Hà Nội: 1 quầy rau an toàn ở mỗi khu phố/tòa nhà

Ngày 04/04/2013 17:46 PM (GMT+7)

TP.Hà Nội phấn đấu trong tương lai mỗi khu phố, mỗi tòa nhà cao tầng sẽ có 1 quầy bán rau an toàn để người dân tiện mua bán tiện lợi.

Đây là ý kiến của ông Trần Xuân Việt, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội trong buổi họp với Bộ NN-PTNT sáng ngày 4/4/2013 về các vấn đề nóng về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tạo thói quen dùng rau an toàn

Trước phát biểu trên của ông Việt, khi được hỏi, có khá nhiều chị em bày tỏ quan điểm ủng hộ và cho rằng mức độ khả thi khá cao.

Theo ý kiến của nhiều chị em, chưa rõ ý tưởng của Hà Nội về quầy rau an toàn ở mỗi khu phố, tòa nhà sẽ được tổ chức theo hình thức nào nhưng hiện có một mô hình khá gần gũi và phù hợp là các quầy rau an toàn ở nhiều siêu thị quy mô nhỏ phân bố ở các khu dân cư. Giá bán và chủng loại các loại rau an toàn đã được cải thiện rất nhiều so với vài năm trước đây, nhiều chị em đã mua rau an toàn thường xuyên hơn.

Chị Trần Minh Hoa, nhà ở phố Đội Cấn (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: “Nhà mình ở gần siêu thị Fivimart. Trước đây, do tâm lý nghĩ là trong siêu thị bán đồ gì cũng đắt nên dù biết có siêu thị mình cũng rất ít vào, toàn mua rau xanh và đồ thực phẩm ở ngoài chợ. Tuy nhiên, một lần tình cờ vào mua món hàng mà ở chợ không bán, mình mới phát hiện ra rằng, rau an toàn bán ở đây không quá đắt như mình nghĩ và cũng có khá nhiều chủng loại để lựa chọn”.

Theo chị Hoa, ở nhiều siêu thị khác các quầy rau an toàn và hoa quả tươi đã phong phú hơn, không còn những bó rau và hoa quả héo úa, dập nát như trước đây. “Mặt bằng chung giá cũng chỉ nhỉnh hơn ở ngoài một chút mà rau xanh các loại được đóng gói và có nhãn mác, nơi sản xuất cẩn thận. Thậm chí, một số loại rau như cần tây, tỏi tây, giá còn rẻ hơn ở ngoài. Mình mua có 2.500 đồng mà được lượng rau tương đương với 5.000 – 6.000 đồng ngoài chợ”, chị Hoa nói.

Ngoài ra, nhiều siêu thị cũng đã khá linh hoạt vận dụng chính sách giảm giá đối với mặt hàng rau xanh và tươi sống tạo điều kiện cho người dân được mua hàng giá rẻ mà chất lượng vẫn đảm bảo.

Hà Nội: 1 quầy rau an toàn ở mỗi khu phố/tòa nhà - 1

Mỗi khu nhà cao tầng sẽ có 1 cửa hàng rau an toàn (Ảnh: Minh Vũ)

Chị Mai (đường Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội) cho hay, siêu thị ở tầng 1 tòa nhà mình ở có chính sách giảm giá 30% cho các loại rau xanh từ 18h30 hàng ngày và giảm 50% từ 20h30 hàng ngày. “Tuy là rau giảm giá nhưng còn rất nhiều rau tươi, thi thoảng buổi tối ăn cơm xong hai vợ chồng rảnh rỗi đi bộ ra ngoài dạo mấy vòng, tiện thể ghé vào chọn những rau còn tươi mang về bỏ tủ lạnh cho ngày hôm sau, vừa rẻ lại vừa an toàn”, chị Mai cho hay.

Sẽ có trứng, thịt an toàn

Ngoài các chợ nông sản đầu mối, hiện Hà Nội có 58 cửa hàng, điểm bán rau an toàn được cấp chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh với sản lượng tiêu thụ trung bình 50 kg đến 120 kg mỗi ngày; 35 siêu thị đang tiêu thụ RAT với sản lượng 80 kg đến 200 kg mỗi ngày. Tuy nhiên, rau an toàn vẫn gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ. Số lượng rau tiêu thụ qua hai kênh này chỉ chiếm 1-2% tổng sản lượng rau an toàn của các vùng sản xuất.

Theo ông Việt, trong khó khăn chung thì hiện nhiều nơi sản xuất rau an toàn ở Hà Nội như Phúc Thọ, Gia Lâm đang bán rau rất “chạy hàng”. Cũng đã có sàn giao dịch rau an toàn và 300 điểm bán rau an toàn nên hỗ trợ khá tốt cho việc mở rộng quy mô các vùng trồng rau an toàn cung cấp cho thị trường Hà Nội. Năm 2009, toàn Hà Nội chỉ có mấy trăm ha, đến nay đã có 4.800 ha.

Nối tiếp các kế hoạch phát triển rau an toàn, ông Việt cho hay, trong thời gian tới, Hà Nội cũng sẽ triển khai sang các mặt hàng thực phẩm an toàn khác như: trứng, thịt. Điều này dự báo sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các gia đình và chị em hơn trong việc tiêu dùng các mặt hàng thực phẩm tươi sống thiết yếu hàng ngày.

Tuy nhiên, nhiều chị em cho rằng, ngoài vấn đề an toàn và chất lượng thì  hiện nay giá cả các loại thịt và trứng bán ở các chương trình bình ổn giá vẫn chưa đáp ứng mong mỏi của người tiêu dùng về mặt giá cả. Nhiều mặt hàng thịt lợn, thịt bò giá vẫn đắt hơn ngoài chợ tự do. Hy vọng, trong chương trình phát triển rau, thịt, trứng an toàn của Hà Nội thời gian tới, vấn đề tiện ích và giá cả sẽ đáp ứng được lòng mong mỏi của các bà nội trợ.

Trước nguy cơ lây lan virus cúm H7N9 sang Việt Nam rất lớn, ngày 4/4//2013, đại diện Cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương cho hay, hiện cơ quan này đã chỉ đạo các lực lượng liên quan triển khai cấm buôn bán gia cầm từ Trung Quốc về Việt Nam để ngăn cúm H7N9. Việc ngăn chặn buôn lâu cũng sẽ được siết chặt nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan cúm H7N9 từ việc buôn lậu các loại là gia cầm, trâu bò, lợn và nông sản từ Trung Quốc không được kiểm dịch.
Minh Vũ
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan