Học kỳ quân đội: 2 tuần trải nghiệm giúp trẻ trưởng thành đến đâu?

Ngày 10/06/2015 10:46 AM (GMT+7)

Kỳ nghỉ hè mới kết thúc được chưa đầy nửa tháng thì nhà nhà đã cho con lên đường đi "bộ đội" với kỳ vọng, sau 2 tuần con được sống trong kỷ luật, sẽ thay đổi thói quen, lối sống trước đây.

Hy vọng con thay đổi giống “tắc kè hoa”

Trao đổi với Infonet về khóa học này, ông Nguyễn Quyết Thắng, Trợ lý giám đốc phụ trách truyền thông, Trung tâm phát triển kỹ năng xã hội, Học viện Thanh thiếu niên VN cho biết, đây là năm thứ 3 Trung tâm liên kết với Trung đoàn 50 (Đồ Sơn, Hải Phòng) triển khai Học kỳ quân đội.

Học kỳ quân đội: 2 tuần trải nghiệm giúp trẻ trưởng thành đến đâu? - 1

Nhiều bố mẹ hy vọng con trở nên cứng cáp, tự lập sau khi tham gia 2 tuần học kỳ quân đội

Theo ông Thắng, khóa học giúp các học viên những kỹ năng sống, những bài học trải nghiệm thao trường và những buổi sinh hoạt tập thể giúp trẻ nhận thức được ý nghĩa về giá trị sống. Theo đó, 70% thời gian khóa học các chiến sĩ nhí sẽ học kỹ năng sống cơ bản cụ thể thuyết trình, giao tiếp, làm việc nhóm, học tập, cảm xúc, quản lý cảm xúc, quản lý thời gian, chăm sóc sức khỏe  vị thành niên…. 30% thời gian còn lại các con được học theo kỷ cương quân đội từ  giờ giấc ăn, ngủ, nghỉ, học tập rèn luyện phải đúng giờ (rèn tính kỷ luật); cho trẻ được tiếp xúc với các loại vũ khí bộ binh, học điều lệnh, học các tư thế vận động…

“Tham dự khóa học có rất nhiều độ tuổi khác nhau từ trẻ mới 10 tuổi cho đến 17 tuổi. Tính đến thời điểm hiện nay có khoảng 70 trẻ tham gia khóa học này lần 2. Với những trẻ lần đầu tiên xa gia đình, xa bố mẹ phải tự lập rất nhiều nên không tránh khỏi choáng ngợp, bỡ ngỡ. Đã có trường hợp khóc đòi về” – ông Thắng cho biết thêm.

Chị Lê Thu Thủy, một cán bộ ngân hàng cho biết: Từng cho cậu con trai theo 2 khóa học kỳ quân đội. Lần đầu tiên khi con chị mới học cấp 2 và lần thứ 2 khi con kết thúc năm học lớp 10.

“Trường cháu liên kết với một đơn vị Quân khu 2 nên trong 3 năm học THPT ở trường đều bắt buộc tham gia ít nhất một khóa. Dù đã được mẹ cho đi tham gia một khóa học hồi lớp 9 rồi nhưng cu cậu không chuyển biến là mấy. Đến giờ bắt đi nó cũng không chịu đi nữa. Thậm chí tôi vận động theo khóa thiền ở Thiền viện Trúc Lâm để cháu nghe giảng đạo lý nhưng cháu kiên quyết từ chối vì sợ…khổ” – chị Thủy nói.

Sở dĩ con trai chị Thủy không còn mặn mà với học kỳ quân đội là bởi vì, theo chị Thủy do cháu là con một, bố mất sớm nên ông bà nội luôn bảo bọc cháu từ nhỏ. Cháu hầu như không phải làm bất cứ việc gì trừ việc đến trường. Vì thế, khi cháu tham gia khóa đầu tiên, con đi được 2 ngày bà nội đã đứng ngồi không yên, bắt xe lên tận nơi xem cháu sinh hoạt ra sao.

“Nhìn cháu tự gấp chăn màn, rồi rơm rớm nước mắt đòi về khi kể với bà và mẹ là phải dậy đúng giờ, phải rèn luyện, đứng trực gác cổng như bộ đội; trong cơm chỉ có một món thức ăn, ngủ không có điều hòa, bà nội cháu bần thần nhưng tôi kiên quyết không cho cháu bỏ dở”- chị Thủy nói.

Theo lời kể của chị Thủy năm ấy, sau đợt huấn luyện về cu cậu tỏ ra tiến bộ hẳn. Đã biết tự chăm sóc bản thân, biết ngủ dậy tự gập chăn màn gọn gàng, đặc biệt biết giúp bà phơi, rút quần áo rồi gập cất cho từng người.

“Tôi cứ hình dung cháu sẽ duy trì được nếp sinh hoạt như thế. Ai dè, tính tự giác ấy cũng chỉ được 2 tuần rồi mọi việc … đâu lại vào đấy. Mẹ có rát cổ nhắc làm việc nọ, việc kia thì cũng chẳng suy chuyển. Bà nội thấy thế thì biện minh, thôi để bà làm cho, tý thì xong, để cháu bà nghỉ ngơi. Tình trạng này lặp lại đúng như thế sau khi kết thúc lần học thứ 2. Mọi chuyển biến tích cực chỉ thay đổi trong 2 tuần mà thôi” - chị Thủy ngao ngán kể lại.

Đừng quá kỳ vọng

Không giống như con chị Thủy, con trai của anh Nguyễn Thành Nam (Giám đốc Công ty phần mềm Siêu Việt) lại khá thích thú với những lớp học trải nghiệm, trong đó cu cậu mới kết thúc lớp 6 nhưng đã tham gia 2 khóa học kỳ quân đội (lần đầu tiên khi con học lớp 4 và lần thứ 2 là kết thúc năm học lớp 5).

Anh Nam cho biết, sau mỗi khóa học cháu có những sự thay đổi rõ rệt. Bắt đầu từ trong suy nghĩ, cháu biết thương bố mẹ, biết chia sẻ công việc với người lớn trong nhà và tỏ ra là anh cả của 2 em hơn.

“Theo tôi không thể phủ nhận tác dụng của những khóa huấn luyện này. Rõ ràng trẻ được trải nghiệm, được sống trong môi trường hoàn toàn khác biệt với gia đình. Từ đó phần nào tác động đến suy nghĩ của trẻ. Tuy nhiên, từ suy nghĩ đến hành động là cả một quãng đường rất dài mà ở đó rất cần vai trò giáo dục nhắc nhở của gia đình. Bố mẹ đừng kỳ vọng sau khi con “đi bộ đội” 2 tuần trở về cháu hoàn toàn thay đổi, tự giác làm mọi việc”- anh Nam nhấn mạnh.

Theo anh Nam, sở dĩ con anh thích tham gia khóa học này có lẽ là do ngay từ nhỏ vợ chồng anh đã dạy cho con làm việc. "3 tuổi cháu đã phải tự chuẩn bị quần áo để đi lớp. 4 tuổi anh chị cho tự tắm, 5 tuổi nhà có thêm em, cậu con trai lúc này kiêm thêm nhiệm vụ trông em, lấy bỉm đỡ mẹ. Đến khi cháu vào tiểu học, những việc nhà cũng bắt đầu được phân công nhiều hơn. Vì thế, khi kết thúc học kỳ quân đội trở về chừng ấy công việc cháu vẫn phải làm. Ngoài ra chúng tôi tiếp tục khuyến khích nếu cháu làm được các việc khác.

Đến giờ cháu đã tự nấu được cơm, luộc rau, rán trứng thậm chí nặn bánh trôi với mẹ. Không chỉ mình cháu làm, mà cháu còn hướng dẫn cho cô em gái kém cháu 5 tuổi những việc đơn giản khác như quét nhà, gập quần áo…” – anh Nam nói.

Từ kinh nghiệm con anh và một số bạn bè khác, anh Nam cho rằng việc cho trẻ tham gia những khóa học kỹ năng sống, trong đó có học kỳ quân đội, là cách để trẻ có thêm trải nghiệm. Mà những trải nghiệm này với trẻ con thành phố không dễ gì có được. Tuy nhiên, để biến những kỹ năng ấy thành thói quen, thành lối sống thì rõ ràng vẫn phải dựa trên giáo dục hàng ngày, điều ấy phụ thuộc vào tư duy, cách giáo dục của mỗi gia đình.

TS Vũ Thu Hương, chuyên gia giáo dục, trường ĐH Sư phạm cho rằng, tính cách chỉ được  hình thành sau  thời gian dài rèn luyện. Với thời lượng 1,2 tuần đứa trẻ sẽ chỉ được làm quen và nhanh chóng quên đi nếu không được rèn luyện thêm. Vì thế nếu nói về hiệu quả, chương trình chắc chắn chỉ đạt được ở mức độ nhất định chứ không thể có chuyện hình thành thói quen hay phản xạ có điều kiện.

Nhiều cha mẹ cho rằng, cho trẻ đi học kỹ năng sống như để mua phép màu. Đây có lẽ là suy nghĩ sai lầm của các bậc phụ huynh. Đào tạo Kĩ năng sống và đạo đức trước tiên phải là nhiệm vụ bắt buộc của phụ huynh. Các trung tâm chỉ giúp ích được phần nào, cũng giống như giáo viên ở trường của con cũng chỉ có khả năng giúp con ở một mức độ nhất định. Việc trau dồi kĩ năng sống và hình thành nhân cách của trẻ hoàn toàn phụ thuộc vào phụ huynh.

Theo Ngô Châu Anh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự