Gặp cậu học trò nghèo xứ Nghệ đỗ thủ khoa

Ngày 02/08/2014 10:43 AM (GMT+7)

Cậu học trò nghèo giàu nghị lực trường THPT Lê Viết Thuật (TP.Vinh) vừa giành vị trí thủ khoa khối A Trường Sỹ quan Lục quân 1.

Kỳ thi tuyển sinh đại học vừa qua, em Hoàng Nghĩa Bính, HS lớp 12T1, trường THPT Lê Viết Thuật, đậu thủ khoa trường Sỹ quan Lục quân 1 với 26 điểm (Toán 8.5, Lí 8.5, Hóa 9 điểm). Sau khi biết tin này, dân làng xóm Phong Quang và cả xã Hưng Hòa, thành phố Vinh, ai ai cũng thật sự vui mừng như chính con, cháu ruột thịt của mình vậy.

Bính sinh ra trong một gia đình thuần nông, bố em đau ốm từ khi em còn nhỏ. Mới ngoài 40 nhưng ông Hoàng Nghĩa Nhâm (bố Bính) trông như đã gần 60, chỉ ở nhà làm việc vặt, hôm nào khỏe thì đi chăn dắt con bò, chị Trần Thị Thảo (mẹ Bính) đi phụ hồ kiếm tiền, trang trải cuộc sống và chi tiêu học tập cho 2 anh em Bính.

Xuống xã Phong Quang thăm nhà Bính trong một buổi chiều nắng gắt của miền Trung, chúng tôi thật sự cảm phục ý chí và nghị lực của em, thật sự cảm thông với nhưng gian truân mà em đã trải qua những năm tháng học trò dưới chính ngôi nhà của mình.

Gặp cậu học trò nghèo xứ Nghệ đỗ thủ khoa - 1

Em Hoàng Nghĩa Bính, HS lớp 12T1, trường THPT Lê Viết Thuật, đậu thủ khoa trường Sỹ quan Lục quân 1 với 26 điểm

Ngôi nhà của bố mẹ Bính cũng là nhà ngói 5 gian, nhưng nhỏ nhắn và thấp tè. Ngôi nhà do ông bà để lại, có tuổi thọ chắc chắn nhiều hơn chính tuổi của bố em, cột và những đồ gỗ khác của ngôi nhà đã lên meo mốc, ngói cũng đã quá cũ... Trong nhà, không có bất cứ một thứ đồ đạc gì có giá trị, trừ chiếc ti vi nhỏ cũng đã hơn 10 năm sử dụng.

Hỏi thăm góc học tập, Bính chỉ tủm tỉm cười, rồi nhỏ nhẹ: "Em học ngay cái bàn này, khi có khách thì bố mẹ tiếp khách, còn không thì nó là nơi học tập của 2 anh em".

Đó là một chiếc bàn ăn nhãn hiệu Xuân Hòa, đã cũ, 2 anh em học 2 phía bàn. Sách vở tài liệu học tập, tất cả cho vào chiếc tủ gỗ cũ để bên cạnh. Chúng tôi đang cố hình dung, nhà thấp như thế, những ngày ngoài trời khoảng 30-32 độ, trong nhà chắc chắn cũng nóng hầm hập huống hồ những ngày nắng nóng đỉnh điểm của miền Trung, nhiệt độ ngoài trời có lúc 40-41 độ, chắc chắn trong nhà em, nhiệt độ sẽ như một cái lò ấp trứng vịt, vậy mà em vẫn không nản chí, vẫn miệt mài với đèn sách...

Khi hỏi về thu nhập gia đình, Bính không hề giấu diếm: "Một mình mẹ em làm 1,5 mẫu ruộng, mỗi năm khoảng 2 tấn đến 2 tấn rưỡi thóc, đủ gạo ăn cho cả nhà. Còn tiền chi tiêu hằng ngày là nhờ mẹ đi phụ hồ, và con bò của nhà mỗi năm cho 1 con bê, nên tạm đủ ăn...". Nói vậy nhưng chúng tôi hiểu nhà em phải tằn tiện lắm, phải khéo thu vén lắm mới đủ trang trải cho một gia đình có 2 con trai đang tuổi lớn, tuổi ăn, tuổi học...

Sau mỗi buổi học về, khi việc đồng áng bận rộn, em cũng sẵn sàng bớt thời gian tự học để phụ giúp, đỡ đần cùng mẹ. Ba năm học THPT, 2 năm liền (lớp 11 và 12) em đều là học sinh giỏi toàn diện, là học sinh giỏi trường các môn Hóa và Toán.

Từ nhà em đến trường THPT Lê Viết Thuật bây giờ đường sá đã tốt hơn xưa rất nhiều, nhưng trên chiếc xe đạp cà tàng của mình em cũng mất gần một tiếng đồng hồ để đi học. Vậy mà suốt 3 năm học THPT em chưa bao giờ muộn học.

Gặp cậu học trò nghèo xứ Nghệ đỗ thủ khoa - 2

Mới ngoài 40 nhưng ông Hoàng Nghĩa Nhâm (bố Bính) trông như đã gần 60, chỉ ở nhà làm việc vặt

Khi được hỏi về bí quyết giúp em đạt kết quả cao trong kì thi tuyển sinh đại học vừa qua, Bính cười nhỏ nhẹ: "Trước hết em rất chú ý nghe giảng, hiểu và làm bài ngay trên lớp, chỗ nào chưa hiểu, em có thể hỏi bạn, hỏi thầy cô ngay, không để sang hôm sau. Về nhà bao giờ em cũng kết hợp học lí thuyết với làm bài tập và chỉ làm bài tập khi đã nắm chắc lí thuyết..."

Khi được tâm sự về sự giúp đỡ của thầy cô, bạn bè, em cười thật hiền: "Tính em vốn nhút nhát, ít giao du bạn bè, nên bạn em không nhiều, nhưng các bạn em rất tốt với em, khi em khó khăn họ sẵn sàng giúp đỡ em ngay, nhất là trong học tập, mỗi bài khó bạn bè đều xúm vào giảng giải đến khi nào em thật hiểu mới thôi. Còn thầy cô, em cảm ơn các thầy cô nhiều lắm, không chỉ thầy cô giúp em lớn lên về trí tuệ, mà nhiều cô thầy còn giúp em mạnh mẽ hơn, tự tin hơn và biết yêu thương, chi sẻ nhiều hơn trong cuộc sống".

Khi được hỏi về động cơ giúp em quyết định dự thi vào trường sỹ quan Lục quân 1, em thật thà bộc bạch: "Thực ra là do nhà em nghèo, sẽ không có đủ tiền trang trải cho em học đại học khác, hơn nữa học xong đại học khác chắc gì đã xin được việc làm, nên em vào trường này là bố mẹ em không phải nuôi em, mà đầu ra cũng đã có quân đội thu xếp".

Tuy nhiên, em còn nói thêm: "Nhưng em nghĩ, trong giai đoạn hiện nay, khi đất nước đang đứng trước những thử thách cam go về sự toàn vẹn lãnh thổ, về sự bình yên cho từng tấc đất biên cương của Tổ quốc, thì trách nhiệm của thế hệ trẻ là không chỉ có sức khỏe để sẵn sàng nhập ngũ, mà mỗi người lính còn phải có văn hóa, có trình độ khoa học kĩ thuật cao để chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược...Vì thế em đã lựa chọn trường Sỹ quan Lục quân 1".

Ước mơ lớn nhất của Bính trước sau vẫn là tha thiết mong muốn được học tập và trưởng thành trong môi trường quân ngũ, được trở thành một sỹ quan giỏi của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Trần Đăng
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot