Giáo viên dùng Facebook "cứu" học sinh

Ngày 21/01/2015 16:44 PM (GMT+7)

Mạng xã hội đang là phương án được chính các thầy cô đánh giá là mang lại hiệu quả nhất định trong việc tiếp cận, tạo được sự gần gũi hơn để giải quyết những vấn đề về tâm lý của học sinh.

Vô vàn thách thức tâm lý học đường

Theo kết quả một cuộc khảo sát gần đây do Bộ GDĐT tiến hành trên một số trường THCS, THPT, đại học ở Hà Nội và Hải Dương, hầu hết HSSV (93,57%) được hỏi gặp phải những khó khăn vướng mắc cần phải chia sẻ trong học tập và đời sống hàng ngày (trong đó khối phổ thông là 95,33%, đại học là 85,92%).  

Giáo viên dùng Facebook quot;cứuquot; học sinh - 1

Ảnh minh họa

Đặc biệt ở lứa tuổi học sinh phổ thông, mức độ thường xuyên có những vướng mắc và cần chia sẻ là cao nhất với 80,17%. Trong khi đó, phần lớn học sinh được hỏi (82,31%) đều có mong muốn nhà trường, cơ sở giáo dục có phòng tư vấn tâm lý riêng, kín đáo để thuận tiện cho các em có thể đến và chia sẻ về các vấn đề tâm lý của bản thân.

Bàn về câu chuyện này, ông Vũ Văn Trà, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hải Phòng cho biết, Hải Phòng có những học sinh dù chỉ bị thầy cô giáo phê bình nhưng cũng dẫn đến trầm cảm, tự kỷ thậm chí có em tự tử.

Theo ông Trà, hiện những áp lực về tâm lý với học sinh là rất lớn và do đó đòi hỏi cần có giáo viên tâm lý để giúp các em biết cách gỡ rối các vấn đề.

Ông Nguyễn Tất Thắng, Phó trưởng ban Công tác chính trị và học sinh sinh viên, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng nêu lên thực trạng tương tự đối với sinh viên. Theo ông Thắng, các em đa phần từ các địa phương lên thủ đô học tập nên có rất nhiều vấn đề về tâm lý do chưa thích ứng được môi trường mới.

Việc giải quyết cũng gặp muôn vàn khó khăn bởi các em rất ngại nói chỗ đông người và thậm chí rất khó chia sẻ với người khác. Các em sợ chia sẻ xong thì người khác biết bởi sinh viên là một môi trường rất nhạy cảm.

“Chúng tôi vẫn nói với nhau nếu không có những tư vấn kịp thời chắc sẽ có nhiều em phải ra đi. Nhiều em bức xúc đến độ không thể giải quyết được, mà sẵn sàng lựa chọn con đường cuối cùng. Đặc biệt là các sinh viên nữ. Thậm chí có những trường hợp, 11 12 giờ đêm gọi đến chúng tôi khi đang ở trên cầu Chương Dương (Hà Nội)”, ông Thắng chia sẻ.

Ông Thắng tiếp: “Thực tế có nhiều em đến lớp nhưng lại không yên tâm học bởi ở nhà bố một đằng mẹ một nẻo. Nhiều xung đột trong mối quan hệ gia đình. Thậm chí có những em còn lo lắng chuyện mình không được thừa kế, rồi chia tài sản, đất đai ở quê nhà,… nên các em rất bức xúc”

Chưa kể, những câu chuyện khúc mắc trong tình cảm bạn bè, tình yêu nam nữ liên tục xảy ra.

Có những tháng nhà trường đã tiếp nhận được đến 800-900 những chia sẻ khó khăn, bức xúc về tâm lý của sinh viên.Mạng xã hội: Giải pháp kịp thời của thầy cô

Ngoài các hình thức câu lạc bộ, trung tâm tư vấn, một hình thức mới đang được nhiều thầy cô quan tâm và cho là phương án mang lại hiệu quả nhất định: Đó là tư vấn hỗ trợ các bạn trẻ thông qua kênh mạng xã hội Facebook. Bởi ngoài việc cập nhất được liên tục, nắm bắt được tâm lý nhiều em do hầu hết giới trẻ tham gia, Facebook còn giải quyết được bài toán eo hẹp về nguồn kinh phí cho công tác tư vấn tâm lý ở các trường học.  

Chia sẻ về kinh nghiệm thực tế nhà trường áp dụng, cô Nguyễn Phương Anh, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Hà Nội) nói: “Cái khó là làm sao để học sinh đến với các phòng tư vấn tâm lý. Mà với học sinh thì chúng ta là các thầy cô phải tự tìm đến với các em chứ không phải lập ra phòng ngồi đó để chờ các em đến để tư vấn.

Thực tế cho thấy với những trường hợp mà các em đã phải tìm lên phòng tư vấn thì gần như câu chuyện đã hỏng mất rồi mà mục đích của tư vấn là ngăn chặn những tiêu cực từ trước.

Chúng tôi thấy có một nguồn hiện nay có thể qua đó tư vấn cho các em đó là qua mạng xã hội Facebook. Facebook đang phát triển vô cùng và học sinh của chúng ta thì đến 99% đều có và tham gia. Em nào ít thì vài ngày truy cập một lần, nhiều thì liên tục. Đây là một nguồn mà bố mẹ có thể không biết nhưng giáo viên chúng ta phải biết”

Theo cô Phương Anh, việc cập nhật và trao đổi với chính học sinh của mình qua Facebook giúp các giáo viên nắm được hơn về tâm tư tình cảm hàng ngày của các em. Chính vì vậy, nhà trường có hẳn một đội để tư vấn thường xuyên và tự tìm đến với các em. Cùng đó, cô Phương Anh cũng cho rằng, chia sẻ khó khăn tâm lý với các em qua mạng Facebook thì các giáo viên ngày nào cũng sẽ có việc để mà giải quyết, không lâm vào tình cảnh ngồi không.

Đồng quan điểm, Ông Nguyễn Tất Thắng, Phó trưởng ban Công tác chính trị và học sinh sinh viên, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng cho biết: “Hiện nay mạng xã hội Facebook phát triển mạnh, chúng tôi thấy nhiều trường hợp các em có những bức xúc không gặp các thầy cô để chia sẻ mà lại chia sẻ lên đó.

Chúng tôi đã có câu lạc bộ và những thành viên tích cực tham gia thu thập thông tin và kết nối với từng cá nhân để tư vấn ngay trên Facebook. Trường hợp vấn đề quá khó giải quyết thì cũng qua Facebook kết nối luôn tới các thầy cô để hỗ trợ”

Qua buổi trao đổi, ý kiến chung của nhiều đại biểu nêu lên là mong muốn Bộ GDĐT cần có kế hoạch xây dựng, có kinh phí tổ chức hoạt động, cũng như có cơ chế trách nhiệm cụ thể đối với đội ngũ các phòng tư vấn tâm lý tại các nhà trường.

Theo Thanh Hùng
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan