Học sinh Lai Châu đu bè qua sông dữ đi học

Ngày 08/09/2015 14:02 PM (GMT+7)

Học sinh phải đi bộ đường rừng núi cả tiếng đồng hồ rồi thậm chí cheo leo tính mạng của mình trên chiếc bè vượt sông nước cuồn cuộn đến trường...

Vượt sông dữ đến trường

Theo chia sẻ của thầy Lê Đình Chuyền, hiệu trưởng trường tiểu học Nậm Chà, huyện Nậm Nhùn, Lai Châu, học sinh nơi đây thuộc 3 dân tộc Cống, Cờ Lao, Mông. Trong đó, số học sinh người Mông chiếm 70%. Do nhà các em nằm rải rác khắp các quả đồi nên việc lặn lội đi bộ đến trường cả tiếng đồng hồ là tình trạng quen thuộc hàng ngày.

Thế nhưng, gian khổ nhất phải kể đến chuyện đi học vào mùa mưa (khoảng từ tháng 4 đến đầu tháng 10). Mùa khô, nắng ráo những con suối cạn nước, các em dễ dàng lội qua nhưng khi nước sông Đà dâng cao, sóng cuộn chảy, chuyện đến trường với các em cũng ngang với việc treo tính mạng.

Học sinh Lai Châu đu bè qua sông dữ đi học - 1

Bình thường, học sinh và người dân sẽ qua suối bằng chiếc bè như thế này.

Học sinh Lai Châu đu bè qua sông dữ đi học - 2

Một chiếc bè bằng phao nổi, sử dụng dây cáp kéo 2 đầu mới đưa vào hoạt động nhưng được xem là an toàn hơn đối với học sinh khi qua sông.

Học sinh Lai Châu đu bè qua sông dữ đi học - 3

Thầy Chuyền chia sẻ, trường tiểu học Nậm Chà nằm phía trên con suối này nên nhiều học sinh khu vực khác bắt buộc phải đi qua. Bình thường sẽ có một chiếc cầu tạm được xếp đá hai đầu, phía trên kê tre nứa để học sinh vượt suối nhưng khi nước lũ lên quá cao, các em chỉ còn cách duy nhất là nghỉ học.

Mới đây một đoàn từ thiện tặng người dân chiếc bè bằng khung sắt, dưới gắn thùng phi và qua sông bằng cách kéo dây cáp 2 đầu. Mặc dù được gọi là an toàn hơn chiếc bè nứa cũ nhưng chiếc bè mới này cũng không thực sự hiệu quả so với địa hình sông nước nơi đây. Đá nhấp nhô, hiểm trở khiến cho chiếc bè thùng phi này bị mắc cạn cách bờ tới 2m. Và nếu hôm nào nước lớn thì đi trên chiếc bè này là đang đối mặt với tử thần bất cứ lúc nào.

Để hạn chế việc đi lại nguy hiểm, thầy Chuyền phải ra quy định cho học sinh ở nội trú 2, 3 tuần mới về nhà một lần. Bên cạnh đó, nghiêm cấm không cho các em ra suối nghịch để tránh gặp sự cố không hay.

Chuyện đường sá ở đây cũng gian nan không kém, theo chia sẻ của thầy Chuyền, năm 2012 xã mới có đường xe máy để đi và năm 2014 mới có chuyến xe ô tô đầu tiên lên xã. Tuy nhiên mấy tháng nay làm đường nên xe ô tô cũng bị chặn lại. Xã cách trung tâm thị trấn 60km nhưng quãng đường này người dân chủ yếu phải đi bộ và dắt xe.

Học sinh Lai Châu đu bè qua sông dữ đi học - 4

Một bữa ăn của học sinh nội trú.

Hiện tại trường tiểu học Nậm Chà có 166 học sinh nội trú trong tổng số 469 học sinh toàn trường. Hơn 200 em thuộc hộ nghèo được hỗ trợ 70.000 đồng/tháng/em, các em ở bán trú thì được hỗ trợ 460.000 đồng/tháng/em nuôi ăn ở tại trường. Tuy nhiên, do đường sá xã quá xa xôi, hiểm trở nên thực phẩm khan hiếm và khi vận chuyển lên đến nơi cũng đắt gần gấp đôi so với giá gốc. Thế nên các thầy cô phải đau đầu chi li, tính toán số tiền này để trang trải đủ thức ăn cho các em.

Thầy hiệu trưởng 1 năm về nhà 2 lần

Thầy Chuyền tâm sự, quê thầy ở Thanh Oai, Hà Nội và thầy lên dạy tại trường tiểu học Nậm Chà bắt đầu từ tháng 2/2009. Sau 5 năm thầy Chuyền nhận chức hiệu trưởng. Thầy Chuyền và vợ cùng giảng dạy tại đây nhưng 2 con nhỏ (học lớp 7 và lớp 3) thì ở cùng ông bà. Người con thứ 2 phải xa bố mẹ khi mới 1 tuổi. Mỗi năm thầy hiệu trưởng này chỉ về quê 2 lần dịp hè và tết để thăm gia đình.

Chia sẻ về kỷ niệm của thầy khi gắn bó với mái trường ở xã thuộc diện khó khăn nhất huyện, thầy Chuyền nghẹn ngào kể lại. Kỷ niệm đáng nhớ nhất phải kể đến việc đi bộ cả ngày trời để gọi điện về cho gia đình. Trước đây khi xã không có sóng điện thoại, cứ sáng chủ nhật các thầy cô trong trường lại đi bộ 2, 3 tiếng đồng hồ để đến nơi có sóng. Gọi điện về nhà xong lại đi bộ mất cả chiều mới về đến trường. Và cả ngày hôm đó, thầy lại như ngẩn ngơ vì nhớ nhà. Cứ ai nhắc đến gia đình là lại khóc như mưa...

Học sinh Lai Châu đu bè qua sông dữ đi học - 5

Giáo viên và học sinh chăm chỉ đến lớp.

Đau lòng nhất là có trường hợp bố mẹ của thầy cô trong trường mất mà thầy cô không biết vì không thể liên lạc được. Khi đó mọi người chỉ biết động viên, an ủi nhau cùng cố gắng.

"Cũng may đến tháng 2/2015 xã được lắp cột sóng điện thoại. Mặc dù sóng không khỏe, chỗ có, chỗ không nhưng đó cũng là niềm vui sướng của các thầy cô vì hàng ngày được liên lạc với gia đình", thầy Chuyền hồ hở cho biết.

Tào Nga
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự