Học 45 phút mỗi tiết có quá tải với học sinh tiểu học?

Ngày 21/12/2015 16:39 PM (GMT+7)

Trung bình mỗi tiết học diễn ra khoảng 45 phút, mỗi ngày học sinh tiểu học phải “cày ải” trên trường từ 7-9 tiết (tùy nơi).

Thời khóa biểu kín đặc, tiết học kéo dài, cộng với nội dung chương trình học khá nặng, phụ huynh tăng cường cho con học thêm… được cho là nguyên nhân khiến học sinh tiểu học bị quá tải, tỷ lệ mắc các bệnh học đường ngày càng tăng.

Giật mình cấp I học 9 tiết/ngày

Dù chương trình, sách giáo khoa bậc tiểu học đã được giảm tải, tuy nhiên lịch học của học sinh tiểu học vẫn luôn kín đặc các môn trong ngày. Theo khảo sát tại một số trường ở Hà Nội và các tỉnh lân cận, thời khóa biểu của cấp tiểu học một số nơi phải học từ 7-9 tiết mỗi ngày (học 2 buổi/ngày), mỗi tiết 40-45 phút, nghỉ ra chơi từ 10-15 phút. Dù số lượng môn không nhiều, nhưng các môn học chính như: Toán, luyện chữ, Tiếng Việt được xen kẽ các môn Chính tả, Tiếng Anh, Đạo đức, Mỹ thuật, Khoa học… Hầu hết các trường đều phổ biến dạy 8 tiết mỗi ngày, có trường dạy 5 tiết buổi sáng.

Quan niệm không đặt nặng thành tích học tập, con học tiểu học “học mà chơi”, nên chị Nguyễn Thu Huyền có con học lớp 3 Trường Tiểu học Đ.T.C (ở Thanh Xuân, Hà Nội) không khỏi lo lắng cho lịch học của con. Chị Huyền chia sẻ: “Dù cô không cho bài tập hay nặng nề điểm số như trước đây, nhưng con học cả ngày kín mít lịch học. Hôm nào cũng học từ sáng tới chiều, mỗi buổi học 4 tiết, chủ yếu các môn Toán và Tiếng Việt. Hai môn này thời lượng nhiều, chương trình cũng khá nặng khiến con về nhà còn phải giao thêm bài tập mới theo kịp chương trình”.

Học 45 phút mỗi tiết có quá tải với học sinh tiểu học? - 1

Tiết học kéo dài 45 phút cộng với học liên tục 7-9 tiết/ngày khiến học sinh tiểu học quá tải, dễ mắc các bệnh học đường. Ảnh minh họa: Q.Anh

Nói về chuyện dạy và học ở trường tiểu học hiện nay, một giáo viên tiểu học trên địa bàn quận Đống Đa (đề nghị không nêu tên) chia sẻ, hầu như mỗi ngày cô làm việc trên lớp rất vất vả, từ khi có quy định bỏ chấm điểm ở bậc tiểu học, khối lượng công việc dường như còn tăng hơn. Phải dạy bài học mới, giao bài tập và cố gắng để hoàn thành chấm và nhận xét vào vở của học sinh ngay trên lớp. Thậm chí, đối với những học sinh học “đuối”, cuối giờ còn nán lại 10-15 phút để hướng dẫn thêm cho các em.

“Giáo viên đã thế, học sinh học cũng khá vất vả, dù có đan xen một số tiết học phụ, có máy chiếu và thỉnh thoảng có xen kẽ vài đoạn video vui nhộn làm giảm căng thẳng cho các em. Tuy nhiên, học sinh lớp 1 đều phải căng mình vừa rèn chữ vừa học toán. Sang các năm tiếp theo có nhàn hơn chút, nhưng nếu không dạy kỹ, các em sẽ khó theo được chương trình, đồng nghiệp lại vất vả”, giáo viên này cho biết thêm.

Học 45 phút/tiết có phù hợp?

Theo TS Tâm lý Nguyễn Thị Kim Quý (Văn phòng Tham vấn gia đình và trẻ em, Hội Tâm lý giáo dục học Việt Nam) trong quá trình trị liệu tâm lý cho trẻ em, bà nhận ra một điều, trẻ em bây giờ rất khổ, hết bị “nhồi” kiến thức trên lớp, lại bị ép học thêm theo ý bố mẹ. Trẻ em hiện nay có thể vật chất đầy đủ nhưng chúng lại phải chịu rất nhiều áp lực học tập từ trường, từ bố mẹ. Có những ông bố bà mẹ tài năng nên bắt con cũng phải giỏi. Nhiều phụ huynh muốn con phấn đầu trở thành những đứa trẻ tốp đầu, nghĩa là phải thông minh, học giỏi... Tuy nhiên, khả năng trẻ có hạn nên sẽ bị quá tải, dẫn đến hoảng loạn”, TS. Nguyễn Thị Kim Quý cho biết.

Từ đầu năm học 2015-2016 đến nay, khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM) liên tục tiếp nhận khám, điều trị cho nhiều trẻ được đưa đến để điều trị tâm lý. Theo các bác sĩ, trong số trẻ em tới đây điều trị, phần lớn là học sinh tiểu học. Các bé này rơi vào trạng thái rối loạn lo âu vì thua kém các bạn. Bên cạnh đó, lịch học kín đặc cùng khối lượng kiến thức nhiều khiến cho trẻ phải tập trung cao độ để học, dẫn đến căng thẳng đầu óc, lo lắng không theo kịp bài. Chưa kể, nhiều học sinh bị phụ huynh ép học thêm, luyện chữ đẹp dẫn đến “khủng hoảng” tâm lý.

Ngoài sự quá tải, việc ngồi học tập trung lâu đến 45 phút mỗi tiết học, với nhiều tiết liên tiếp sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe học sinh. BS Nguyễn Minh Hiếu - Bệnh viện E (Hà Nội) cho rằng, việc phải viết chữ thường xuyên, trong thời gian dài sẽ khiến mắt trẻ quá tải, ảnh hưởng đến sự phát triển thị lực, dẫn đến cận thị, loạn thị. Bên cạnh đó, nếu ngồi không đúng tư thế, trẻ sẽ có nguy cơ bị đau cơ, ảnh hưởng tiêu cực đến xương, đặc biệt là cột sống. “Ngoài ra, trường hợp trẻ phải luyện viết ngoài giờ sẽ làm cho trẻ mệt mỏi, sợ đi học. Khi bị ép quá, trẻ thường biểu hiện căng thẳng, lâu ngày sẽ ảnh hưởng xấu đến hệ thần kinh”, bác sĩ Hiếu chia sẻ.

Trong những năm gần đây, dù điều kiện cơ sở vật chất lớp học đã nâng lên, nhưng tỷ lệ học sinh mắc các bệnh học đường như: Tật cận thị, bệnh cong, vẹo cột sống... cũng có xu hướng gia tăng trong học sinh, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Bệnh học đường đang là mối lo lắng của các bậc phụ huynh. Theo lý giải của nhiều nhà quản lý giáo dục, các bác sĩ, điều này có một phần nguyên nhân do lớp học đông, học sinh phải ngồi lâu, tập trung cao độ trong một tiết học mà ít có thời gian nghỉ, vui chơi. Do đó, tiết học với thời lượng 45 phút cần được điều chỉnh lại cho phù hợp, để học sinh không phải tập trung quá mức, vừa học vừa được thư giãn giúp học sinh có những tiết học bổ ích, hiệu quả giáo dục cao.

Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Dự thảo cũng nêu rõ một năm học có 35 tuần thực học (gồm 32 tuần học các nội dung quy định chung cả nước và 3 tuần dành cho nội dung giáo dục của địa phương). Riêng đối với cấp tiểu học: Mỗi ngày học 2 buổi, buổi sáng học không quá 4 tiết và buổi chiều học không quá 3 tiết. Mỗi tuần học không quá 32 tiết, mỗi tiết học trung bình 35 phút, giữa các tiết học có thời gian nghỉ.

Theo Quang Anh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự