuyết (48 tuổi) và anh Lưu Tấn Trực (TP.Mỹ Tho, Tiền Giang) chào đời. 3 đứa trẻ được sinh ra thành công bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm là một thành tựu lớn của y học Việt Nam. Với riêng chị Tuyết, đó là niềm vui lớn nhất mà “giờ kêu tôi tả lại cảm xúc ấy sau 15 năm tôi vẫn không thể tả lại được, chỉ biết là rất hạnh phúc”, chị Tuyết bồi hồi nói.

“Châu báu” trong nghèo khó

Trong thời gian đằng đẵng 11 năm khi hai vợ chồng kết hôn vẫn không thể có con, chị Tuyết không thể nhớ đã bao lần đi từ đêm lên Sài Gòn chạy chữa, bao nhiêu tiền bạc hai vợ chồng đã bỏ ra những mong tìm một mụn con. Khi phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm mà bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, khi ấy là giám đốc bệnh viện phụ sản Từ Dũ mang về Việt Nam thực hiện thành công với hai vợ chồng, họ liền nghĩ ngay cái tên Lưu Tuyết Trân để đặt cho con gái mình.

Gặp bé gái còn lại sinh ra bằng thụ tinh ống nghiệm - 1

Hai mẹ con chị Bạch Tuyết và con gái Tuyết Trân.

Chị giải thích: “Lưu là họ cha, Tuyết là tên mẹ còn Trân nghĩa là ngọc ngà, châu báu. Ý nói con gái mình quý như châu báu”. Hỏi về cuộc sống của gia đình sau khi con, chị Tuyết mở đầu bằng sự buồn bã: “Là châu báu của cha mẹ nhưng Trân chịu nhiều thiệt thòi. Nhiều lúc tôi thấy tủi lắm”.

Niềm vui ngắn chẳng tày gang, cái sự “tủi lắm” của chị Tuyết bắt đầu từ khi Trân được 1 tuổi thì ba bị ung thư gan. Trước kia, khi còn đi chạy chữa bệnh vô sinh, công việc bán hàng và nhân viên ở xã của chồng vẫn đủ sống. Rồi anh Trực bị bệnh, việc làm phải nghỉ, kinh tế gia đình sa sút. Năm Trân 2 tuổi thì ba mất, để lại một mình chị Tuyết bươn chải nuôi con ăn học.

“Đó là thời điểm khó khăn nhất, tôi chỉ còn cách dọn sang nhà bà ngoại và đi làm thuê. Đã thế, khi ấy bé Trân còn hay bị bệnh khiến tôi càng thêm chật vật. Nhưng may trời vẫn thương, không cho mình bị ốm đau gì nên vẫn đủ sức gồng gánh nuôi con”, chị Tuyết nghẹn ngào nhớ lại.

Chị đi làm thuê, làm mướn. Người ta nhờ chị may đồ gia công. Một tháng chị được nhận khoảng 300 ngàn tiền công nhưng số tiền đó không đủ để gửi nhà trẻ, để khám bệnh cho Trân. Cô bé khi ấy còi cọc, phát triển chậm và hay bị nóng sốt, co giật. Một thời gian, chị tìm sang kế sinh nhai khác, đi làm tiếp thị sản phẩm. Mãi đến năm 2006, chị mới xin được vào làm nhà nước, dần dà cuộc sống mới tạm đi vào ổn định. Chị kể lại: “Có công việc ổn định tôi bắt đầu dành dụm tiền để mua nhà. Đến năm 2011, mượn thêm tiền nhà nước cùng sự giúp đỡ của họ hàng mới cất được căn nhà rộng 48m2 để cho Trân bớt tủi vì không có nhà”

Chẳng là khi đi làm cơ quan nhà nước, chị Tuyết còn xin thêm việc làm bảo vệ ở cơ quan buổi tối. Vì muốn kèm cặp con cái nên cứ sau giờ làm chị về nhà ngoại đón bé Trân mang sách vở đến cơ quan học bài và ngủ lại. Chị kể, nhiều lần Trân hỏi vì sao con không có nhà để ở, và chị chỉ còn biết ôm con vào lòng…

“Em sẽ làm tiếp viên hàng không nuôi mẹ”

Nói về Tuyết Trân, người mẹ chia sẻ: “Hồi Trân còn bé tôi cứ hay so con mình với Lan Thy, Quốc Bảo. Mỗi lần lên Sài Gòn tổ chức sinh nhật cho 3 bé, nhìn thấy hai bé còn lại tròn trịa trong khi con mình còi quá lại thấy thương”. Bao tình thương, chị dành hết con cho con. Cô bé Trân hiểu được điều ấy nên rất ngoan, luôn nghe lời mẹ.

Gặp bé gái còn lại sinh ra bằng thụ tinh ống nghiệm - 2

Tuyết Trân đang là học sinh lớp 10, trường THPT Trần Hưng Đạo, TP.Mỹ Tho, Tiền Giang.

Gặp bé gái còn lại sinh ra bằng thụ tinh ống nghiệm - 3

Ước mơ của Trân là làm tiếp viên hàng không, kiếm tiền nuôi mẹ.

Tuyết Trân chia sẻ: “Trong nhà chỉ có hai mẹ con, nên em thương nhất chỉ có mẹ thôi. Em luôn cố gắng học, nghe lời mẹ để không làm mẹ buồn. Em gặp chuyện gì em cũng đều kể cho mẹ nghe hết”. Mới đây, Trân mới hiểu rõ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm là gì, biết vì sao, ý nghĩa sự chào đời của mình. Trân liền đem kể với bạn bè cùng lớp, trường THPT Trần Hưng Đạo. Trong đám bạn có người khen, người chọc. “Một vài đứa chọc em là mày không phải con mẹ mày. Em không buồn. Em kể với mẹ thì mẹ khuyên lớn lên các bạn ấy sẽ hiểu”, Trân nói.

Với Tuyết Trân, việc học giờ là nhiệm vụ quan trọng nhất, môn giỏi và thích nhất là Văn học. Sau giờ học, Trân phụ giúp mẹ việc nhà và ca hát. Tuyết Trân nói mình thích hát lắm, hay tham gia các phong trào văn nghệ của trường. Nhưng ước mơ của Trân là trở thành một tiếp viên hàng không.

“Trong số con gái lớp em thì em đứng thứ nhì về chiều cao, là 1m65. Em cũng chưa hiểu nhiều về làm tiếp viên hàng không, chắc là cần chiều cao và giỏi ngoại ngữ. Em cũng học được ngoại ngữ nên sẽ cố gắng, để sau này còn đi làm nuôi mẹ nữa”, cô bé hồn nhiên chia sẻ.

Theo Như Quỳnh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan