Hành trình giải cứu thương nhân Việt bị bắt cóc

Ngày 19/03/2014 10:18 AM (GMT+7)

Ông A. cùng trợ lý sang Trung Quốc gặp đối tác bàn chuyện làm ăn, khi đang uống cà phê tối, họ bị một nhóm người xông bắt cóc, đòi tiền chuộc 7 tỷ đồng mới được thả về Việt Nam.

Sáng 18/3, Đại tá Phạm Văn Tám, Trưởng phòng Phòng phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm có tổ chức và yếu tố nước ngoài (Phòng 5), Cục Cảnh sát hình sự (C45) cho biết, đã phối hợp với Công an Trung Quốc giải cứu thành công một giám đốc người Việt Nam và trợ lý bị bắt cóc, đòi tiền chuộc trên đất Trung Quốc, đưa về nước an toàn. 

"Đây là một loại tội phạm rất nguy hiểm, phạm tội xuyên quốc gia, nhằm vào giới thương nhân Việt Nam có quan hệ làm ăn ở nước ngoài", ông Tám cho biết. 

Giải cứu nhanh nạn nhân bị bắt cóc

Xuất phát từ lá đơn kêu cứu khẩn thiết của chị Nguyễn Thị H, trú tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) gửi Cục C45 vào ngày 27/2, đề nghị giải cứu cho chồng chị là anh N.T.A, SN 1975, Giám đốc một Công ty tư nhân chuyên xuất nhập khẩu mặt hàng nông sản đang bị bắt cóc bên Trung Quốc.

Trong đơn, chị H. trình bày, ngày 17/2, anh A và trợ lý (thông dịch viên) của mình là anh V.Đ.C đã nhập cảnh vào Trung Quốc với mục đích gặp đối tác kinh doanh tại TP Nam Ninh (Trung Quốc). Sau đó, chị H. thấy anh A bặt tin liên lạc, nhưng nghĩ là công việc kinh doanh của chồng bận rộn. Đến khoảng 14h50 ngày 20/2, chị H. mới nhận được điện thoại của chồng. Chưa kịp vui mừng, chị đã tá hỏa khi nghe chồng thông báo mình và người trợ lý bị một nhóm người lạ mặt bắt cóc.

Bọn bắt cóc yêu cầu gia đình phải chuyển vào tài khoản của chúng số tiền 150 vạn nhân dân tệ (khoảng 5,1 tỷ đồng) để chuộc người thì hai anh mới được thả về.

Hành trình giải cứu thương nhân Việt bị bắt cóc - 1

Công an Việt Nam  nhận bàn giao hồ sơ và 2 bị hại

8h35 ngày 21/2, anh A. lại gọi điện về khẩn thiết yêu cầu vợ lo gom tiền chuộc cho mình về, nếu không bọn bắt cóc đe dọa cả 2 người sẽ không có ngày trở về Việt Nam. Một ngày sau, khi gia đình đang cuồng cuồng lo lắng, lại nhận được điện thoại của anh A thông báo nhóm bắt cóc lại yêu cầu tăng số tiền chuộc lên 200 vạn (khoảng gần 7 tỷ đồng Việt Nam) và thông báo lúc 13h ngày 24/2 sẽ báo số tài khoản Trung Quốc để gia đình anh A chuyển tiền vào.    

Đến hẹn là 24/2, chị H. gọi điện thoại nhưng máy của anh A. không liên lạc được. Hai ngày sau đó, không liên lạc được với chồng nên chị H. như ngồi trên đống lửa. Gần trưa ngày 27/2, sau 3 ngày bặt tin, anh A. được bọn bắt cóc cho gọi điện với gia đình. Lần này, giọng nói của anh A khá mệt mỏi. Anh nói với vợ phải bằng mọi cách lo được 7 tỷ đồng để chuộc họ về và ngay trong ngày 27/2, chúng yêu cầu chị H. phải chuyển trước 50 vạn NDT để tỏ thành ý sẽ lo đủ tiền chuộc người với bọn bắt cóc và không được nói cho bất cứ ai biết.

Sau đó, bọn bắt cóc đã nhắn tin cho chị H số tài khoản của một người có tên là Trương Thụy Kỳ, mở tại Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc, chi nhánh Bá Vạn, Cận Phúc, Quảng Châu. Quá lo lắng cho chồng, khoảng 13h cùng ngày, chị H đã ra ngân hàng, chuyển số tiền 50 vạn NDT cho số tài khoản trên…

Tuy nhiên, sau khi chị H. chuyển tiền, thông tin về chồng chị lại biệt tăm. Quá lo lắng cho tính mạng của chồng, chị H. đã gửi đơn kêu cứu khẩn thiết đến Cục C45, nhờ giải cứu cho chồng.    

Phòng 5, Cục C45 được giao nhiệm vụ điều tra vụ việc này. Với kinh nghiệm phá các vụ án về tội phạm có tổ chức và yếu tố nước ngoài, các trinh sát của Phòng 5 đã phối hợp với Văn phòng Interpol Việt Nam (C55) khẩn trương xác minh, giải cứu cho các nạn nhân. 

Những ngày đầu tháng 3/2014, nhóm bắt cóc vẫn liên tục hối thúc gia đình anh A. gửi tiếp số tiền chuộc chúng yêu cầu. Theo hướng dẫn của cơ quan Công an, chị H. đã cố gắng thỏa thuận để gửi cho các đối tượng thêm 2 lần tiền nữa (nhưng mỗi lần chỉ 5 vạn NDT) với lý do gia đình khó khăn, đang phải đi vay mượn khắp nơi.

Cũng trong thời gian này, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Tổng đội hình sự Công an tỉnh Quảng Tây đã tìm ra nơi bọn bắt cóc giam giữ anh A. và anh C., giải cứu an toàn cho 2 anh, đồng thời bắt giữ được 15 đối tượng người Trung Quốc liên quan đến việc bắt cóc. 

Nạn nhân vẫn bàng hoàng khi được về Việt Nam   

Khi được Công an Trung Quốc đưa về cửa khẩu hữu nghị Lạng Sơn để trao cho đại diện của Cục C45, các nạn nhân vẫn chưa hết bàng hoàng. Theo lời kể sơ bộ của các bị hại, doanh nghiệp của anh A. đã nhiều năm làm ăn với các đối tác Trung Quốc. Chính vì vậy, khi nhận được điện thoại của một đôi nam nữ chủ động gọi điện, tự xưng là đối tác mới mời sang ký kết hợp đồng xuất khẩu nông sản, anh A. và trợ lý của mình không chút nghi ngờ.

Sau khi nhập cảnh vào Trung Quốc, anh A. đã liên lạc với đối tác. Tối 18/2, hai bên hẹn nhau ăn cơm, trao đổi công việc. Đối tác mới là đôi nam nữ ăn mặc sang trọng (trong đó người đàn ông khoảng 40 tuổi, xưng tên là Lư và người phụ nữ khoảng 30 tuổi) đi trên chiếc xe ô tô BMW 523 màu bạc, loại 4 chỗ, không BKS.

Sau bữa ăn tối, đôi nam nữ mời tiếp anh A và trợ lý đến một quán trà gần nhà hàng Đa Minh Đường, TP Nam Ninh. Khi họ đang ngồi uống trả, một nhóm gần chục thanh niên đã ập vào quán, đánh tới tấp 2 anh, sau đó lôi lên xe ô tô của chúng chở đi. Chúng đưa 2 anh qua nhiều địa điểm ở TP Nam Ninh để giam giữ, sau đó bắt gọi điện thoại về gia đình tại Việt Nam yêu cầu nộp tiền chuộc người.

Hiện Cục C45 tiếp tục phối hợp chặt chẽ thông tin với Công an Trung Quốc để theo sát tiến trình vụ việc. Đồng thời, cơ quan điều tra sẽ tiến hành lấy lời khai của bị hại, các đối tượng liên quan nhằm khai thác mở rộng, tìm xem có đồng phạm của bọn bắt cóc tại Việt Nam hay không? Hiện công an Trung Quốc đã bắt giữ 15 đối tượng liên quan đến vụ bắt cóc. "Nếu phát hiện có đối tượng đồng phạm tại Việt Nam, sẽ lập tức khởi tố vụ án hình sự để điều tra", đại tá Phạm Văn Tám nói.     

Song Thu
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan