Hái lộc đầu năm: Lộc càng to càng phản văn hóa

Ngày 30/01/2014 23:24 PM (GMT+7)

Các nhà văn hóa cho rằng, quan niệm bẻ được cành cây to được càng nhiều lộc là sai lầm, phản tín ngưỡng, văn hóa.

Hái lộc sao cho đúng?

Theo giáo sư, tiến sĩ khoa học Trần Ngọc Thêm, Trưởng Bộ môn Văn hóa học, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM, tục hái lộc đầu năm là truyền thống tốt đẹp của người Việt. Chữ “lộc” là từ đồng âm, có nghĩa là phúc lộc, may mắn. “Lộc” cũng có nghĩa là mần non đâm chồi nảy lộc.

Trong văn hóa Việt vốn hay dùng đồng âm, gần âm nên quan niệm lấy lộc cây “mầm non” để tượng trưng cho lộc may mắn “phúc lộc”. Người Việt cũng quan niệm, lấy lộc ở cây cổ thụ trong đình chùa sẽ linh thiêng.

GS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam cho biết thêm, “Lộc” có nghĩa đen là chồi non mới mọc - biểu tượng của sức sống, sự mới mẻ. Người dân quan niệm, ngày đầu năm lấy được chồi non để hy vọng cuộc đời của mình trong cả năm phát đạt.

Hái lộc đầu năm: Lộc càng to càng phản văn hóa - 1

Đêm giao thừa, người dân chỉ nên xin nhánh cây nhỏ, búp non ở chùa, đền lấy may

Ngoài ra, hái lộc còn có ý nghĩa là lên chùa thắp hương cầu thần phật cho mình có lộc, ví dụ ai chưa có con xin con; ai chưa có công danh được thăng quan tiến chức; ai buôn bán được mua rẻ bán đắt... Đó là lý do vì sao sau giao thừa người dân đến chùa, đình, đền để xin lộc, hái lộc.

Các nhà văn hóa cho rằng, đêm giao thừa, người dân chỉ nên xin nhánh cây nhỏ, búp non ở chùa, đền lấy may mắn cho gia đình mình. Trường hợp không đến được chùa, đền, có thể lấy cành cây nhỏ nào đó gặp ngoài đường.

“Phản văn hóa, tưởng là hay”

Các nhà văn hóa chỉ ra quan niệm sai lầm về hái lộc đầu năm, đó là “cành cây càng to, lộc càng nhiều”. Nhiều người đi chơi giao thừa mang sẵn con dao to đi để giao thừa chặt lộc to, lộc đẹp. Có người “mạnh dạn” lấy xe máy chở chậu cây cảnh nhà chùa về cho “đại cát, đại lợi”...

GS Trần Ngọc Thêm cho rằng, cần hiểu đúng về tục hái lộc để làm đúng cách, đúng phong tục. Ông nói: “Hành động hái lộc bằng cách lấy chậu cảnh của nhà chùa mang về  là có tội, chứ không phải hái lộc”.

Ông cũng cho rằng, những hành động hái lộc sai cách dẫn đến phá hoại cảnh quan cây cối cần xử phạt theo quy định của pháp luật.

Hái lộc đầu năm: Lộc càng to càng phản văn hóa - 2

GS Ngô Đức Thịnh cũng coi hành động “hái lộc” mà ông từng chứng kiến là đu lên cây rồi bẻ cả một cành cây to đi giữa phố là “vô văn hóa, sai tín ngưỡng”. (Ảnh: NĐT)

Theo ông, đó không phải là cách hái lộc đúng, mà là hành động phá hoại môi trường. Nhưng đáng tiếc, nhiều người lại tưởng rằng hành động lố bịch và thô thiển đó là hay. Do vậy, cần tìm hiểu và hiểu cho đúng cách hái lộc đầu năm để không làm mất đi ý nghĩa tốt đẹp.

Nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Đức Thịnh nay đã 70 tuổi so sánh quan niệm sai lầm của nhiều người trong hái lộc đầu năm giống như chuyện đốt pháo trước đây. Ông nói, thời ông còn trẻ, ngày tết có tiếng pháo rất vui. Nhưng càng về sau, quả pháo to dần, cũng bởi nhiều người nghĩ rằng pháo càng to, nổ càng lớn càng tốt.

Ông nói: “Chính chúng ta làm cho pháo không còn là văn hóa mà ảnh hưởng đến an ninh tính mạng của con người. Do vậy, bây giờ không thể còn tiếng pháo nổ ngày tết. Đó là điều đáng tiếc”.

Theo Dương Tùng
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan