Hơn 230 bác sĩ, y tá chết vì Ebola trong 4 tháng

Ngày 16/10/2014 10:40 AM (GMT+7)

Mới đây nhất, 2 y tá ở Mỹ đã bị nhiễm Ebola sau khi điều trị bệnh cho Thomas Duncan - người đầu tiên được chuẩn đoán mắc Ebola tại quốc gia này.

Cả 2 y tá nhiễm Ebola là Nina Phạm và Amber Joy Vinson nằm trong số hơn 70 nhân viên tiếp xúc với Thomas Duncan trong khoảng thời gian 10 ngày ông điều trị tại Bệnh viện Texas Health Presbyterian. Một nhân viên giấu tên chia sẻ với phóng viên rằng, các y tá đã không được bảo vệ đầy đủ để chống lại nguy cơ nhiễm Ebola. (Một người có thể bị nhiễm Ebola khi tiếp xúc với máu và chất dịch cơ thể người của bị nhiễm).

Hơn 230 bác sĩ, y tá chết vì Ebola trong 4 tháng - 1

Mặc dù ông Duncan đã được nhập viện vào ngày 28/9, sau khi trở về từ Tây Phi với các triệu chứng phổ biến của Ebola là nôn mửa, tiêu chảy. Các nhân viên y tế đã không được thông báo mặc đồ bảo hộ cho đến ngày 30/9, khi các bài kiểm tra chính thức xác nhận rằng Duncan đã bị nhiễm Ebola. Và khoảng thời gian lây nhiễm diễn ra trong gần 1 tuần.

Hiện tại, các quan chức Mỹ đang "đứng ngồi không yên" điều tra xem còn những nhân viên y tế nào có khả năng mắc bệnh.

Trong khi đó, tại Tây Phi, số người bị nhiễm bệnh ngày một tăng, song đội ngũ bác sĩ, y tá, nhân viên chăm sóc có số lượng không cân xứng. Và từ đó số lượng bác sĩ, y tá nhiễm bệnh cũng tăng theo từng ngày.

Theo Tổ chức bác sĩ không biên giới (MSF) công bố, trong tuần này đã có thêm 16 nhân viên y tế nhiễm bệnh Ebola và 9 người đã tử vong. Tiến sĩ Sheik Umar Khan, bác sĩ dũng cảm dẫn đầu trong cuộc chiến chống lại Ebola ở Sierra Leone đã nhiễm bệnh. Đội bác sĩ điều trị đến từ Tổ chức Bác sĩ không biên giới và Tổ chức Y tế thế giới đã quyết định không thử nghiệm thuốc ZMapp với Sheik Umar Khan. Vài ngày sau đó, bác sĩ này qua đời.

Hơn 230 bác sĩ, y tá chết vì Ebola trong 4 tháng - 2

Hiện nay, trên khắp thế giới, có khoảng 400 nhân viên y tế bị nhiễm Ebola, và hơn 230 người đã tử vong.

Chăm sóc cho bệnh nhân Ebola khá phức tạp bởi đây là bệnh nguy hiểm và cần giám sát liên tục của đội ngũ nhân viên y tế. Nhưng để làm được như vậy, các bác sĩ và y tá phải có những biện pháp bảo vệ toàn diện đảm bảo để không bị truyền bệnh từ người nhiễm Ebola.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo rằng, Ebola có thể lên đến 10.000 người mỗi tuần ở Tây Phi nếu cộng đồng quốc tế không đẩy mạnh ứng phó với vi-rút chết người này.

Phát biểu tại Geneva, trợ lý Tổng thư ký WHO, Tiến sĩ Bruce Aylward cho biết Ebola tiếp tục mở rộng về địa lý và khu vực biên giới. Tuy nhiên, trong vài tuần qua dịch bệnh đã có dấu hiệu chậm lại.

Hiện tại, đại dịch Ebola đã cướp đi sinh mạng của 4.447 người tại Tây Phi và có 8.914 ca nhiễm. Sierra Leone, Guinea và Liberia là các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Tào Nga (Forbes)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch Ebola