Kỳ thi ‘2 trong 1’ và cuộc ‘giải cứu’ thành công môn lịch sử

Ngày 02/01/2016 10:35 AM (GMT+7)

Đây là hai trong số nhiều sự kiện đáng chú ý của ngành giáo dục trong năm qua, một năm được nhắc đến với hàng loạt những đổi mới, những sự kiện lớn của ngành giáo dục và đào tạo.

1. Kỳ thi THPT quốc gia đầu tiên

Kỳ thi ‘2 trong 1’ và cuộc ‘giải cứu’ thành công môn lịch sử - 1

Khâu xét tuyển nguyện vọng 1 đã trở thành “cơn ác mộng”  của phụ huynh và học sinh khi việc cho phép nộp - rút hồ sơ trong đợt xét tuyển ĐH đầu tiên. Ảnh: Phong Điền

Đây là năm đầu tiên, Bộ GD&ĐT bỏ hình thức “ba chung” được duy trì liên tục trong 13 năm mà thực hiện kỳ thi THPT quốc gia với hai mục đích: Vừa xét tốt nghiệp THPT vừa tuyển sinh ĐH, CĐ.

Kỳ thi đã được dư luận đánh giá rất cao khi đã giúp giảm áp lực thi cử cho học sinh, thu gọn thời gian tổ chức thi cử, rút gọn quãng đường di chuyển cho các thí sinh. Các thí sinh sau khi biết điểm thi mới làm hồ sơ xét tuyển vào trường phù hợp với khả năng của mình.

Thế nhưng khâu xét tuyển nguyện vọng 1 đã trở thành “cơn ác mộng” khi việc cho phép nộp - rút hồ sơ trong đợt xét tuyển đầu tiên kéo dài tới 20 ngày khiến tình trạng hỗn loạn đã diễn ra ở một số trường. 

Chiều 21-8, Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã phải lên tiếng nhận trách nhiệm về những vấn đề vướng mắc trong quá trình xét tuyển năm nay và có điều chỉnh trong đợt xét tuyển thứ hai.

2. Kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội

Kỳ thi ‘2 trong 1’ và cuộc ‘giải cứu’ thành công môn lịch sử - 2

 Kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH quốc gia Hà Nội được đánh giá là thành công. Ảnh: Huy Hà 

ĐH Quốc gia Hà Nội là trường duy nhất được Bộ Giáo GD&ĐT giao thí điểm thi đánh giá năng lực bằng bài thi trắc nghiệm để lấy kết quả tuyển sinh vào ĐH. Kết quả bài thi có giá trị dùng để đăng ký xét tuyển vào ĐH Quốc gia Hà Nội trong thời gian 24 tháng kể từ ngày thi. Sau hai đợt thi vào tháng 5 và 8, các trường thành viên của ĐH Quốc gia Hà Nội đã tuyển đủ chỉ tiêu. Kỳ thi được đánh giá là thành công khi đạt được các mục tiêu đặt ra, kết quả thi đánh giá năng lực tương ứng với kết quả thi THPT quốc gia.

3. Cấm thi tuyển vào lớp 6

Đầu tháng 3, Bộ GD&ĐT phát đi thông báo cấm các trường tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 6. Nếu trường có số lượng học sinh đăng ký vào lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh thì phải xây dựng phương án tuyển sinh phù hợp, trình cấp có thẩm quyền ở địa phương quyết định. Quy định này lập tức gây xôn xao dư luận, bởi nhiều trường ở Hà Nội, TP.HCM có lượng hồ sơ đăng ký rất lớn. Một số trường sau đó đã trình phương án đo chỉ số IQ (chỉ số thông minh), EQ (chỉ số cảm xúc), phỏng vấn bằng tiếng Anh nhưng không được chấp nhận vì vẫn tạo ra áp lực mới cho HS.

Kỳ thi ‘2 trong 1’ và cuộc ‘giải cứu’ thành công môn lịch sử - 3

Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa xét tuyển bằng bài khảo sát năng lực tiếng Anh. Ảnh: Phạm Anh  

Tuy nhiên, sau đó, một số tại Hà Nội cũng thực hiện xét tuyển dựa theo ba tiêu chuẩn: Xét năng lực học tập qua học bạ; kết quả của các cuộc thi từ văn hóa đến nhạc họa, thể dục thể thao... và ưu tiên con em gia đình chính sách. Riêng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM thực hiện xét tuyển bằng hình thức học sinh sẽ thực hiện một bài khảo sát năng lực bằng tiếng Anh trong 90 phút với hai nội dung: câu trắc nghiệm khách quan với bốn lựa chọn và bài tự luận. 

4. Công bố dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể

Kỳ thi ‘2 trong 1’ và cuộc ‘giải cứu’ thành công môn lịch sử - 4

 Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông mới chủ trương một chương trình với nhiều SGK. Ảnh: HTD

Lần đầu tiên, quy trình xây dựng chương trình sách giáo khoa được tiến hành một cách bài bản và thực sự khoa học, đánh dấu bằng việc công bố chương trình phổ thông tổng thể rồi sau đó mới triển khai đến chương trình môn học và cuối cùng là viết sách giáo khoa. 

Theo đó, thay vì học sinh phải học 13 môn như hiện nay, số môn học bắt buộc sẽ giảm chỉ còn 7-8 đối với THCS và còn  bốn môn đối với THPT. Các môn học ở cả ba cấp được chia thành môn bắt buộc và môn tự chọn. Tên một môn học có thể thay đổi ở từng cấp học.

Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông ngay lập tức đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận và nhiều ý kiến góp ý có giá trị. Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới cho thấy Bộ đã bắt kịp được xu hướng tiến bộ hiện nay là dạy học tự chọn và chương trình học vừa tích hợp vừa phân hóa. Đây là hai điểm quan trọng nhất của đề án đổi mới này.

5. Không tích hợp môn lịch sử

Ngay sau khi công bố dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, một vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm chính là việc dự thảo đề cập đến vấn đề tích hợp môn lịch sử. Theo đó, lịch sử được tích hợp vào các môn khác. Cụ thể, ở lớp 1, 2, 3, lịch sử tích hợp môn cuộc sống quanh ta; lớp 4, 5 là tìm hiểu xã hội; bậc THCS là khoa học xã hội và THPT tích hợp công dân với Tổ quốc. Trước nguy cơ môn lịch sử bị “xóa bỏ”, nhiều giáo viên, chuyên gia, Hội Khoa học lịch sử... đã liên tục lên tiếng phản đối việc tích hợp môn lịch sử.

Kỳ thi ‘2 trong 1’ và cuộc ‘giải cứu’ thành công môn lịch sử - 5

 GS Phan Huy Lê cho rằng nếu xóa bỏ môn lịch sử là điều rất nguy hiểm. 

GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã khẳng định: “Đấu tranh đến cùng để giữ lại môn lịch sử” và Hội Khoa học lịch sử cũng liên tục tổ chức hội thảo bàn về việc giải cứu môn học quan trọng này. Trong khi các giáo sư đầu ngành lên tiếng mạnh mẽ và yêu cầu giữ lịch sử là môn bắt buộc, độc lập vì "dân ta phải biết sử ta, nhất là trong điều kiện chủ quyền biển, đảo đang bị đe dọa nghiêm trọng, thì Bộ Giáo dục vẫn giữ quan điểm cho rằng "Lịch sử không bị xóa bỏ, thậm chí còn xuất hiện nhiều hơn, trong nhiều môn học khác nhau".

Sức nóng của sự kiện này lan đến nghị trường Quốc hội khi trong phiên chất vấn trực tiếp, đại biểu Lê Văn Lại gửi câu hỏi đến Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: "Gần đây dư luận xôn xao, hay nói đúng hơn là có sự xáo trộn tận tâm can về một vấn đề nhạy cảm, đó là thay đổi việc giảng dạy môn lịch sử từ môn học độc lập thành môn tích hợp. Xin bộ trưởng nêu chính kiến, nhất là tính ưu việt và tính đúng đắn của nó".

Bộ trưởng Luận tái khẳng định "dự thảo đang lấy ý kiến không có ý định giảm môn lịch sử. Vấn đề thảo luận là để riêng môn lịch sử hay để lịch sử gắn bó với các môn học khác". Tuy nhiên, nghị quyết Quốc hội cuối kỳ họp đã nêu rõ "tiếp tục giữ môn học lịch sử trong chương trình sách giáo khoa mới".

Đến ngày 8-12, Bộ GD&ĐT thống nhất với Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, theo đó, lịch sử là môn học bắt buộc và không tích hợp vào môn Công dân với Tổ quốc. Học sinh chọn sử thi đại học sẽ học nâng cao và đây là môn độc lập.

6. Xôn xao trường dân lập mở ngành Y, Dược

Ngày 25-11-2015, Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga ký quyết định cho phép ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội mở ngành y đa khoa và dược học. Quyết định này gây nhiều tranh cãi bởi một năm trước đó hai bộ Y tế, Giáo dục đã thống nhất không cấp phép đào tạo ngành y đa khoa, dược học ở các trường đa ngành không thuộc khối chuyên ngành y dược.

Kỳ thi ‘2 trong 1’ và cuộc ‘giải cứu’ thành công môn lịch sử - 6

 Phòng thí nghiệm của sinh viên dược, Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội 

Trả lời báo chí, GS Trần Phương - Hiệu trưởng nhà trường, nói: “Động cơ mở ngành không có mục đích lợi nhuận hay kinh doanh, chỉ muốn bổ khuyết nguồn nhân lực chăm sóc sức khỏe cho người dân Việt Nam”. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đánh giá, ngành y rất đặc biệt, nếu đào tạo không đảm bảo sẽ gây hậu quả nghiêm trọng.

Lý giải về quyết định này, quyền Vụ trưởng Giáo dục đại học Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết trường đã có quá trình chuẩn bị điều kiện vật chất, nhân lực. Hơn nữa, các đơn vị chức năng của hai bộ thẩm định thực tế, thấy trường đảm bảo đủ điều kiện giảng dạy. Tuy nhiên, hai ngày trước khi Bộ Giáo dục cấp phép, Bộ Y tế đã có văn bản gửi trường khuyến cáo cần bổ sung, hoàn thiện và làm rõ đội ngũ giảng viên cơ hữu chuyên ngành, cơ sở thực tập tại trường, cơ sở thực hành ngoài trường và sự tham gia của các giảng viên cơ hữu chuyên ngành.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phải triệu tập một cuộc họp, sau đó Văn phòng Chính phủ phát đi thông báo khẳng định việc đào tạo và cho phép mở ngành đào tạo nhân lực ngành y tế nói chung, bác sĩ đa khoa, dược sĩ nói riêng cần đặt chất lượng đào tạo là tiêu chí hàng đầu. Phó thủ tướng đã chỉ đạo hai bộ Giáo dục và Y tế kiểm tra việc trường thực hiện các yêu cầu, đảm bảo điều kiện cần thiết và chỉ cho phép đào tạo khi đã đáp ứng đầy đủ điều kiện.

Ngày 28-12, sau nhiều cuộc làm việc kiểm tra, Bộ GD&ĐT cùng Bộ Y tế đã tổ chức họp báo công bố kết luận việc cho phép ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội mở ngành y, dược. Kết luận nêu rõ trường chỉ được tuyển sinh ngành y, dược khi hoàn thành đủ các điều kiện theo quy định.

7. Trường đại học tự phong giáo sư

Kỳ thi ‘2 trong 1’ và cuộc ‘giải cứu’ thành công môn lịch sử - 7

 Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Ảnh: PĐ

Giữa tháng 9-2105, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, TP.HCM chủ trương phong giáo sư, phó giáo sư cho cán bộ giảng viên trong trường. Mục đích của trường là bổ nhiệm các vị trí chuyên môn để phân công công việc và chế độ phù hợp cho thành viên ở các khoa, phòng rõ ràng, hướng đến phát triển khoa học của nhà trường. 

Tuy nhiên, ông Bùi Mạnh Nhị, Chánh Văn phòng Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước, khẳng định việc này không đúng quy định và cần dừng lại.

GS Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng ĐH Tôn Đức Thắng, khẳng định trường không làm sai và sẽ không dừng việc bổ nhiệm giáo sư. 

Giữa tháng 11, trường công bố điều chỉnh nội dung hướng dẫn về tiêu chuẩn, quy trình, hồ sơ đề nghị xét và bổ nhiệm chức vụ chuyên môn. Theo đó, sẽ có ba chức vụ được bổ nhiệm hay đề bạt, gồm giáo sư trợ lý; giáo sư dự bị; giáo sư thực thụ. Với nhà khoa học có đóng góp quan trọng cho chuyên ngành tầm quốc tế và cho sự phát triển của trường sẽ được bổ nhiệm chức vụ giáo sư xuất sắc. 

THANH TRANG
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan