Hội chẩn liên viện cứu sống 3 chiến sĩ

Ngày 09/07/2014 00:02 AM (GMT+7)

Sáng nay (9/7), các chuyên gia hàng đầu của Viện Bỏng và BV Bạch Mai, BV Việt Đức sẽ tiến hành hội chẩn để cứu 3 chiến sĩ còn sống sót trong trực thăng rơi.

Cuối giờ chiều ngày hôm qua (8/7), Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đến động viên, thăm hỏi các chiến sĩ trong vụ trực thăng rơi đang điều trị tại Viện Bỏng Quốc gia. Bộ trưởng yêu cầu ngay trong sáng ngày 9/7, các chuyên gia giỏi trong lĩnh vực chống độc, chống nhiễm khuẩn, hồi sức ngoại của 3 bệnh viện: Viện Bỏng Quốc gia, BV Bạch Mai và BV Việt Đức phải tiến hành hội chẩn, không từ bỏ bất cứ một cơ hội nào nhằm cứu sống 3 chiến sỹ.

Hội chẩn liên viện cứu sống 3 chiến sĩ - 1

Chiến sĩ trong vụ trực thăng rơi đang điều trị tại Viện Bỏng Quốc gia

Hiện tại, tình trạng sức khỏe của 3 chiến sĩ thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô vẫn đang rất nguy kịch, chưa qua giai đoạn sốc. Cả 3 chiến sĩ đều bị bỏng diện rộng, khó tiên lượng thương tổn thứ phát. Bộ trưởng đánh giá, điều quan trọng trong lúc này là phải làm tốt công tác chống sốc, chống nhiễm khuẩn, chống độc cho chiến sĩ. Bộ sẵn sàng hỗ trợ mọi trang thiết bị cần thiết cho công tác cứu chữa cho 3 chiến sĩ.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị Viện Bỏng Quốc gia lắp 3 máy hút tiệt trùng cho 3 phòng cách ly, sau này Bộ Y tế sẽ hỗ trợ.  

"Các chuyên gia trong buổi hội chẩn ngày mai xem xét  nếu cần thiết phải áp dụng các kỹ thuật hiện đại, tốn kém như lọc máy hay làm tim phổi nhân tạo tại giường thì làm ngay và Bộ sẵn sàng hộ trợ về mặt kinh phí", Bộ trưởng Tiến nhấn mạnh.

GS.TS Nguyễn Tiến Bình, Giám đốc Học viện Quân y cho biết, hiện tại 3 chiến sĩ còn lại đang điều trị tại Viện Bỏng Quốc gia bao gồm: Trung úy Nguyễn Hoàng Anh, sinh năm 1981 (quê ở Đông Hưng, Thái Bình), bị đa chấn thương, bỏng lửa 52% ở mặt, chân, chi, bỏng hô hấp, gãy 1/3 dưới xương cẳng chân, vỡ xương sọ. Trung úy Nguyễn Văn Tuấn, sinh năm 1981 (quê ở Lục Ngạn, Bắc Giang) đa chấn thương, bỏng lửa 74%, trong đó bỏng sâu nhiều vùng nguy hiểm như đầu mặt, bỏng hô hấp. Chiến sĩ Đinh Văn Dương sinh năm 1983 (quê ở Kim Bảng, Hà Nam) chẩn đoán đa chấn thương, bỏng lửa 53%, bỏng hô hấp.

Theo GS.TS Bình, cả 3 chiến sĩ hiện đang trong tình trạng nặng, tiên lượng khó khăn do đều bị đa chấn thương, hội chứng súng nổ, bỏng hô hấp. Khả năng bệnh nhân bị nhiễm khuẩn rất cao hoặc có biến chứng nặng giai đoạn sau sốc như suy thận, nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng, không đủ nguồn da che phủ.

Thiếu tướng Lê Mạnh Hùng, Bộ Tư lệnh Thủ đô cho biết, tuổi đời của các chiến sĩ đều rất trẻ, chủ yếu 30-32 tuổi. Có người có con 6 tháng, có người vợ mang bầu sắp sinh. Có người vợ có công ăn việc làm, còn lại chủ yếu làm nghề nông, gia cảnh rất khó khăn. Có trường hợp chiến sĩ hy sinh trong vụ trực thăng rơi vẫn chưa nhận dạng được, đang chờ kết quả xét nghiệm ADN. 

Chiều tối ngày 8/7, Viện Bỏng Quốc gia đã có báo cáo nhanh về tình hình thu dung, cấp cứu và điều trị cho các nạn nhân trong vụ trực thăng rơi tại Hà Nội ngày 7/7. Theo đó, có 5 chiến sĩ đã được chuyển đến Viện Bỏng Quốc gia trong tình trạng đều bị đa chấn thương, hội chứng sóng nổ, bỏng hô hấp, diện tích bỏng rộng, bỏng sâu, tiên lượng rất nặng.

Hai bệnh nhân diễn biến quá nặng do hội chứng súng nổ, tràn máu phế nang, đã tử vong lần lượt lúc 17h ngày 7/7 và 4h15 ngày 8/7.

Hiện tại còn 3 bệnh nhân rất nặng đang được tiếp tục cứu chữa tích cực. Các bệnh nhân này tiên lượng cũng rất khó khăn do bệnh lý quá nặng. 

Viện Bỏng Quốc gia đề nghị Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế đầu tư kinh phí xây dựng phòng sạch, vô khuẩn, áp lực dương; cho nhập các thuốc điều trị đặc hiệu tại chỗ vết bỏng, các vật liệu thay thế da ... nhằm nâng cao chất lượng điều trị cho bệnh nhân bỏng.

Mai Hương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Trực thăng rơi ở Hà Nội