Hãy dành 5 phút mỗi tháng để phát hiện sớm ung thư vú

Ngày 04/04/2016 06:00 AM (GMT+7)

Theo các chuyên gia, việc phát hiện những dấu hiệu nghi ngờ ban đầu của bệnh ung thư vú là vô cùng quan trọng để giúp phát hiện sớm căn bệnh nguy hiểm này.

Ung thư vú đang là căn bệnh nguy hiểm và gây tử vong hàng đầu ở phụ nữ. Theo đó, mỗi năm có khoảng 12.000 người mắc mới và 4.500 người tử vong do căn bệnh này gây ra. Điều đáng nói, đa số các chị em đều bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo sớm của căn bệnh này và chỉ phát hiện khi bệnh đã ở giai đoạn muộn.

GS Nguyễn Bá Đức – nguyên GĐ Bệnh viện K Trung ương, Phó Chủ tịch Hội ung thư Việt Nam cho biết, để phát hiện chính xác ung thư nói chung và ung thư vú nói riêng thì cần phải có giải phẫu mô bệnh học, chỉ khi nào kết quả này khẳng định bệnh nhân mắc ung thư thì bác sĩ mới tin đó là ung thư.

Tuy nhiên, GS Đức cũng cho rằng, đối với ung thư vú chị em hoàn toàn có thể tầm soát để phát hiện những dấu hiệu cảnh báo sớm, từ đó nhờ sự can thiệp của khoa học nhằm phát hiện chính xác.

“Để phát hiện sớm, chị em cần phải có ý thức với bản thân mình, thường xuyên tìm hiểu, cập nhật thông tin và nghe cơ thể mình đúng như tinh thần của câu nói: “Hãy lắng nghe cơ thể bạn”, có như vậy chị em mới có thể phát hiện và phòng ngừa sớm được ung thư vú”, GS Đức nói.

Hãy dành 5 phút mỗi tháng để phát hiện sớm ung thư vú - 1

Các chuyên gia khuyến cáo phụ nữ 30 tuổi trở lên, mỗi tháng hãy dành cho bản thân 5 phút để tự kiểm tra, phát hiện sớm ung thư vú (Ảnh minh họa)

GS Đức cho biết: “Hiện nay qua chương trình tự khám vú, phụ nữ 30 tuổi trở lên, mỗi tháng hãy dành cho bản thân 5 phút, vào thời điểm nhất định như sau khi sạch kinh 5-10 ngày, thời điểm đó phụ nữ không bị ảnh hưởng bởi nội tiết kinh nguyệt. Nếu làm được như vậy đều đặn hàng tháng, chúng ta sẽ cảm nhận được những cảm giác bất bình thường trên cơ thể mình. Còn nếu không kiểm tra thường xuyên, đến khi có bất thường thì cũng không thể biết được nó thay đổi như thế nào?”.

Theo GS Đức, khi tự khám vú nếu có nghi ngờ khác thường, đặc biệt là những người có nguy cơ cao như trên 40 tuổi, trong gia đình có người thân mắc căn bệnh này như mẹ đẻ, chị em ruột, bà ngoại… thì nên đi khám tầm soát ung thư vú.

Theo GS Đức, việc tự kiểm tra vú cần phải thực hiện ở nơi có đủ ánh sáng và ở trong tư thế thoải mái. Trước tiên người phụ nữ cần phải xuôi 2 tay và quan sát xem có các thay đổi ở vú như: u cục, dày lên, lõm da hoặc thay đổi sắc màu da. Tiếp theo là đưa tay ra sau gáy và quan sát lại.

Ngoài ra, người phụ nữ có thể chống tay lên hông làm cử động cơ ngực lên xuống bằng động tác nâng vai lên hoặc hạ vai xuống. Động tác này làm rõ hơn các thay đổi ở vú (nếu có).

Ngoài phương pháp quan sát trên, người phụ nữ có thể tự sờ nắn vùng vú của mình bằng cách nắn nhẹ đầu vú xem có chảy dịch hay không? Hoặc đưa tay phải ra sau gáy, dùng tay trái sờ nắn vú phải, 4 ngón tay đặt sát vào nhau thành một mặt phẳng, ép đều đặn lên các vùng khác nhau của tuyến vú vào thành ngực theo hướng vòng xoắn ốc từ đầu vú ra phía ngoài.

Đồng thời kiểm tra từng vùng của vú, cả về phía hố nách. Mặc dù đã thực hiện những phương pháp trên, nhưng theo GS Đức, kể cả khi người phụ nữ có những dấu hiệu trên chưa hẳn đã là ung thư vú, nên cần phải đến khám tại các cơ sở y tế  chuyên khoa để được khám và chẩn đoán chính xác nhất.

Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bệnh ung thư