Kinh nghiệm vàng khi xin việc để được nhận ngay lần nộp đơn đầu tiên

Ngày 12/09/2016 14:53 PM (GMT+7)

"Các bạn sinh viên tư duy 'xin việc' cũng cần được loại bỏ. Ở đây không có xin-cho, mà bạn đang ứng tuyển vào một vị trí công việc trong thị trường lao động, và thị trường lao động là trao đổi, tôi trả lương, bạn làm việc”, bà Phan Anh, Giám đốc nhân sự của Công ty cổ phần Iway chia sẻ.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, quý 2 năm 2016 cả nước có 1,088 triệu người lao động trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp, tăng 16.400 người so với quý 1 năm 2016. Đáng chú ý, trong số những người bị thất nghiệp có tới 418.200 người có chuyên môn kỹ thuật, có trình độ đại học, cao đẳng trở lên.

Tại sao mỗi năm có hàng nghìn sinh viên có trình độ ra trường lại thất nghiệp? Tại sao thị trường lao động dồi dào nhưng nhiều nhà tuyển dụng lại khó tìm được nhân lực phù hợp hay tại sao mỗi sinh viên có khoảng 2-4 năm ngồi trên ghế giảng đường nhưng lại lúng túng khi đi xin việc?... 

Rất nhiều câu hỏi đặt ra khiến gia đình, nhà trường và xã hội phải nghiêm túc nhìn nhận lại vấn đề về thị trường lao động. Báo điện tử Khám phá xin đăng tải loạt bài viết về tình trạng thất nghiệp dưới góc nhìn của chính sinh viên, gia đình, nhà trường, nhà tuyển dụng và chuyên gia. 

Bài 1: Bố mẹ vay ngân hàng cho học đại học, ra trường đi làm công nhân 

Bài 2: Sinh viên ra trường tìm mọi cách nhưng vẫn thất nghiệp

Bài 3: Nhân lực Việt Nam lãng phí vì 'thừa thì thừa, thiếu vẫn thiếu'

Bài 4: Kinh nghiệm vàng khi xin việc để được nhận ngay lần nộp đơn đầu tiên

Chuẩn bị sẵn tâm lý

Đánh giá về tân cử nhân hiện nay, Bà Chu Thị Phan Anh, Giám đốc nhân sự của Công ty cổ phần Iway chia sẻ, phần lớn sinh viên ra trường nhưng lại chưa chuẩn bị tâm thế đi làm. Các bạn có nhiều thói quen khó bỏ như làm việc thiếu tập trung, chưa dứt với những cuộc vui còn dang dở, không tuân thủ giờ giấc...

Vì vậy, các bạn sinh viên cần tìm hiểu thông tin tuyển dụng và đánh giá khả năng bản thân dựa vào việc trả lời các câu hỏi: Nhà tuyển dụng cần gì? Kênh truyền thông là gì? Bản thân mình có gì?.

Một điều quan trọng nữa là tự đặt mình vào vị trí nhà tuyển dụng xem bản thân đáp ứng được những gì. Bà Phan Anh cũng nhắc nhở các bạn sinh viên tư duy “xin việc“ cũng cần được loại bỏ: “Ở đây không có xin-cho, mà bạn đang ứng tuyển vào một vị trí công việc trong thị trường lao động, và thị trường lao động là trao đổi, tôi trả lương, bạn làm việc”, bà Phan Anh nói.

Kinh nghiệm vàng khi xin việc để được nhận ngay lần nộp đơn đầu tiên - 1

Cần loại bỏ tư duy xin-cho khi xin việc. (Ảnh minh họa)

Theo anh Ngô Hoàng Minh, cán bộ Đào tạo Ứng dụng CNTT trong kỹ năng tìm kiếm việc làm của dự án YTIC, công việc hiện nay rất nhiều, các nhà tuyển dụng cũng rất cần người, nhưng chỉ tuyển những người phù hợp với yêu cầu và mong muốn của tổ chức.

Có 2 vấn đề mà các bạn cần hiểu rõ để xin được việc:

Thứ nhất là xác định được lợi thế cạnh tranh của mình. Hầu hết các bạn sinh viên bây giờ luôn khép nép nói: “Em còn yếu lắm, em mong được giúp đỡ.” Có bạn ra trường 10 năm rồi mà “vẫn còn yếu lắm”. Ai cũng có điểm mạnh, điểm yếu, nhưng thay vì tự ti với điểm yếu của mình, các bạn nên dành thời gian để phát triển điểm mạnh, khả năng, kỹ năng dựa trên kiến thức nền tảng và hiểu biết cá nhân.

