Hơn 600 trẻ thất học: Hai bên cùng căng, cùng... “đứt dây”

Ngày 01/10/2014 23:18 PM (GMT+7)

Tình hình căng thẳng như hiện nay, theo người dân, đều do chính quyền áp đặt việc dồn trường, không lấy ý kiến người dân. Trong khi đó, Phòng GDĐT huyện Hương Khê cho rằng việc này là theo chủ trương đã có của tỉnh, không cần lấy ý kiến người dân. Việc giải quyết chỉ là “để đến khi nào dân tự hiểu r

Hơn 600 trẻ thất học: Hai bên cùng căng, cùng... “đứt dây” - 1

Anh Phan Ngọc Lai (có con học lớp 8) chỉ cho phóng viên cây cầu nơi thường xuyên ngập lụt vào mùa mưa lũ

Quy trình không có khâu lấy ý kiến dân?

“Trường THCS Hương Bình nằm ở vị trí trung tâm, cơ sở vật chất khá đầy đủ với các dãy nhà 2 tầng kiên cố. Lãnh đạo huyện Hương Khê nói có chủ trương sáp nhập từ năm 2011 tại sao cũng trong năm đó lại công nhận trường chuẩn quốc gia cho trường này?

Thật vô lý khi chuyển học sinh xã thường về xã nghèo học”. Đó là câu hỏi mà hàng trăm người dân Hương Bình suốt 3 tháng nay lặn lội “gõ cửa” khắp các cơ quan có thẩm quyền để tìm câu trả lời, nhưng chỉ nhận được giải thích… đã làm đúng theo chủ trương của tỉnh. Vậy chủ trương này sai ở đâu?

Đem những câu hỏi này lên Phòng GDĐT huyện Hương Khê, ông Trần Đình Hùng – Trưởng phòng GDĐT huyện đưa cho PV rất nhiều văn bản liên quan đến việc giải quyết các khúc mắc của người dân Hương Bình trong việc giải thể trường. Ông Hùng cho biết: “Quy mô học sinh trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện Hương Sơn đã giảm đi trông thấy trong nhiều năm qua, và dự báo còn giảm đến năm 2020. Việc quy hoạch lại trường lớp được thực hiện theo Quyết định 2286/QD – UBND ngày 8/8/2012 của tỉnh Hà Tĩnh là hoàn toàn đúng đắn. Chúng tôi đã thực hiện đúng quy trình. Ngày 9/11/2013, trong cuộc họp với Đảng ủy xã, chúng tôi cũng nhận được kiến nghị không giải thể Trường THCS Hương Bình, tuy nhiên chủ trương huyện vẫn quyết định việc giải thể trường là hợp lý. Trong khi Trường THCS Hương Bình chỉ có 8 lớp với 247 học sinh thì các trường Hòa Hải và Phúc Đồng số học sinh đều đạt trên 400 học sinh. Chỉ có thể sáp nhập từ chỗ ít về chỗ nhiều chứ ai lại làm ngược lại” – ông Hùng nói.

Khi hỏi về việc người dân thắc mắc họ không được thông báo và lấy ý kiến công khai về việc giải thể trường, ông Hùng lý giải: “Việc sáp nhập, giải thể trường thuộc thẩm quyền của UBND huyện, trong quy trình không có khâu lấy ý kiến nhân dân mà chỉ thông qua lãnh đạo và chính quyền. Nói người dân không biết việc này là sai, họ biết rất rõ và sớm, đã có kiến nghị đi khắp nơi”.

Giải thích này trái ngược với thông tin người dân cung cấp cho PV NTNN, họ không biết thông tin này qua nguồn chính thống nào cả, mà chỉ nghe ngóng, cho đến ngày 8/7/2014 có quyết định chính thức việc sát nhập trường họ mới… té ngửa.

Sẽ để đến khi nào… dân tự hiểu ra

Thắc mắc về việc nhiều phụ huynh phản ánh con em họ sẽ phải đi học đến 12km, theo Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì những đối tượng này lẽ ra phải được học nội trú và được hỗ trợ đi lại, ông Hùng cho biết: “Phòng GDĐT huyện đã cùng với xã đứng ra trực tiếp đo quãng đường đến 2 điểm trường của 192 học sinh Trường THCS Hương Bình. Quãng đường dài nhất là gần 10km đến điểm Trường THCS Hòa Hải, nhưng cũng em này khoảng cách đến Trường Phúc Đồng chỉ hơn 5km thôi. Rất nhiều trường hợp tương tự như vậy. Phụ huynh và học sinh có quyền lựa chọn trường để học chứ không bị bắt buộc chọn trường xa như dân nói”. Ông Hùng nói là vậy, nhưng khi phóng viên NTNN đi đo thực địa thì quãng đường dài nhất lại là 12km.

Ông Hùng cũng cho biết, đối với những gia đình khó khăn, huyện đã có chủ trương tặng xe đạp, hỗ trợ tiền nhưng… dân không chịu nhận. Tuy nhiên, khi được hỏi về việc dân chỉ lo lắng việc con em họ gặp nguy hiểm trên đường đến trường sao huyện không hỗ trợ xe đưa đón học sinh thì ông Hùng cho rằng: “Làm như thế thì nhún nhường dân quá, dân sẽ được thể mà lấn tới”.

Việc chính quyền và người dân không bên nào chịu… xuống thang đã làm cho hơn 600 học sinh phải gánh chịu hậu quả không được đến trường, ảnh hưởng đến quyền lợi của trẻ em. Ngay khi PV NTNN đặt vấn đề này, ông Hùng vẫn khẳng định: “Chủ trương là đúng, chúng tôi đã làm đúng quy trình. Dân phải biết rằng họ làm thế chỉ thiệt cho con em họ”.

Học sinh xã Hương Bình được dồn về 2 trường THCS Hải Hòa và Phúc Đồng, một trường thì nằm trên vùng trũng “rốn” lũ, một trường thì nằm ngay bên quốc lộ, cơ sở vật chất cũng không bằng Trường THCS Hương Bình. Theo quan sát của PV NTNN, Trường THCS Phúc Đồng còn không có cả hàng rào quây ngăn cách trường với quốc lộ, rất nguy hiểm, Trường THCS Hải Hòa mới được đầu tư xây lại cổng mới, nhưng cả 2 trường này đều thuộc xã nghèo 135.

  Theo ông Đặng Quốc Bảo - Phó Bí thư Đảng ủy xã Hương Bình, việc sáp nhập Trường THCS Hương Bình có chủ trương từ năm 2011 với Nghị quyết số 43 của Hội đồng nhân dân huyện Hương Khê ngày 7/1/2011 và Quyết định số 376 của UBND huyện ngày 25/2/2011. Tuy nhiên, mãi tới tháng 5/2014 mới tổ chức họp dân khiến người dân bất bình bỏ về.

Theo Tùng Anh- Quyết Thắng (Dân Việt)
Nguồn:

Tin liên quan