"Giàn khoan không thể là lãnh thổ di động của TQ"

Ngày 17/06/2014 08:04 AM (GMT+7)

TQ đang cố biến giàn khoan 981 thành một lãnh thổ di động để áp đặt chủ quyền phi pháp với toàn bộ Biển Đông.

Hồi tuần trước, chính phủ Philippines đã chính thức gửi kháng thư qua đường ngoại giao phản đối Trung Quốc sau khi xác nhận Trung Quốc đang đổ đất đá trên bãi cạn Ken Nan thuộc quần đảo Trường Sa.

Kháng thư này được gửi đi sau khi Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario thông báo về hoạt động đổ đất đá này tương tự như các hành động khác của Trung Quốc tại bãi đá Gavin và Calderon hồi tháng Tư và bày tỏ quan ngại về sự “bành trướng hung hăng” của Trung Quốc trong các khu vực tranh chấp trên Biển Đông.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose cho rằng việc Trung Quốc tiếp tục đào đắp tại các bãi cạn này là bằng chứng chứng tỏ Bắc Kinh “đang có ý định tạo dựng lãnh thổ trên Biển Đông”, đi ngược lại Tuyên bố các bên về Ứng xử trên Biển Đông (DOC) ký kết năm 2002.

quot;Giàn khoan không thể là lãnh thổ di động của TQquot; - 1

Trung Quốc đang đẩy mạnh hoạt động đào đắp tại các bãi cạn trên Biển Đông

Ông Jose phát biểu: “Các hành động đơn phương và khiêu khích của Trung Quốc khiến chúng tôi tin rằng họ đang theo đuổi một kế hoạch hung hăng nhằm áp đặt đường chín đoạn trên Biển Đông.”

Philippines đã kiện tuyên bố chủ quyền “quá đáng” của Trung Quốc lên Tòa Trọng tài Thường trực của Liên Hợp Quốc và yêu cầu tòa án này làm rõ quyền và nghĩa vụ của các bên có liên quan trong những vùng biển mà Trung Quốc ngang ngược tuyên bố là “chủ quyền không thể tranh cãi”.

Thế nhưng, trong khi tòa án quốc tế đang xem xét đơn kiện của Philippines, Trung Quốc vẫn ngang nhiên thực hiện các hành động tập kết vật liệu, đất đá trên các bãi cạn ở quần đảo Trường Sa. Ngoài ra, Trung Quốc còn kéo cả giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, bất chấp luật pháp và thông lệ quốc tế.

Những hành động đơn phương này của Trung Quốc bộc lộ mưu đồ của họ, đó là vẽ lại bản đồ lãnh thổ trên Biển Đông theo ý chí của Bắc Kinh. Trong đó, việc kéo giàn khoan 981 vào vùng biển Việt Nam có thể là một bước ngoặt mới trong quá trình bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc mà không cần sử dụng lực lượng quân sự để xâm chiếm.

Trong một bài viết đăng trên tờ Wall Street Journal, chuyên gia phân tích Andrew Browne viết rằng khi Tập đoàn Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) hạ thủy giàn khoan nước sâu đầu tiên của mình, tổng giám đốc của nó đã tuyên bố đây là “một lãnh thổ quốc gia di động và là một vũ khí chiến lược” của Trung Quốc.

Theo ông Browne, khái niệm “lãnh thổ quốc gia di động” đầy mỹ miều được Tổng giám đốc CNOOC Wang Yilin đưa ra này có vẻ không phù hợp trong hoàn cảnh hiện nay. Ông này đặt câu hỏi: “Liệu Trung Quốc, thông qua một lãnh đạo tập đoàn dầu khí, có thực sự tuyên bố rằng một giàn khoan có đầy đủ chủ quyền ở bất cứ nơi nào nó hoạt động như một hòn đảo hay không?”

quot;Giàn khoan không thể là lãnh thổ di động của TQquot; - 2

Bắc Kinh âm mưu biến giàn khoan 981 thành một lãnh thổ di động để khẳng định chủ quyền

Chuyên gia này viết tiếp: “Câu trả lời là có. Trung Quốc thiết kế giàn khoan khổng lồ trị giá 1 tỉ USD này để kéo đi khắp Biển Đông, nơi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với gần như toàn bộ diện tích.”

“Và giống như một tiền đồn của Trung Quốc, giờ đây giàn khoan đó đang được bảo vệ bởi hàng chục tàu bè và máy bay bất chấp phản ứng quyết liệt của phía Việt Nam,” ông Browne viết.

Chuyên gia Browne cho rằng trong cuộc đua giành quyền kiểm soát Biển Đông, “Trung Quốc luôn khôn ngoan sử dụng các công trình mà họ cho là hợp pháp để biện hộ cho các bước đi của mình, dù chúng có đáng ngờ đến mức nào với các quốc gia láng giềng đi chăng nữa.”

Theo chuyên gia này, ngoài các công cụ răn đe là Hạm đội 7 và lực lượng quân sự, Mỹ cần phải sử dụng các công cụ hợp pháp khác để ngăn ngừa tham vọng bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông, bởi Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) là công cụ tối thượng để giải quyết các tranh chấp trên biển.

Dù Trung Quốc có đưa ra mỹ từ nào để che đậy âm mưu của họ đi nữa, khái niệm “lãnh thổ quốc gia di động” trên biển hoàn toàn vô giá trị về luật pháp quốc tế, bởi nó chỉ là công cụ phục vụ cho tham vọng độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh.

Theo Trí Dũng (Inquirer, WSJ) (Khampha.vn)
Nguồn:

Tin liên quan