Một tổ chức nào đấy sẽ phù hợp và cần những kỹ năng, điểm mạnh đấy của bạn. Đặc biệt là các bạn sinh viên mới ra trường, các bạn có thể không có kinh nghiệm, nhưng các bạn phải hiểu rõ khả năng và điểm mạnh của mình, trau dồi nó dựa vào công việc, học tập và ứng dụng công nghệ để phát triển khả năng bằng cách tham gia diễn đàn chuyên ngành, hội nhóm, đọc nhiều, tương tác nhiều để tăng cường hiểu biết.

Thứ 2 là bạn phải đặt mình vào góc độ từ nhà tuyển dụng. Khi bạn đặt mình vào vai trò nhà tuyển dụng thì bạn sẽ cần gì ở nhân viên mình, không chỉ là năng lực, sự chăm chỉ, khả năng làm việc độc lập mà còn là khả năng làm việc theo nhóm, phối hợp, đóng góp cho tổ chức. Việc tham gia các hội nhóm, diễn đàn chuyên ngành hoặc theo sở thích cũng hỗ trợ bạn rèn luyện những khả năng này.

Kinh nghiệm vàng khi xin việc để được nhận ngay lần nộp đơn đầu tiên - 2

Biết cách làm đẹp CV

Cùng với việc chuẩn bị tốt các kiến thức, kỹ năng cho công việc, CV là “bộ mặt” của ứng viên với nhà tuyển dụng.

Sinh viên mới ra trường, nhất là các ngành xã hội, thường muốn trình bày rất nhiều những thành tích, kết quả mình đạt được trong CV, tuy nhiên, nhà tuyển dụng không có nhiều thời gian để đọc. 

Vì thế, thay vì kể lể dài dòng, khi viết CV, ứng viên chỉ cần tập trung vào những kỹ năng, những hoạt động liên quan đến vị trí công việc dự tuyển.

“Để lọt qua cửa hồ sơ, nhiều ứng viên nêu cả những kỹ năng mà mình không có, thổi phồng thành tích bản thân. Đây là điều hết sức sai lầm, vì ngày nay, với internet, nhà tuyển dụng không khó để check thông tin, chưa kể hồ sơ đó được lưu giữ nên bất cứ khi nào bạn cũng có thể bị lộ. Vì thế, tuyệt đối không nên cố gian dối để làm đẹp hồ sơ”.

Không chỉ đối với viết CV, trong đối thoại khi phỏng vấn, các nhà tuyển dụng cũng lưu ý các ứng viên không nên kể lể, trình bày hay dẫn dắt dài dòng mà nên đi thẳng vào vấn đề muốn đề cập, trả lời thẳng vào nội dung nhà tuyển dụng muốn hỏi.

Một số tips trong việc ứng dụng CNTT trong tìm kiếm việc làm

1/ Xây dựng 1 CV tốt bằng cách thể hiện được năng lực, kinh nghiệm, khả năng, kỹ năng, quá trình học vấn của mình qua CV và upload CV lên những trang tuyển dụng lớn tại Việt Nam. Hoặc vào trực tiếp website của các cơ quan có thông tin tuyển dụng, xem xét kỹ thông tin tuyển dụng để có thể xây dựng CV phù hợp cho từng công việc và ứng tuyển.

2/ Chủ động tìm việc bằng cách vào website của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, đặc biệt là tổ chức mình muốn làm để tìm kiếm cơ hội.

3/ Đặt tên địa chỉ email chuyên nghiệp và nghiêm túc. Thường bắt đầu bằng tên và chữ viết tắt của họ và tên đệm. Ví dụ Dungtth@ gmail.com thay vì ngoisaocodon hay cobebuongbinh…

4/ Xây dựng hình ảnh thông qua trang mạng xã hội cá nhân một cách chuyên nghiệp và lành mạnh, thể hiện thái độ tích cực với cuộc sống và công việc.

Nếu có thể thể hiện được kết quả, kinh nghiệm thực tập, sự tham gia và vai trò của mình trong mỗi vị trí, khả năng học hỏi, sự thích nghi với thay đổi, vượt qua khó khăn, khả năng làm việc độc lập, theo nhóm và sự hỗ trợ đồng nghiệp trong CV hoặc trang mạng xã hội là tốt nhất. Chắc chắn nhà tuyển dụng sẽ có đầy đủ thông tin về bạn và hiểu xem bạn có phù hợp với vị trí không.

Theo Tào Nga
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h