Kinh hoàng công nghệ dùng pin luộc bắp

Ngày 19/01/2013 08:41 AM (GMT+7)

Điều đặc biệt, chúng tôi còn được nghe chính những người từng luộc bắp đi bán cho biết, “người luộc bắp là để đi bán, còn muốn ăn thì phải luộc riêng, không bỏ hóa chất vào”.

Qua chuyến thực tế tại các lò nấu bắp trên địa bàn TP.HCM, khiến chúng tôi không khỏi bàng hoàng khi nghe chính những người nấu bắp đi bán tường thuật lại những “chiến thuật” nấu. Để nấu bắp nhanh chín, thơm ngon, ngọt và có thể để lâu mà không bị ôi thiu không khó, chỉ cần dùng…hóa chất rồi cho một cục pin vào nối bắp đang xôi thì chỉ cần không đến 2 giờ đồng hồ, nồi bắp 200 trái sẽ chín.
 
Muốn có lãi thì phải dùng… hóa chất

Để làm sáng tỏ sự việc, chúng tôi đến chợ ngã ba Bầu (ở ấp Đông, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, TPHCM) để tìm hiểu sự việc. Tại đây, có hàng chục chiếc xe ô tô chở bắp sống mua tại rẫy về bán lại. Rất nhiều chủ lò nấu bắp bán dạo về đây lấy bắp về nấu lên rồi đi bán ở khắp thành phố. Mỗi quả bắp được bán với giá từ 1.400 đến 3.000 đồng/bắp, tùy từng loại và tùy vào chất lượng bắp ngon hay không.

Chúng tôi được tiếp xúc với bà Tám, người vừa nấu bắp bán, vừa bán bắp sống. Bà Tám cho biết, chợ ngã ba Bầu là nơi cung cấp bắp sống cho toàn thành phố. Hàng ngày, xe ô tô cứ thế chở bắp về bán, còn những người nấu bắp thì về đây lấy. Cứ như thế, chợ bắp lúc nào cũng tấp nập người ra vào. Nhìn chúng tôi, bà Tám hỏi “tụi bay xuống đây mua bắp về nấu bán lại hay sao? Đừng có dùng mấy thứ hóa chất mà nấu rồi có ngày bị công an “hỏi thăm” đấy”. Nói rồi bà Tám đem ánh mắt đầy ẩn ý nhìn chúng tôi.

Kinh hoàng công nghệ dùng pin luộc bắp - 1

Bắp luộc bán dạo ở TP. HCM.

Bà Tám kể lại, vừa rồi có một số chủ lò dùng hóa chất nấu bắp đi bán nên đã bị công an bắt, đến nay họ không hoạt động lại được nữa. Nhưng khi nghe chúng tôi trình bày là sinh viên nên đến mua bắp về nấu bán, khiếm thêm thu nhập, đóng học phí. Lúc đó, bà Tám mới nhìn chúng tôi với một ánh mắt thiện cảm hơn. Bà Tám thân mật chỉ cho chúng tôi cách nấu bắp “tụi bay nấu bắp bán cho sinh viên thì chịu khó nấu không sử dụng hóa chất ấy. Nấu như thế, mất nhiều công sức và thời gian nhưng mình cần phải có “lương tâm” của người làm nghề. Còn nếu, tụi bay không có lương tâm nghề nghiệp thì chỉ có việc dùng hóa chất và dùng pin để nấu, bắp chín rất nhanh”. Chúng tôi hỏi, luộc bắp bằng pin thì làm sao? Bà Tám cho biết, để bắp nhanh chín, khi luộc, người ta cho một hai cục pin vào nấu chung thì bắp chín rất nhanh. Nhưng người luộc phải canh chừng, nếu không để quá lửa bắp sẽ bị nhão. Luộc như thế, đi bán thì mới có…lãi. Bởi khi lấy bắp tại chợ đầu mối về, giá bắp đã có giá từ 1.400 đến 3.000 đồng/bắp, ngoài ra khi lấy bắp ở chợ, bắp không còn tươi, bắp dể lâu ngày, hạt đã khô cứng lại nên luộc bằng củi thông thường sẽ rất lâu và rất tốn nhiên liệu mà khi bán giá chỉ từ 2.500 đồng đến 5.000 đồng/ bắp.

Gặp một phụ nữ bán bắp trên đường, chúng tôi mang chuyện luộc bắp ra trao đổi thì người phụ nữ kể lại quy trình luộc bắp gia truyền của mình. Người phụ nữ này cho biết, “tôi làm việc có lương tâm nghề nghiệp lắm. Hằng ngày tôi cứ thế lấy bắp ở chợ đầu mối về mang luộc và bán. Mỗi một nồi như thế, tôi nấu khoảng 100-200 bắp”. Nhưng khi chúng tôi theo chấn chị này đến hẻm 249, đường Tân Kỳ Tân Quý, Q.Tân Phú thì sự việc hoàn toàn khác. Trước mắt chúng tôi là khu nhà trọ tồi tán, hàng trăm chiếc xe bán bắp đề bảng giá bắp 5.000 đồng/2 trái; 10.000đồng/3 trái, hay bắp thơm ngon, giá bán rẻ.

Khi phát hiện người lạ đến, rất đông người đàn ông trong xóm trọ này ra “đón tiếp chúng tôi bằng những lời lẽ khiếm nhã. Một người đàn ông chừng 50 tuổi lớn tiếng de dạo “tụi bay đến đây làm gì. Tụi bay có quyền gì đến đây phá hoại công việc của tụi tao. Bọn tạo là những người nghèo thì hay để cho bọn tao kiếm chút gì sống với chứ…”. Rồi không biết bao những lời khó nghe mà người đàn ông ấy dành cho chúng tôi

Không dám ăn bắp mình luộc

Kinh hoàng công nghệ dùng pin luộc bắp - 2
Một lò luộc bắp bằng hoá chất.

Tiếp tục tìm hiểu vấn đề, chúng tôi đến với những lò nấu bắp trên đường Quang Trung, Q.Gò Vấp. Tại đây, chúng tôi được bà Ba Ỏn – người có thâm niên 14 năm nấu bắp đi bán nhưng đã bỏ nghề, chuyển sang nghề nấu phở cho biết, hiện nay đa số những người luộc bắp đi bán đều luộc bắp bằng hóa chất. Nhẫn tâm hơn, một số chủ lo còn sử dụng pin để nấu cho bắp nhanh chín. Công thức nấu là 200 quả bắp, người ta cho khoảng một ít hương bắp, 2-3 muỗng muối diêm và 2,3 muỗng đường ngọt, cộng một cục pin. Cứ như thế, sau khi ra lò, nhìn quả bắp rất tươi, thơm ngon và ngọt, nhưng người ăn rất khó để phát hiện. Nếu muốn bắp lâu ôi thiu, bỏ ngày này qua ngày khác thì chỉ cần cho chất bảo quản vào thì bắp ngày hôm nay bán không hết, mang về luộc lại vẫn…thơm ngon.

Khi thấy chúng tôi cầm quả bắp mới mua trên tay, bà Ba Ỏn hỏi “mua với giá bao nhiêu”. Nghe chúng tôi nói 10.000/5 trái, bà Ba Ỏn nhíu mày rồi lẳng lặng. Mặc dù chúng tôi mời bà ăn rất nhiệt tình nhưng bà Ba Ỏn cũng chỉ cầm quả bắp trên tay lảy một hạt cho vào miệng rồi lập tức nhả ra. Bà Ba Ỏn khẳng định, trái bắp chúng tôi mua đã ngấm hóa chất, vì có vị ngọt rất lạ và cùi rất mềm, nhất là mùi thơm của quả bắp đã không còn nữa.

Nghe lời bà Ba Ỏn, chúng tôi tìm đến lò nấu bắp của bà N nằm trên đường Quang Trung. Thấy chúng tôi đến, bà N ngần ngại tiếp đón và làm những công việc của mình không được tự nhiên. Chúng tôi hỏi gì liên quan đến việc luộc bắp, bà N chỉ ậm ừ trả lời, hay chỉ trả lời qua loa cho có lệ. Khi chúng tôi có nhã ý lấy lại hàng của bà về bán lại, bà N đưa mắt lên nhìn chúng tôi một lúc rồi cúi xuống cười cười. Bà N nói “ở đây tôi bán bắp tại lò đã có giá 5.000 đồng/bắp, các cô lấy về bán thì lời được bao nhiêu. Và lại, tôi luộc rồi tự mình đi bán chứ không bỏ mối”.

Bà N cho biết, mỗi một ngày bán được khoảng 200 bắp và ở các chợ Bà Chiểu, Hạnh Thông Tây… Chúng tôi hỏi, sao không bán ở gần nhà cho khỏe thì nhận được câu trả lời của bà N “bán ở gần nhà không bán được, bán ở nơi xa hàng mới nhanh hết”. Dù đang sắp bắp cho vào nồi luộc nhưng trước mặt chúng tôi, bà N chỉ cho nước và một ít muối vào nấu rồi loanh quanh tìm vật gì đó. Biết ý chúng tôi quay ra ngoài thì nhanh như cắt, bà N cho thứ gì đó vào nồi bắp đang sôi. Và khi bắp gặp sự để ý của chúng tôi, nhanh như cắt bà N cắt đi và khéo léo trò chuyện cùng chúng tôi.

Dù đang nói chuyện vui vẻ nhưng bà N lấy chuyện chuẩn bị đến giờ đi bán bắp để cáo lỗi với khách. Ra đến cổng, chúng tôi bắt gặp ánh mắt soi mói của những người xung quanh. Thắc mắc chúng tôi đến bắt chuyện chị được họ hỏi “vào mua bắp về bán lại à!”. Chúng tôi bảo muốn mua về bán nhưng không được, những người ở đây cho biết “chẳng biết bà ấy nấu thế nào mà những người hàng xóm không ai dám mua về ăn. Khi nào thèm bắp, chúng tôi chỉ biết ra chợ mua bắp sống về luộc lên và thưởng thức”.

Hóa chất trôi nổi

Từ những lời thuật lại của những người nấu bắp, chúng tôi có mặt tại chợ Kim Biên để tìm hiểu xuất xứ, nguồn gốc của những hóa chất mà người dân dùng để nấu bắp. Tại đây, có vô vàn các loại hóa chất. Hỏi mua loại nào cũng có. Chúng tôi muốn mua hoa chất nấu bắp nhưng hình như nắm bắt được ý định của chúng tôi, những người bán ở đây rất e dè và không muốn hợp tác.

Chúng tôi hỏi mua loại hóa chất dùng để nấu bắp nhanh mềm, lâu ôi thiu, người bán hàng tại cửa hàng K.D chỉ vào gói bột màu trắng, được xay nhuyễn, không nhãn mác, không nói sản xuất và hạn sử dụng. Hóa chất này được bán với giá 100.000 đồng/kg.

Chị bán hàng chỉ cho chúng tôi, chỉ cần mua loại bột này về, cho vào nồi bắp 200 trái khoảng 2 muỗng cà phê thì bắp sẽ chín rất nhanh mà để lâu sẽ không bị ôi thiu. Nếu bán hôm nay không hết, để hôm sau hấp lại trông quả bắp vẫn tươi ngon như thường. Khi chúng tôi hỏi loại bột này có tên là gì, lưỡng lự một lúc chị bán hàng mới trả lời là…muối diêm.

Khi hỏi mua loại đường dùng cho việc nấu bắp, chị chủ quán cho biết, đó là loại đường ngọt so với đường bình thường rất nhiều, có giá từ 80.000 đến 90.000/kg. Khi luộc bắp, chỉ cần cho vào vào khoảng 3 muỗng/200 quả bắp thì bắp sẽ rất ngọt. Loại đường này cũng không có nhãn mác, chỉ biết rằng nó xuất xứ từ Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Theo Dương Bình (Gia đình và Xã hội)
Nguồn:

Tin bài cùng chủ đề Kinh hoàng thực phẩm bẩn