Giông lốc kinh hoàng “đã được báo trước”

Ngày 15/06/2015 00:07 AM (GMT+7)

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương cho rằng đã phát đi cảnh báo về cơn giông lốc chiều 13-6 tại Hà Nội nhưng thiệt hại vẫn rất lớn - 2 người chết, 9 người bị thương, cây xanh ngã đổ la liệt.

Sáng 14-6, tại nhiều tuyến phố Hà Nội, lực lượng chức năng tiếp tục khắc phục hậu quả do cơn lốc kinh hoàng gây ra vào chiều tối 13-6. Trên các tuyến phố như Nguyễn Du, Giải Phóng, Hai Bà Trưng, cây xanh, cột điện, biển quảng cáo gãy đổ nằm la liệt.

Sự cố thiên tai khẩn cấp

Ông Đỗ Ngọc Hoàng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cây xanh Hà Nội, cho biết đã huy động gần 400 cán bộ, nhân viên cùng các máy móc của công ty ra hiện trường khắc phục sự cố đổ cây. Tổng Công ty Điện lực Hà Nội cũng điều động nguồn lực tối đa tập trung khắc phục sự cố để bảo đảm cấp điện trở lại trong ngày 14-6 cho các khu vực quận Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Thanh Xuân, Đống Đa, Hoàng Mai,Hà Đông.

Thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội cho thấy trận mưa giông làm gần 1.300 cây xanh ngã đổ, trong đó có hơn 900 cây ở 12 quận nội thành. Giông lốc làm 2 người tử vong và ít nhất 9 người bị thương, gần 140 nhà tốc mái, 25 ô tô và nhiều xe máy bị hư hại. Mưa gió cũng đã làm hệ thống mạng lưới điện ở hầu hết các quận, huyện bị ảnh hưởng, nhiều khu vực mất điện nhưng đã cơ bản được khắc phục.

Ngay trong sáng 14-6, UBND TP Hà Nội đã triệu tập cuộc họp khẩn bàn biện pháp khắc phục hậu quả trận giông lốc kinh hoàng. Theo ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, trong hơn 900 cây xanh bị đổ ở khu vực nội thành thì có 38 cây xà cừ đường kính lớn - từ 50 đến 150 cm - bị bật gốc, gãy. Các cây còn lại chủ yếu là muồng, phượng, bằng lăng tím và một số cây đa với đặc điểm rễ nông, ăn ngang, cành giòn. Nhiều cây đổ ngang đường cản trở giao thông, điển hình là ở các nút giao thông Nguyễn Du - Hồ Xuân Hương, Hồ Xuân Hương - Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Giông lốc kinh hoàng “đã được báo trước” - 1

Nhiều cột điện bị gãy đổ do mưa giông gây cúp điện trên diện rộng ở Hà Nội Ảnh: NGUYỄN HƯỞNG

Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Nguyễn Thế Thảo, nhận định đây là sự cố khẩn cấp về thiên tai, gây thương vong về người và tài sản. Ông yêu cầu các lực lượng chức năng tiếp tục bám sát, tập trung giải quyết các sự cố về cây xanh, lưới điện, giao thông; bảo đảm giao thông thông suốt cho người và phương tiện đi lại.

Giông lốc kinh hoàng “đã được báo trước” - 2

Nhà vệ sinh bằng sắt bị cơn lốc cuốn bay xuống sông Tô Lịch. Ảnh: NGUYỄN HƯỞNG

“Trong thiên tai, chủ tịch UBND TP là người chịu trách nhiệm về tất cả những gì xảy ra trên địa bàn TP, còn tại các quận - huyện thì lãnh đạo phải chịu trách nhiệm” - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo khẳng định. Ông yêu cầu lãnh đạo các quận - huyện phải trực tiếp đi kiểm tra, rà soát lại các điểm cây xanh bị nghiêng, có nguy cơ đổ, gây mất an toàn để chỉ đạo lực lượng xử lý, cây nào còn khắc phục được thì tổ chức khắc phục, nếu không sẽ thay thế để bảo đảm an toàn cho người dân.

Ông Thảo cho biết số cây xà cừ ngã đổ không nhiều, chủ yếu là cây muồng nên Sở Xây dựng cần tham khảo ý kiến các nhà khoa học để đưa ra những chủng loại cây xanh đô thị thích hợp trồng trên đường phố thủ đô.

Thời tiết tiếp tục khó lường

Theo ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia, cơn giông lốc kèm gió giật mạnh tại Hà Nội chiều 13-6 cho thấy thời tiết đang diễn biến cực kỳ nguy hiểm. Mức gió giật trong cơn giông lốc này đạt cấp 7-8, giật đến cấp 9.

Trước khi xảy ra trận giông lốc mạnh, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương đã phát bản tin cảnh báo mưa rào và giông sẽ ảnh hưởng tới khu vực phía Tây Nam Hà Nội, bao gồm các quận - huyện: Chương Mỹ, Mỹ Đức, Thanh Oai, Ứng Hòa, sau đó lan dần đến các khu vực khác. Trong cơn giông cần đề phòng có gió giật mạnh. Mặc dù đã có cảnh báo nhưng dường như thông tin không đến với người dân, dẫn đến thương vong về người.

Về tình hình thời tiết trong tháng 6-2015, ông Hải dự báo giông lốc sẽ tiếp tục xảy ra nhưng khả năng những cơn cực kỳ nguy hiểm như chiều 13-6 sẽ ít hơn. “Theo thống kê, hằng năm, giông lốc thường tập trung vào tháng 5 và 6. Trung bình mỗi tháng có tới 10-15 ngày có khả năng xảy ra giông lốc, chủ yếu vào buổi chiều. Tuy nhiên, giông mạnh như thế này thì không nhiều lắm” - ông Hải cho biết.

Theo ông Hải, khoảng 3-5 năm mới có một cơn giông mạnh như lần này và ngay trong mùa hè 2015, các cơn giông lốc nếu có khả năng xảy ra thì cũng chỉ ở mức độ trung bình. Trước diễn biến thời tiết dị thường như cơn lốc cực kỳ nguy hiểm, lãnh đạo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương khuyến nghị người dân, nhất là người tham gia giao thông, cần đề phòng và ít ra đường khi trời mưa giông để tránh những rủi ro đáng tiếc.

Trong hơn 900 cây xanh bị đổ ở nội thành Hà Nội, gần 70% là cây muồng, phượng, bằng lăng tím và một số cây đa. Các cây này chủ yếu là cây rễ nông, ăn ngang, cành giòn. 

Theo Thùy Dương - Văn Duẩn - Nguyễn Hưởng
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự