Huế, Đà Nẵng căng mình chống bão cấp 12

Ngày 14/10/2013 15:59 PM (GMT+7)

Đêm nay, rạng sáng mai, bão số 11 sẽ đổ bộ vào đất liền các tỉnh Quảng Trị - Quảng Ngãi. Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế …đang căng mình chống bão.

Khi đổ bộ mạnh tới cấp 12

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương cho hay, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 11, ở trạm đảo Lý Sơn đã đo được gió mạnh 19m/s (cấp 8), giật 28m/s (cấp 10).

Lúc 13 giờ ngày 14/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,8 độ Vĩ Bắc; 110,6 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Quảng Trị - Quảng Ngãi khoảng 220km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (tức là từ 134 đến 149 km một giờ), giật cấp 15, cấp 16.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15km. Đến 1 giờ ngày 15/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,1 độ Vĩ Bắc; 108,3 độ Kinh Đông, ngay trên vùng bờ biển các tỉnh Quảng Trị – Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (tức là từ 118 đến 133 km một giờ), giật cấp 13, cấp 14.

12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15 km. Đến 13 giờ ngày 15/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,2 độ Vĩ Bắc; 106,5 độ Kinh Đông, trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10.

Sau đó, bão tiếp tục đi sâu vào đất liền theo hướng Tây và suy yếu thành một áp thấp nhiệt đới rồi tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp.

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển quần đảo Hoàng Sa ngày hôm nay (14/10) còn có gió mạnh cấp 9, cấp 10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12, cấp 13, giật cấp 15, cấp 16. Biển động dữ dội.

Khu vực Nam Vịnh Bắc Bộ, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định (bao gồm cả các đảo Lý Sơn và Cồn Cỏ) có gió mạnh cấp 7, cấp 8, sau tăng lên cấp 10, cấp 11, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 12, cấp 13, giật cấp 15, cấp 16. Biển động dữ dội.

Từ chiều tối nay (14/10) các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 10 – 12, giật cấp 13, cấp 14. Ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi và Bắc Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to đến rất to. Các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao 3 – 4 mét.

Khẩn cấp di dời dân

Biên phòng các tỉnh đã phối hợp với địa phương thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 68.062 phương tiện/292.783 người biết diễn biễn của bão để chủ động di chuyển phòng tránh. Số tàu thuyền và phương tiện chủ yếu thuộc khu vực từ Quảng Bình đến Phú Yên.

2 đoàn công tác chống bão của Trung ương gồm gồm 1 đoàn do Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải làm trưởng đoàn đi thành phố Đà Nẵng; 1 đoàn do Bộ trưởng bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Trưởng ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão trung ương Cao Đức Phát làm trưởng đoàn đi vào tỉnh Thừa Thiên Huế để chỉ đạo trực tiếp các phương án đối phó với bão.

Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cử đoàn công tác do Thứ trưởng - Phó ban thường trực Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão trung ương làm trưởng đoàn vào các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh để kiểm tra công tác đảm bảo an toàn hồ chứa.

Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, sau khi kiểm tra tình hình thực tế, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã yêu cầu tỉnh có phương án đảm bảo an toàn 3 hồ thủy điện là Bình Điền, Hương Điền và A Lưới. Bộ trưởng cũng yêu cầu cơ quan chức năng tỉnh cần lên kế hoạch rõ ràng các khu vực và các hồ có nguy cơ còn lại để lên phương án sẵn sàng sơ tán dân vùng hạ du khi cần thiết. Trước đó, tỉnh Thừa Thiên Huế đã lên kế hoạch sơ tán khoảng 11.000 người ở 3.400 hộ dân ở vùng nguy cơ cao ngập lụt và sạt lở. Bộ trưởng yêu cầu việc sơ tán này phải hoàn thành trước 10h tối nay (14/10). Sở Giáo dục Đào tạo tỉnh cũng đã quyết định cho học sinh nghỉ học trong chiều 14/10 và cả ngày 15/10 để đảm bảo an toàn.

Huế, Đà Nẵng căng mình chống bão cấp 12 - 1

Lực lượng của Hải đội 2- Bộ đội Biên phòng tỉnh giúp người dân đưa tàu thuyền đến nơi tránh bão. (Ảnh Dân Việt)

Tại Đà Nẵng, địa phương được dự báo sẽ ôm trọn tâm bão với sức gió lên tới cấp 12, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố, ông Trần Hữu Chiến cũng đã yêu cầu dừng những cuộc họp ít quan trọng để tập trung chống bão. Học sinh được cho nghỉ học từ chiều nay (14/10) và sẽ học bù vào thời gian khác, các trường đại học, trung học chuyên nghiệp được đề nghị xem xét cho sinh viên nghỉ học tùy tình huống để đảm bảo an toàn.

Chính quyền địa phương, các quận, huyện tổ chức di dời nhân dân ở những vùng nguy hiểm không đảm bảo an toàn, việc di dời phải hoàn thành trước 17h chiều nay. 2 xe tăng thiết giáp của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh cũng trong tình huống sẵn sàng phục vụ chống bão, cứu nạn khi có yêu cầu của Ủy ban nhân dân thành phố.

Đặc biệt, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão trung ương và Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đã quyết định thành lập Sở chỉ huy tiền phương đóng tại trụ sở Uỷ ban nhân dân Thành phố Đà Nẵng để kịp thời công tác ứng phó với cơn bão số 8 tại các tỉnh miền Trung nơi tâm bão sẽ quét qua. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trực tiếp chỉ đạo Sở chỉ huy.

Thu Hoài
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan