Kỳ thi THPT quốc gia 2016: Địa được chọn, sử, sinh... ra rìa

Ngày 07/03/2016 08:11 AM (GMT+7)

Ngoài 3 môn thi bắt buộc, theo số liệu khảo sát từ nhiều địa phương, rất nhiều thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm nay chọn môn địa làm môn thi “gỡ điểm”, ngược lại sử, sinh vẫn là môn học bị... ra rìa.

Ít thí sinh thi sử

Trường THPT Hồng Thái (Đan Phượng, Hà Nội) vừa tổ chức tư vấn hướng nghiệp và cho học sinh lớp 12 trong trường khảo sát việc đăng ký các môn thi tự chọn của kỳ thi THPT quốc gia 2016. Kết quả cho thấy, trong số 446 học sinh lớp 12, ngoài 3 môn bắt buộc toán, văn, Anh thì địa lý là môn thi tự chọn có số học sinh đăng ký nhiều nhất với 265 em, tiếp đó là môn hóa 147 em. Lịch sử và sinh học là 2 môn có số học sinh đăng ký thấp nhất, trừ một số em thi khối C, còn lại không có thí sinh nào chọn sử, địa là môn thi để lấy kết quả xét tốt nghiệp.

Kỳ thi THPT quốc gia 2016: Địa được chọn, sử, sinh... ra rìa - 1

Học sinh Trường THPT Hồng Thái (Đan Phượng, Hà Nội) trong buổi tư vấn tuyển sinhtại trường ngày 4.3.  Ảnh: Tư liệu

Cô Nguyễn Thị Thơm – Phó Hiệu trưởng phụ trách tuyển sinh của trường cho biết: “Đây mới chỉ là số liệu khảo sát tạm thời để xếp lớp ôn tập. Trong thời gian tới các em vẫn có thể thay đổi môn thi nếu muốn. Đa số các em chọn môn địa vì cho rằng đây là môn dễ kiếm điểm cao hơn cả. Ngược lại, môn sử từ trước đến nay vẫn được coi là “khó nhằn” đối với các em, vì vậy chỉ có em nào theo khối C, đam mê thực sự mới lựa chọn”.

Cũng theo cô Thơm, các môn bắt buộc trường đã tổ chức ôn tập từ đầu năm. Đối với các môn tự chọn, tùy thuộc vào số lượng học sinh, trường sẽ bố trí lớp ôn tập vào giữa tháng 3. Kể cả những môn ít học sinh đăng ký vẫn tổ chức ôn thi đầy đủ.

Tương tự, Hiệu trưởng Trường THPT Wellspring Hà Nội, thầy Đặng Đình Đại cũng thông tin, giống như mấy năm gần đây, năm nay cũng chưa thấy học sinh nào của trường chọn lịch sử là môn thi xét tốt nghiệp; Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), THPT Nguyễn Văn Cừ (Gia Lâm, Hà Nội) cũng trong tình trạng “trắng” thí sinh đăng ký thi môn học này.

Không chỉ ở Hà Nội, tại nhiều địa phương khác cũng có kết quả khảo sát tương tự. Sở GDĐT Vĩnh Phúc thông tin, trong số hơn 10.000 học sinh lớp 12 đăng ký khảo sát chất lượng kỳ thi THPT quốc gia 2016 thuộc 37 trường, chỉ có 219 học sinh thi môn sử (chiếm tỷ lệ 2,39%), đứng thấp thứ 2 là môn sinh có 501 em (chiếm tỷ lệ 5,47%).

Trong khi đó, môn địa lý có số lượng thí sinh đăng ký cao nhất 4.16 em (chiếm 45,46%); môn lý có 2.658 học sinh (29,03%), môn hóa có 1.659 học sinh (18,12%). Tương tự, tỉnh Kom Tum cũng có số lượng thí sinh đăng ký dự thi môn địa lý cao nhất (khoảng 48%), môn hóa đứng thứ 2 (37%), sử và sinh học vẫn là môn ít thí sinh đăng ký nhất.

Việc lựa chọn môn thi của thí sinh không nằm ngoài dự đoán của nhiều trường, đối với môn sử, kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 dự báo tiếp tục là một kỳ thi nhiều vất vả đối với những cụm thi chỉ có số lượng ít thí sinh tham dự. Để tránh tình trạng lãng phí nguồn lực – cả cụm thi phục vụ 1 thí sinh, các Sở GDĐT và các cụm thi cần lên phương án tổ chức thi phù hợp.

Bao nhiêu môn là đủ?

Ngoài việc chọn môn gì, thì một trong những băn khoăn của rất nhiều thí sinh thời điểm hiện tại là việc lựa chọn bao nhiêu môn dự thi để có kết quả xét tốt nghiệp tốt nhất và nhiều cơ hội vào ĐH, CĐ hơn cả.

Em Nguyễn Thị Liên – học sinh Trường THPT Nông Cống 1 (Nông Cống, Thanh Hóa) năm nay sẽ tham dự kỳ thi THPT quốc gia để lấy điểm xét tuyển vào ĐH. Liên cho biết em học tốt khối A nên sẽ chọn thêm lý, hóa để thi, tuy nhiên môn tiếng Anh cũng là một lợi thế vì vậy Liên muốn thử sức ở cả khối A1 và D. “Do nguyện vọng 1 xét tuyển chỉ có 4 nguyện vọng nên tính may, rủi cao hơn mọi năm, vì vậy em dự kiến thi thêm nhiều môn để tăng cơ hội xét tuyển vào các trường khác nhau, không được tổ hợp môn này thì còn tổ hợp khác để xét” – Liên nói. Liên cũng cho biết, rất nhiều bạn trong lớp chọn thi 6-7 môn để thử sức mình.

Tuy nhiên, theo lời khuyên của các chuyên gia giáo dục, việc lựa chọn quá nhiều môn thi là chưa hợp lý. Theo ông Nguyễn Quốc Cường – chuyên viên tuyển sinh của Bộ GDĐT tại TP.Hồ Chí Minh, thí sinh chỉ nên chọn môn thi trùng khớp với ngành học mà mình yêu thích để thuận lợi cho việc đăng ký xét tuyển. Hợp lý nhất là chọn những môn nào, số lượng phải thi các môn ít nhất mà lại có nhiều tổ hợp xét tuyển cao hơn.

Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa – Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, chỉ nên chọn 5 môn thi, nhiều nhất là 6 môn chứ không nên chọn tới 7 – 8 môn. “Chọn nhiều môn thi sẽ khiến cho sức ôn tập của thí sinh không được tập trung, dễ phân tán. Kết quả thi chắc chắn sẽ không cao bằng chọn môn thi ít, phù hợp với sức mình, đặc biệt là trúng tổ hợp của ngành nghề mình yêu thích”

Theo Tùng Anh – Mỵ Lương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h