Hủ tục thiêu sống người rùng rợn

Ngày 04/08/2013 10:44 AM (GMT+7)

Nằm dọc dãy Trường Sơn, bản Cheng thuộc xã Tân Liên cách trung tâm huyện lỵ Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị vài cây số, là nơi cư ngụ của tộc người Pakô - Vân Kiều với những hủ tục thiêu sống rùng rợn tồn tại đến bây giờ.

Bài báo kể về một trong rất nhiều trường hợp đau lòng là hậu quả của những hủ tục dã man. Vụ thiêu sống người gây chấn động dư luận ở vùng đất phía Tây tỉnh Quảng Trị là trường hợp một người đàn ông dân tộc Pakô tên là Hồ Pả Như. Ông rất khỏe mạnh, sáng đi săn bắt thú rừng kiếm thịt, chiều về đốn củi, công việc cứ thế tiếp diễn hằng ngày. Rồi một ngày, bỗng dưng toàn thân ông xuất hiện những dấu hiệu lạ, khắp người nổi mụn nhọt gây mẩn ngứa (thực chất là bệnh phong). Dân bản đồn rằng Hồ Pả Như bị “ma ám”. Cả bản dị nghị, xa lánh, quyết định mang ông ta đi thiêu sống.

Câu chuyện đau lòng ấy thúc giục chúng tôi lên đường.

Man rợ

Vào ngày cuối tháng 7/2013, đường đến các xã miền núi phía Tây tỉnh Quảng Trị - trong đó có xã Tân Liên, huyện Hướng Hóa - lổn nhổn đá sỏi vì đang thi công. Những cơn mưa rừng băm nát con đường ra từng mảnh. Sau gần 2 giờ lội bùn đất bê bết, bản Cheng cũng dần hiện ra trước mắt chúng tôi trong bạt ngàn lau lách, bạt ngàn mây núi quyện sương rừng.

Hủ tục thiêu sống người rùng rợn - 1

Anh Hồ Văn Tường chỉ tay về nơi chôn bố bên dòng suối La La

 Ngôi nhà ở đầu bản đang tề tựu đông người. Lúc chúng tôi đi ngang qua, ngỡ là cán bộ miền xuôi lên, một người đàn ông tỏ ý than phiền: “Mưa gió thế này nương với rẫy cái chi, vào trong đó chỉ toàn muỗi và vắt rừng thôi. Ở nhà cho yên tấm thân”. Khi được hỏi về một người dân tộc Pakô bị thiêu sống có tên là Hồ Pả Như, người này chau mày: “Ở cuối bản, xuống đó mà tìm”. Ông ta nói rồi vội xua khách ra khỏi nhà, không chịu dẫn đường. Nỗi khiếp đảm về căn nhà có người bị “ma ám” khiến họ lảng tránh.

Trong căn nhà sàn cũ kỹ, Hồ Văn Tường (SN 1984), con trai của ông Hồ Pả Như, phải lục thật kỹ cái rương gỗ để tìm kiếm chỗ ghi ngày mất của cha mình. Trên đó ghi ngày mất 22-3 nhưng năm mất thì không đọc nổi vì đã bị gỉ sét. Tường khóc thành tiếng: “Bố em mất đã mấy mùa lúa rẫy rồi. Chết là hết. Bố về bên kia rừng rồi, giờ ở bên đó”.

Theo lời Hồ Văn Tường, lúc còn sống, mỗi khi đi làm nương hay đi săn thú về, cha anh thường dầm mình xuống dòng suối La La chảy vòng qua bản để tắm rửa. Đến ngày nọ, mụn nhọt mọc khắp người ông, chảy nước mủ vàng khè, miệng vết thương cứ lở loét ngày càng rộng.

Vợ và các con ông Như tưởng ông bị lở chỉ vì một loài sâu bọ hay côn trùng nào đó cắn chích nên chỉ lấy nước muối rửa qua loa rồi để ông nằm vậy, dưỡng bệnh mà không tìm cách chữa chạy gì. Nghe tiếng ông Như rên la vì đau nhức, có người xấu bụng đã đi rêu rao khắp bản là nhà ông có người bị “ma quỷ ám”. Lời ra tiếng vào mỗi ngày một nhiều, dân bản vừa sợ hãi vừa kỳ thị, có người còn bảo gia đình ông ăn ở thất đức, phạm tội với thần núi nên bị “con ma rừng” hành.

Hủ tục thiêu sống người rùng rợn - 2

Anh Hồ Văn Pòng và mẹ đau xót kể lại câu chuyện Ảnh: Bùi Tú

Mặc cho dư luận gièm pha, thương bố, con trai cả Hồ Văn Pòng (SN 1982) lặng lẽ đi vay tiền của người thân sống ở các bản khác để đưa bố xuống bệnh viện huyện chữa trị. Hai anh em Pòng và Tường thay nhau cõng bố men theo đường rừng, cứ nhắm bụi bờ mà đi để tránh bị dân bản phát hiện. Nhưng khi ra đến con dốc đầu bản thì một đám thanh niên cùng các già làng bắt lại, đưa về bản “xử” theo luật làng vì tội dám đưa “con ma” ra khỏi nhà để đầu độc dân bản. Nhà người ốm sau đó phải giết một con trâu mộng để tế lễ. Dân bản còn dựng sẵn một cái chòi bên phía rừng, bắt Pòng và Tường đưa về đó. Ba cha con nhà ông Hồ Pả Như dắt díu nhau đi trong cơn mưa rừng, bên dòng nước suối La La đục ngầu gầm xé. Ông Hồ Pả Như khóc, nước mắt hòa lẫn nước mưa ướt đẫm vai các con: “Các con à, bố sống đến giờ là được rồi. Nếu bố sống nữa thì cả nhà ta chỉ còn nước cõng nhau vào rừng sâu để tránh dân bản thôi”.

Căn chòi dựng chênh vênh bên rừng, được chất ngổn ngang củi, gỗ mục, mỗi người trong bản không kể lớn nhỏ đều phải góp 3 thanh củi để chuẩn bị cho lễ hỏa thiêu. Dân bản còn cử người ra tận chợ huyện mua hẳn một can xăng 5 lít phòng khi củi lửa chưa đủ thiêu chết người bệnh.

Khi con gà trống gáy đúng 3 tiếng, dân bản tề tựu đông đủ ở căn chòi, ai nấy mặt mày nghiêm nghị. Củi chất đống, xăng tưới xung quanh, phút chốc ngọn lửa đã bốc lên ngút trời. Tiếng la hét thảm thiết của người xấu số bị thiêu, tiếng khóc ồ ồ của mấy người con gọi cha vang vọng giữa núi rừng. Dân bản ai nấy ba chân bốn cẳng chạy về đóng sập cửa lại để “con ma” không kịp đuổi đến mình. Đến khi trời sáng, khói bụi và tro tàn thiêu người đã nhuộm đen một góc rừng biên ải.

Tương lai mờ mịt

Hồ Văn Tường và Hồ Văn Pòng đều là những thanh niên khỏe mạnh nhưng cuộc đời sớm khốn đốn vì mang tiếng nhà có người bị bệnh phong hủi mà dân bản gọi là “ma ám”. Hai anh đã đến tuổi lấy vợ nhưng gái bản không ai thiết đến, những cô gái từng thương thầm trộm nhớ Pòng cũng xa dần. Người vợ bây giờ của anh khi về làm dâu cũng từng chịu biết bao điều tiếng. Ngày cưới không tiếng cồng, không tiếng chiêng, dân bản chả ai ngó ngàng. Họ tủi thân dắt díu nhau về sống trong ngôi nhà mang danh “ma ám”.

Trò chuyện với chúng tôi, 2 anh em Pòng và Tường nhớ lại ngày bố mình mới mất, người mẹ khóc thảm thiết đến không còn nước mắt, chẳng màng ăn uống rồi tiều tụy dần. Ba mẹ con sống lầm lũi trong sự kỳ thị của cả bản. Người mẹ giờ đây không còn tỉnh táo để trò chuyện, chỉ ngồi buồn co ro một xó bên bếp lửa, chẳng nhúc nhích, ánh mắt vô hồn.

Sau khi bị thiêu 3 ngày, thi thể ông Như vẫn không được chôn cất, chẳng dám lai vãng tới gần. Khi ấy, mục sư Dương Minh Đức (quản giáo của nhà thờ Tin lành Khe Sanh, huyện Hướng Hóa) hay tin đã trực tiếp đến làm hậu sự và chôn cất cho người bị thiêu sống. Anh Hồ Văn Tường tâm sự: “Thương bố lắm chứ, thương đến cháy gan ruột nhưng biết làm răng. Dân bản đã quyết, nếu không làm theo thì chỉ còn nước bỏ đi biệt xứ, nhưng mà biết bỏ đâu…?”.

Đêm ở bản Cheng bập bùng ánh lửa, văng vẳng tiếng ếch nhái như bao trùm tất cả cảm giác u rợn của một vùng đất “chết”, nơi những hủ tục như thiêu người sống vẫn tồn tại, tước đi tính mạng của nhiều người vô tội bất hạnh, hủy hoại tương lai của bao con người vốn dĩ rất hiền lành.

Kỷ vật thiêng liêng duy nhất của người cha xấu số Hồ Pả Như để lại cho các con là chiếc nỏ treo trên gác bếp đã bị bồ hóng và khói bếp nhuộm đen tuyền, 2 anh em xem như đó là bảo vật. Họ cũng chưa biết tương lai của mình sẽ ra sao, con cháu sau này sẽ bị đối xử như thế nào khi đã mang tiếng bị “ma ám”.

Cuộc sống cô độc trong căn nhà vắng teo cứ âm thầm trôi hết ngày này qua tháng khác...Ông Lâm Chí Đức, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Hướng Hóa, nói: “Do dân bản là người thiểu số, trình độ thấp; các yếu tố thần linh, huyền bí còn phổ biến, địa hình bị chia cắt mạnh… cho nên những hủ tục tồn tại, gây nên những chuyện đau lòng. Khi xảy ra sự việc và có tin báo tử, chính quyền địa phương mới biết”…

Theo Hoàng Phúc - Bùi Tú (Người lao động)
Nguồn:

Tin liên quan