Khi nào nên cho trẻ nhập viện vì rét đậm, rét hại?

Ngày 17/12/2015 00:09 AM (GMT+7)

Các bậc phụ huynh nên cho trẻ nhập viện khi trẻ sốt liên tục trên 39 độ, khó thở, co giật hoặc thở rút lõm ngực…. Các trường hợp ở thể nhẹ nên nhờ sự tư vấn của bác sĩ và theo dõi ở nhà.

Gia tăng trẻ nhập viện do thời tiết

Theo dự báo của Trung tâm khí tượng Thủy văn Trung ương, trong những ngày qua, không khí lạnh ảnh hưởng đến hầu hết các tỉnh miền Bắc và Trung Trung Bộ, đặc biệt ở một số tỉnh miền Bắc nhiệt độ xuống thấp gây rét đậm ở vùng đồng bằng và rét hại ở các tỉnh miền núi.

Với điều kiện thời tiết khắc nghiệt như vậy, các bác sĩ nhận định nguy cơ người già và trẻ nhỏ nhập viện là rất lớn. Đặc biệt là trẻ nhỏ với các bệnh liên quan đến đường hô hấp, tiêu hóa và kể cả đối với một số trường hợp mãn tính.

Khi nào nên cho trẻ nhập viện vì rét đậm, rét hại? - 1

Gia tăng số trẻ nhập viện trong những ngày rét đậm rét hại.

Theo ghi nhận của phóng viên tại khoa Khám bệnh Bệnh viện Nhi Trung ương, khoa Nhi bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Tai – Mũi – Họng Trung ương, lượng trẻ em đến khám bệnh trong những ngày này gia tăng “đột biến”.

Theo đó, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, dù mới chỉ 10 giờ sáng (ngày 16/12) nhưng có phòng đã khám cho 70 lượt trẻ, còn trung bình các phòng khám là 50 trẻ. Trong khi đó với những ngày bình thường, số lượng trẻ đến khám vào cùng thời điểm chỉ khoảng 30 trẻ/phòng khám.

Khi nào nên cho trẻ nhập viện vì rét đậm, rét hại? - 2

Dù chưa hết giờ làm việc buổi sáng, có phòng khám đã tiếp nhận 70 bệnh nhi.

Còn tại Bệnh viện Tai – Mũi – Họng Trung ương, số lượng trẻ đến khám tại khoa khám bệnh theo yêu cầu cũng gia tăng đáng kể. Đa số các phụ huynh khi được hỏi đều cho rằng, các trẻ đến bệnh viện này khám đều đã ở thể nặng và có nhu cầu khám chuyên khoa nên không đến bệnh viện nhi hoặc các bệnh viện đa khoa khác.

Theo các bác sĩ BV Nhi Trung ương, do nắm bắt trước được tình hình trẻ nhập viện sẽ gia tăng trong điều kiện thời tiết lạnh giá, nên phòng khám đã tăng cường số lượng bác sĩ, cũng như những tình nguyện viên hướng dẫn nhằm đáp ứng được nhu cầu của người bệnh, đồng thời, đảm bảo về mặt chuyên môn khi khám bệnh cho trẻ.

Khi nào nên cho trẻ nhập viện vì rét đậm, rét hại? - 3

Người dân các tỉnh đưa con về khám bệnh động, nên khi vực khám bảo hiểm cũng phải xếp hàng trong những ngày rét đậm, rét hại này.

Nặng, nhẹ cứ vào viện cho chắc

Đó là tâm sự của không ít ông bố, bà mẹ khi đưa con đến bệnh viện khám bệnh trong những ngày này. Vẫn biết rằng, con mắc bệnh bố mẹ sẽ rất lo lắng và đưa trẻ đi khám là nhu cầu chính đáng. Tuy nhiên, các bác sĩ cũng khuyến cáo, không phải trường hợp nào cũng đưa con vào viện để tránh bị lây nhiễm chéo.

Theo đó, tại Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, từ sáng sớm tinh mơ, chị Hồng và anh Thắng đã bắt taxi từ Ba Vì xuống để đưa con đi khám. Theo chia sẻ của anh Thắng, cháu bé mới hơn 1 tháng tuổi, tự dưng thấy nước trong tai rỉ ra, có màu trắng như mủ, quá lo lắng nên vợ chồng anh chị vội vàng đưa con xuống bệnh viện Trung ương để thăm khám.

Khi nào nên cho trẻ nhập viện vì rét đậm, rét hại? - 4

Khu vực chờ đợi kết quả xét nghiệm và siêu âm cũng rất đông bệnh nhân.

“Tôi phải đăng ký khám dịch vụ và chọn bác sĩ tốt nhất, nhưng khám xong bác sĩ cho biết cháu bị trầy xước ngoài cửa lỗ tai nên có rỉ nước ra, phía trong không ảnh hưởng gì, đồng thời bác sĩ kê cho thuốc về bôi vết thương chứ không có đơn gì”, anh Thắng nói.

Đồng thời anh Thắng cũng thừa nhận, chỉ vì quá lo lắng, không xem xét kỹ làm khổ cả con, vì ngoài việc phải cho con đi gần 100km trong thời tiết lạnh giá, gia đình còn phải mất tiền triệu để thuê xe đi lại.

Cũng giống như anh Thắng, chị Mai Anh ở Hoàng Mai (Hà Nội), chỉ vì quá lo lắng nên đưa con đến khám tại BV Nhi Trung ương rồi lại đưa về vì sau khi khám, các bác sĩ cho biết cháu đã khỏi bệnh.

Khi nào nên cho trẻ nhập viện vì rét đậm, rét hại? - 5

Bố mẹ xếp hàng, còn em nhỏ này ngủ tạm một giấc vì mệt mỏi.

Theo đó, cách đây 3 ngày cháu Bon (con chị Mai Anh) có hiện tượng sốt (hơn 38 độ), chị đã dùng thuốc hạ sốt cho con uống, sau 3 ngày con chị đã hạ sốt xuống còn 37,2 độ. Tuy nhiên, sáng 16/12 sau khi ngủ dậy thấy con phát ban, nổi nốt nhưng nhiệt độ vẫn giữ ở 37,2 độ.

Lo lắng con bị sởi hoặc sốt xuất huyết nên vội vàng đưa con đến khám. Tuy nhiên các bác sĩ cho biết, đây là hiện tượng sốt phát ban, sau khi sốt trẻ sẽ có những ban nhỏ nổi lên, lúc đó cần theo dõi không nên đưa con ra ngoài, chỉ 1-2 ngày là sẽ khỏi.

Khi nào nên cho trẻ nhập viện vì rét đậm, rét hại? - 6

Quầy thuốc trong những ngày này cũng hoạt động hết công xuất.

Trường hợp của anh Thắng, chị Mai Anh không phải là hiếm mỗi khi thời tiết đổi mùa. Theo các bác sĩ, trong khi thời tiết thay đổi (quá nóng mùa hè, quá lạnh mùa đông) các bậc phụ huynh cần theo dõi các triệu chứng của trẻ, đối với thể nhẹ có thể không cần đến viện.

Chỉ đưa trẻ đến viện khi có các triệu chứng như, trẻ bú kém hoặc bỏ ăn, bỏ bú; trẻ sốt cao liên tục 39 độ C không hạ sau khi đã cho trẻ hạ sốt tích cực; trẻ sốt cao và bị co giật, lừ đừ hoặc hôn mê; trẻ thở khác ngày thường: thở nhanh, thở mệt, thở co lõm ngực hoặc tím tái.

Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bệnh mùa rét