Hai Việt kiều kết nối những cuộc trùng phùng

Ngày 23/02/2015 14:26 PM (GMT+7)

Bà Ngọc Điệp kể lại, khoảng cuối năm 2013, nhân chuyến công tác về Việt Nam, bà đã mang theo tập tài liệu tìm cha của Michel Weiland.

Bà nhớ ánh mắt đăm chiêu và câu nói chưa sõi tiếng Việt của chàng trai người Đức lúc đó: “Cô về nước tìm cha giúp cháu, để cháu được gặp cha một lần”. Và điều kì diệu đã xảy ra…

Hai Việt kiều kết nối những cuộc trùng phùng - 1

Bà Ngọc Điệp với Michel, người đã tìm được bố đẻ ở Việt Nam sau 30 năm. Ảnh: T.L

Ngày về chứa chan

Cho đến bây giờ, khi đã được gặp lại người con trai suốt 30 năm bặt tích, ông Lê Đại Phong (trú tại phường Tân Sơn, TP Thanh Hóa) chưa thể tin đó là sự thật. Ngồi ngắm bức ảnh của cậu con trai Michel vừa về thăm gia đình, ông Lê Đại Phong thổ lộ, đã rất lâu rồi mới có một niềm vui lớn như thế. Ngày nhìn thấy Michel Weiland, cậu con trai (với người vợ đầu bên Đức) bước qua cánh cửa sân bay Nội Bài, ông Lê Đại Phong chạy đến ôm con trào nước mắt. Một cuộc đoàn tụ như trong mơ, điều mà nhiều năm qua ông nghĩ không bao giờ thành hiện thực.

Ông Lê Đại Phong (SN 1961) cho biết, Michel Weiland là kết quả của tình yêu giữa ông với một cô gái người Đức tên Anke. Khi 20 tuổi, ông Phong được cử sang TP Dresden (lúc đó đang thuộc Cộng hòa Dân chủ Đức) cùng nhiều người khác học nghề liên quan đến ngành dầu khí. Cạnh nơi ông Phong ở trọ, có một cô gái tên Anke, rất dễ thương, vui tính, đang là học sinh cấp ba. Tình yêu đến lúc nào không hay, khi Anke tốt nghiệp, cả hai làm lễ đính hôn trong nhà thờ. Nhưng vì nhiều lý do, ông Phong phải trở về Việt Nam công tác, chia tay mối tình đầu trong lưu luyến.

Trước lúc xa nhau, hai người nguyện thề gặp lại. Trở về Việt Nam, ông Phong vào làm ở Vũng Tàu, vì nhiều lý do, hai người mất liên lạc một thời gian dài. Sau này, ông lập gia đình với người con gái cùng quê… Cuối năm 1984, ông Phong bất ngờ nhận được một bức thư do Anke gửi, kèm hình một bé trai. Phía sau tấm ảnh có lời đề tựa ngắn ngủi bằng tiếng Đức: “Phong thân yêu! Đây là con trai của anh lúc nó 8 tháng tuổi”. Bà Anke biết người yêu đã lập gia đình ở Việt Nam nên chúc ông hạnh phúc và thông báo sẽ lấy chồng bên Hungary.

Hai Việt kiều kết nối những cuộc trùng phùng - 2

Bà Ngọc Điệp trong lần về làm từ thiện ở làng chài ven sông Hồng. Ảnh: L.N

Lại nói về chuyện người con trai. Thời gian qua đi, khi Michel bước sang tuổi 14, cậu bắt đầu ý thức tìm cha ruột ở Việt Nam qua bức ảnh ông Phong thời trẻ. Thông tin duy nhất anh có được từ mẹ là: "Bố tên Lê Đại Phong. Trước năm 1980 làm việc tại Bệnh viện Chống lao Thanh Hóa. Năm 1980-1982 sang Đức học nghề".

Michel lục tìm thông tin từ những bạn bè cũ của cha mẹ nhưng không ai còn liên lạc với ông Phong. Michel từng đăng tin trên Đài truyền hình RTL của Đức nhưng không có kết quả. Mang nỗi niềm kể cho bạn bè người Việt sinh sống tại Đức, Michel được họ giúp đỡ bằng cách truyền tin cho nhau. Và bà Ngọc Điệp, Việt kiều sống ở Halle, đã quyết tâm giúp chàng trai này đoàn tụ với cha đẻ.

Ba Ngọc Điệp kể lại, khoảng cuối năm 2013, nhân chuyến công tác về Việt Nam, bà đã mang theo tập tài liệu tìm cha của Michel. Bà nhớ ánh mắt đăm chiêu và câu nói chưa sõi tiếng Việt của Michel lúc đó: “Cô về nước tìm cha giúp cháu, để cháu được gặp cha một lần”.

Lần theo nhiều đầu mối để tìm ông Phong nhưng cuộc tìm kiếm của bà Điệp rơi vào ngõ cụt. Cuối cùng, bà Điệp nhờ con gái nuôi Ngọc Liên (phóng viên một tờ báo ở Hà Nội) giúp đăng tin lên Facebook. Chỉ hơn 2 tiếng sau, bà nhận được thông tin cho biết ông Phong đang sống ở quê nhà và được giúp liên hệ với ông. “Khi tôi gọi điện thông báo tin vui cho Michel, cậu hỏi đi hỏi lại nhiều lần đó có đúng là cha mình không. Chàng trai mang hai dòng máu Việt -Đức bật khóc vì hạnh phúc”, bà Điệp nhớ lại.

Qua những kết nối điện thoại mọi người mới biết ở quê nhà nhiều năm qua ông Lê Đại Phong cũng nỗ lực tìm kiếm con trai. Thông qua bà Ngọc Điệp, ông Phong được nói chuyện với Michel. Cuộc trò chuyện của hai bố con rất xúc động, không ai muốn cúp máy. Sau khi sắp xếp công việc, sáng 18/4/2014, Michel đến Việt Nam để gặp bố đẻ sau 30 năm xa cách.

Là người có vai trò quan trọng trong câu chuyện cảm động này, nhưng khi trò chuyện với chúng tôi, bà Ngọc Điệp cho biết không muốn đưa lên truyền thông nhiều. “Tất cả những việc mình làm cũng vì cái tâm. Thời gian qua, vì công việc quá bận nên tôi không liên lạc với Michel và gia đình của cậu ấy. Nhưng tôi thực sự xúc động khi nhắc lại câu chuyện này”, bà Điệp tâm sự.

Bà Ngọc Điệp (SN 1959) sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, năm 1988 bà sang Đức. Chia sẻ về cuộc sống bên này, bà Điệp cho biết, tuy vất vả mưu sinh nhưng rất thoải mái về tinh thần. “Bốn năm gần đây, do bố mẹ ở Việt Nam đã già yếu nên năm nào tôi cũng về Việt Nam đón Tết”, bà Điệp nói.

Những lần về quê, bà Điệp thường kết hợp với câu lạc bộ thiện nguyện “Cùng em vững bước” đi trao quà cho các bệnh nhân ở Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, những người nghèo ở xóm vạn chài, người vô gia cư. Bà Điệp bảo: “Những lần về thăm quê hay đọc báo, xem truyền hình, nhìn các hoàn cảnh đặc biệt, tôi cảm thấy xót xa vô cùng. Những việc làm của tôi được bố mẹ, hai đứa em gái ở Việt Nam và cô con gái ở Đức ủng hộ hết mình. Tuy sống xa Tổ quốc nhưng tôi luôn hướng về đất mẹ thân yêu, nơi có gia đình, người thân đang sống ở đó”.

Được gặp gỡ trò chuyện với người phụ nữ giàu tấm lòng này mới biết, hoạt động từ thiện của bà rất năng nổ nhưng bà lại không muốn nhiều người biết đến. Cách đây 3 năm, khi về Trung tâm nhân đạo Linh Quang làm từ thiện, bà đã được kênh truyền hình ANTV phỏng vấn về hoạt động của nhóm, nhưng bà đã từ chối. “Cô phóng viên nói mãi tôi mới đồng ý trả lời phỏng vấn, nhưng yêu cầu không nhìn rõ mặt. Hoạt động từ thiện của tôi thì nhiều lắm, nhưng tôi nghĩ như vậy là đủ rồi, chỉ tự trong lòng mình biết”, bà nói.

Tìm được bố nhờ “nhạc sĩ” lạc… nghề

Hai Việt kiều kết nối những cuộc trùng phùng - 3

Gia đình nhỏ của Susanne. Ảnh: T.L

Khi câu chuyện của Michel tìm lại được bố sau 30 năm xa cách chưa kịp lắng xuống thì trường hợp cô gái Susanne Kandler (SN 1989) và anh trai, Martin (SN 1988) ở CHLB Đức, tìm lại được bố đẻ ở Việt Nam cũng gây xúc động không kém.

Bà Lê An Tuyên, một trong những người đã giúp hai anh em Susanne tìm lại bố, kể lại: Từ những năm 1990, bà Heike, mẹ của Susanne và Martin là khách hàng thường xuyên của cửa hàng bà. Mỗi khi đến mua hàng, bà Heike thường kể chuyện về hoàn cảnh gia đình và có hỏi thông tin về một người bạn trai ở Việt Nam. Nhưng khi bà Tuyên có mặt tại thành phố Jena thì số lao động Việt Nam đã về nước từ lâu nên không có thông tin. Nhiều lần bà Tuyên có kể lại cho những người Việt lao động ở đây, nhất là số quen biết bạn trai của cô Heike, nhưng họ cũng không có thông tin cụ thể về người đàn ông này.

Mẹ của Susanner có tên đầy đủ là Heike Mrasek, khi mới 18, 19 tuổi, bà đã đem lòng yêu một chàng trai người Việt tên T, làm công nhân ở nhà máy thủy tinh Schott. Tại đây, hai người đã yêu nhau, rồi có với nhau 2 người con. Cậu con trai sinh năm 1988 và đến 1989, trước khi cô bé Susanne xinh đẹp chào đời mấy tháng, người bố phải trở về Việt Nam vì hết hạn hợp đồng. Theo như thông tin Susanne cung cấp, mặc dù ông T đã về nước nhưng gia đình vẫn giữ được liên lạc bằng những lá thư trong khoảng thời gian từ năm 1991 đến 1996.

Thời gian trôi đi, những đứa con của Heike lớn dần và rời gia đình đi học, đi làm. Một lần, bỗng cô con gái Susanne nhắc đến ông bố người Việt và có ý định tìm bố. Khi biết ý định của Susanne, bà Tuyên hứa sẽ nhờ bạn bè ở Việt Nam tìm giúp, vì bây giờ thông tin qua mạng Internet nhanh và rất tiện lợi. Một năm sau, Susanne đã đi làm việc ở nơi xa, quay trở về và cung cấp với bà Tuyên cụ thể tên người bố cũng như các lá thư cũ mà bố đẻ cô gửi mẹ Heike.

Hai Việt kiều kết nối những cuộc trùng phùng - 4

Bà Lê An Tuyên, người kết nối cho Susanne tìm lại người bố ở Hải Dương. Ảnh: L.N

Xúc động về tình yêu của người con gái muốn tìm được bố ruột ở Việt Nam, bà Lê An Tuyên đã chuyển tải thông điệp này lên Facebook. Thật bất ngờ, chỉ sau vài giờ, có rất nhiều bạn bè của bà Tuyên gọi điện, cho biết thông tin cụ thể về người đàn ông này. Qua các kênh kết nối, bà Lê An Tuyên đã có số điện thoại của ông T – bố của Susanne và Martin, hiện sinh sống ở thành phố Hải Dương. Khi bà Lê An Tuyên gọi điện trực tiếp nói chuyện về nguyện vọng tìm lại bố của Susanne và Martin, ông T đã nghẹn lòng không nói nên lời.

Sau đó, bà Tuyên thông qua phóng viên Báo GĐ&XH xuống gặp ông T ở Hải Dương cùng với tất cả thông tin, tư liệu liên quan đến hai giọt máu ở Đức của ông. Khi máy tính được mở lên, những hình ảnh của ông T bế người con trai tên Martin của 26 năm về trước và hình ảnh của cô con gái Susanne mà ông chưa bao giờ biết mặt hiện lên trên màn hình, ông T đã bật khóc nức nở.

Nhớ lại câu chuyện cảm động đã qua gần một năm, bà Tuyên chia sẻ rằng, đến bây giờ bà vẫn thấy mình đã làm được một việc có ý nghĩa, nhưng đó cũng là thành quả từ sự giúp đỡ của nhiều người khác, đặc biệt là mạng xã hội Facebook.

Bà Tuyên cho biết thêm, hiện Susanne đã lập gia đình, có con gái lên 5 tuổi. Hai vợ chồng đang sống và làm việc tại Thụy Sĩ. Còn người anh trai Martin, hiện là nhân viên của hãng thực phẩm ALDI. Cả hai có nguyện vọng năm nay sẽ về Việt Nam thăm bố đẻ.

Bà Lê An Tuyên cho biết, mình quê ở Cửa Lò (Nghệ An), thời nhỏ học trường cấp 3 Nghi Lộc 1, tỉnh Nghệ An. Sau đó, học kiến trúc và làm ở phòng thiết kế của Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Năm 1990, bà sang Đức đoàn tụ cùng gia đình. Sau khi nước Đức thống nhất, bà mở cửa hàng kinh doanh ở TP Stadtroda cho đến nay. Chia sẻ về cuộc sống nơi xứ người của mình, bà Tuyên cho hay, chưa bao giờ được về thăm quê trong dịp Tết. “Những kỉ niệm về mùa xuân, về Tết vẫn trọn vẹn trong ký ức tôi”, bà nói.

Nói về bà Lê An Tuyên, giới nhạc sĩ, ca sĩ dòng nhạc trữ tình ở trong nước không còn xa lạ. Mặc dù khiêm tốn chưa bao giờ nhận mình là một nhạc sĩ, nhưng với hàng chục ca khúc được các ca sĩ nổi tiếng như Anh Thơ, Trọng Tấn, Thành Lê, Đinh Trang, Lê Mận, Lê Anh Dũng, Xuân Huyền, Lương Nguyệt Anh, Phương Thảo, Tân Nhàn, Bích Hồng, Bùi Lê Mận… thể hiện, những tác phẩm của bà đã làm lay động công chúng yêu nhạc tại quê nhà. Nhiều ca khúc của bà đã xuất hiện trong chương trình “Bài hát yêu thích” hay được nhiều ca sĩ tin tưởng lựa chọn để đưa vào những cuộc thi lớn như Sao Mai, Sao Mai điểm hẹn… vốn là một sân chơi đầy nghiêm túc. Sáng tác ngẫu hứng, có khi chỉ là trên những tấm giấy xé vội, nhưng nếu ai một lần nghe “Lời cỏ may”, “Mùa thu sang”, “Sóng không từ biển”, “Nơi ấy quê nhà”, “Sông và anh”, “Về đây với anh”, “Thương ơi điệu ví”… sẽ đủ để cảm nhận rõ hơn về những bài hát của bà. Đến nay, rất nhiều ca khúc của Lê An Tuyên được các đài truyền hình tuyển chọn giới thiệu trong chương trình tác giả, tác phẩm.

Không dám nhận là nhạc sĩ, nhưng với nhiều người Việt ở Đức, nhất là người miền Trung, họ coi Lê An Tuyên là nhạc sĩ của riêng họ, người nói thay họ nỗi lòng khôn nguôi về Tổ quốc, đặc biệt là khúc ruột miền Trung với chất dân ca quen thuộc ngấm trong từng giai điệu. Nói về nghề “tay trái” của mình, bà  Tuyên bảo rằng, “mỗi bài hát là một cảm xúc rất thực. Nó thôi thúc tôi viết cảm xúc ấy của mình, của mọi người ly hương thành lời ca...”.

Nhớ lại câu chuyện cảm động đã qua gần một năm, bà Tuyên chia sẻ rằng, đến bây giờ bà vẫn thấy mình đã làm được một việc có ý nghĩa, nhưng đó cũng là thành quả từ sự giúp đỡ của nhiều người khác, đặc biệt là mạng xã hội Facebook.

Theo Lê Nhung (Gia đình và Xã hội)
Nguồn:

Tin liên quan