Kéo nhau tự tử

Ngày 09/11/2014 09:20 AM (GMT+7)

Các huyện miền núi Phú Yên gần đây liên tục xảy ra những vụ tự tử. Nhiều cái chết đến giờ vẫn không rõ nguyên do.

Mới đây, thôn Suối Cối 2, xã Xuân Quang 1, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên đã tổ chức cúng “tống quái, cầu bình an” sau khi chỉ hơn 10 ngày mà có đến 3 người trong thôn uống thuốc độc tự tử, gồm: La Lan Thị Dơn (52 tuổi), La Lan Lăm (17 tuổi) và La Lan Thị Tưởng (35 tuổi).

Kéo nhau tự tử - 1

Bà La Lan Thị Dơn tìm đến cái chết bất thường gây lo lắng cho gia đình và hàng xóm

Theo chị La Mai Thị Bủm, con dâu ở chung nhà với vợ chồng bà Dơn, bà hoàn toàn bình thường, tỉnh táo, không có vẻ gì buồn bực, cũng không hề xích mích với ai. “Trong đêm xảy ra sự việc, mẹ còn đùa giỡn với con tôi rất lâu mới đi ngủ. Vậy mà rạng sáng hôm sau, cha xuống nhà dưới thì phát hiện mẹ đã uống thuốc chết” - chị Bủm kể.

Hai ngày sau khi bà Dơn chết, La Lan Lăm ở cách đó không xa cũng uống thuốc diệt cỏ tự tử. Ở cái tuổi “bẻ gãy sừng trâu” của Lăm, thần chết không dễ cướp đi sinh mạng cô. Thế nhưng, Lăm chỉ có thể vật vã chống chọi ở các bệnh viện đến ngày thứ 9 rồi chịu thua.

Ngay trong ngày đưa tang Lăm, người dân Suối Cối 2 lại nhận tin dữ: Chị La Lan Thị Tưởng cũng vừa tìm đến cái chết bằng thuốc độc. Chị Tưởng mất chồng, chỉ có một con đang học lớp 6. Con học ở lại trường, mẹ chết, căn nhà nhỏ bỏ hoang, ai đi qua cũng cảm thấy lành lạnh. “Chị Tưởng được tiếng là vui tính, yêu thương con và gần gũi láng giềng, không mâu thuẫn với ai, không hiểu sao lại tự tử” - Bí thư Chi đoàn thôn Suối Cối 2 La Mo Rít lo ngại.

Theo anh La Mo Rít, chỉ tính từ đầu năm đến nay, ở cái thôn 333 nóc nhà này đã có đến 9 người chết do tự tử. Đó là chưa kể 3 người khác may mắn được cứu sống. “Hầu hết đều tự tử bằng thuốc diệt cỏ. Bà con cứ liên tiếp tự tử thế này, mình rất lo” - La Mo Rít tâm sự.

Bà La Lan Thị Hòa (53 tuổi) là 1 trong 3 người tự vẫn may mắn được cứu sống. “Hôm ấy, chồng tui uống rượu về rồi nói lảm nhảm. Tui bảo im nhưng ông ấy vẫn nói. Chỉ vậy thôi mà không hiểu sao tui lại ra nhà sau lấy thuốc diệt cỏ uống. Giờ nghĩ lại tui thấy sợ quá…” - bà Hòa thổ lộ.

Ông La Đoàn Năm, Trưởng thôn Suối Cối 2, cho biết người Chăm H’Roi (chiếm hầu hết hộ dân ở đây) từ xưa đã quan niệm về lời nguyền thế chỗ đối với người chết vì tự tử. Ông giải thích: “Theo lời nguyền này, muốn được siêu thoát, linh hồn người tự tử phải lôi kéo một người khác thế chỗ. Để giải lời nguyền đó, làng phải chôn cất riêng người tự tử và phải cúng một con heo để thần linh tống khứ linh hồn người ấy đi. Việc người dân Suối Cối 2 tự tử chỉ mới xảy ra gần 1 năm nay. Đầu tiên là một người từ Đắk Lắk về thăm bà con trong dịp Tết rồi xích mích nên tự tử”.

Vị trưởng thôn thừa nhận việc cúng kiếng là không phù hợp, chỉ xuất phát từ lo lắng của người dân nên thôn chỉ họp dân và các hộ thống nhất đóng góp chứ không xin phép chính quyền xã. Theo ông Đặng Chí Hậu, Chủ tịch UBND xã Xuân Quang 1, xã đã cử cán bộ đến từng nhà dân tìm hiểu, tuyên truyền để ngăn chặn những cái chết đáng tiếc như vừa qua.

Trao đổi với chúng tôi về hiện tượng này, ông Võ Cao Phi, Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, cho biết các phòng, ban liên quan đang tìm hiểu cụ thể xem người dân đang thiếu thốn hay bức xúc điều gì dẫn đến tự tử để có hướng vận động, giúp đỡ. “Các xã, các huyện miền núi khác của Phú Yên như Sông Hinh, Sơn Hòa cũng xảy ra những trường hợp tương tự. Nó ảnh hưởng như hiệu ứng domino, không biết là vì đâu” - ông Phi băn khoăn.

Ông Phi cho rằng có sự đồn thổi về một lời nguyền nào đó trong đồng bào dân tộc thiểu số. Do đó, lúc này cần phát huy uy tín của những già làng nhằm đánh tan nỗi lo sợ và vận động người dân không tìm đến cái chết vô nghĩa. Trong khi đó, ông Hồ Văn Tiến, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên, cũng cho biết sẽ cử cán bộ bám trụ cùng địa phương để vận động, ngăn chặn thực trạng này. 

Theo Hồng Ánh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan