Giọt nước mắt người bác sĩ bị hành hung

Ngày 17/08/2013 14:59 PM (GMT+7)

Sau vụ việc hành hung bác sĩ tại bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh ngày 12.8, ngành y tế nước ta lại có thêm một bác sĩ bị hành hung.

Đó là trường hợp một nữ bác sĩ làm việc tại bệnh viện quận Bình Tân, TP.HCM. Theo lời kể của nhiều người chứng kiến, đầu giờ chiều ngày 14.8, bác sĩ này cho một bệnh nhân nam khám bảo hiểm y tế mắc bệnh mạn tính đi xét nghiệm.

Sau khi có kết quả, bệnh nhân quay lại, đòi khám tiếp mặc dù đang có nhiều bệnh nhân chờ đợi. Dù được yêu cầu phải ngồi chờ đến lượt, nhưng bệnh nhân vẫn không chịu, dùng tay đánh thẳng vào mặt và làm giập môi người bác sĩ! Không thể tưởng tượng nổi, đó là hành động của một người đàn ông – một bệnh nhân đối với một phụ nữ – một bác sĩ.

Sáng 15.8, quay lại bệnh viện Bình Tân, gặp lại bác sĩ bị thương, tôi vẫn nhìn thấy sự sợ hãi và hoảng hốt trong mắt của chị. Mới ra trường làm việc vài năm, trong lòng còn biết bao hăm hở và nhiệt huyết của người trẻ, thế nhưng tình cảm tốt đẹp này đã bị giội một gáo nước lạnh trước thực tế phũ phàng của nghề nghiệp: quan hệ thầy thuốc – bệnh nhân ngày nay không phải là màu hồng như được giảng dạy trong trường học, mà là xám ngoét, bạc bẽo như nhiều quan hệ ngoài đời thường.

Giọt nước mắt người bác sĩ bị hành hung - 1
Bức xúc, người nhà bệnh nhân ở Hà Tĩnh đã xông vào tấn công các y bác sỹ và đập phá phòng cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh. Hậu quả, 4 y bác sỹ bị đánh trọng thương, nhiều tài sản có giá trị bị hư hỏng, trong đó có một chiếc máy sốc tim trị giá hàng trăm triệu đồng. Lực lượng công an phải tới bảo vệ cho các y bác sĩ. Ảnh: NLĐ

Cách đây hai năm, tháng 7.2011, cả nước xôn xao trước vụ người nhà bệnh nhân tấn công các bác sĩ và đập phá bệnh viện Năm Căn (Cà Mau). Từ đó đến nay, từ Nam chí Bắc ghi nhận thêm nhiều vụ việc tương tự. Thế nhưng, nếu trong những vụ việc này, sự phẫn uất được đổ lỗi cho sự tắc trách của bác sĩ khiến bệnh nhân tử vong, thì sự việc tại bệnh viện quận Bình Tân lại không như thế, bác sĩ không hề có lỗi, bệnh nhân cũng không chịu bất kỳ hậu quả tai hại nào, thế mà bác sĩ vẫn bị hành hung!

Nhìn thấy gì từ vụ việc hành hung bác sĩ tại quận Bình Tân: phải chăng sự xuống cấp đạo đức ngoài xã hội đang lan tới không gian bệnh viện và phá vỡ quan hệ thầy thuốc – bệnh nhân? Lẽ nào ngoài đời thường người ta sẵn sàng sử dụng đến bạo lực khi không đạt được mục đích mong muốn và giờ đây trong bệnh viện – nơi con người chăm sóc đồng loại bệnh tật, người ta cũng sẵn sàng làm như thế?

Bác sĩ Nguyễn Văn Mười, giám đốc bệnh viện quận Bình Tân, cho biết bệnh viện từng ghi nhận nhiều trường hợp hành xử kiểu xã hội đen, người dân đuổi đánh y bác sĩ chỉ vì người thân của họ không được ưu tiên cứu chữa, dù nhập viện sau và thương tích nhẹ. Nhưng đâu phải ở bệnh viện Bình Tân, tại một bệnh viện nội thành khác, có trường hợp người ta định kỳ kéo cả nhà đi khám bảo hiểm y tế, ném sổ khám bệnh lên bàn bác sĩ và đòi được kê thuốc như ý mong muốn.

Có thể đổ lỗi cho quan hệ thầy thuốc – bệnh nhân đổ vỡ vì sự xuống cấp y đức đây đó của một bộ phận người làm ngành y: chạy theo đồng tiền, thờ ơ khi chăm sóc bệnh nhân, cẩu thả làm ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh. Thế nhưng không thể lấy những sự việc này để biện minh cho sự hành xử vô văn hoá đối với người làm nhiệm vụ cứu chữa cho mình hay người thân của mình!

“Hơn bao giờ hết, người làm ngành y đang chịu một áp lực quá lớn”, bác sĩ Nguyễn Văn Mười chia sẻ. Nhận định thật chí lý, bởi người nhân viên y tế ngày nay không chỉ chịu áp lực từ sự quá tải công việc, thu nhập không tương xứng, mà còn nhiều áp lực từ phía xã hội. Thật ra xã hội cũng có những luật lệ, quy định bảo vệ người thầy thuốc khi làm công vụ (luật Khám chữa bệnh hay nghị định 96 của bộ Y tế quy định xử phạt vi phạm hành chính về khám bệnh, chữa bệnh); thế nhưng, nói theo một người quản lý bệnh viện, áp dụng những luật lệ này là chuyện rất khó vì cơ quan công quyền ít khi nào hợp tác.

Tiếp xúc với phóng viên, người bác sĩ nữ trẻ của bệnh viện Bình Tân bị hành hung đã khóc. “Từ nhỏ đến giờ, tôi chưa bị ba mẹ đánh lần nào, nhưng bây giờ tôi lại bị một người khác đánh, mà đánh trong khi làm việc”, chị nói. Đó là những giọt nước mắt vì sự bạc bẽo, cô đơn của nghề nghiệp hay vì sự xuống cấp đạo đức trầm trọng của con người trong xã hội? Ai chịu trách nhiệm về điều này? Cần làm gì để phục hồi lại những giá trị thiêng liêng của cuộc đời? Trước khi làm được điều này, có lẽ cần phải có những hình phạt nghiêm khắc dành cho những hành vi bạo loạn trong bệnh viện hay tấn công người thầy thuốc. Khi người bác sĩ bị tấn công, họ chỉ còn biết sợ hãi bỏ chạy, ai sẽ là người chăm sóc bệnh nhân? Từng một lần bị bệnh nhân hành hung, hình ảnh của bác sĩ về bệnh nhân ít nhiều đã bị hoen ố, vậy ai sẽ chịu thiệt thòi?

Theo Bình Yên (SGTT)
Nguồn: