Ký ức của cậu bé sang Trung Quốc làm thuê tìm mẹ

Ngày 16/10/2014 00:06 AM (GMT+7)

13 tuổi, hành trang đi tìm mẹ của cậu bé Cao Văn Quân (SN 1975, huyện Đông Triều, Quảng Ninh) ngày ấy chỉ có bộ quần áo với tình mẫu tử lớn lao bất diệt. Gần 1 năm lang bạt nơi đất khách quê người, mẹ con Quân đã đoàn viên gặp gỡ.

Thế rồi, cũng ở nơi tưởng chừng như tận cùng của đau khổ ấy niềm hạnh phúc lại vỡ òa trong anh thêm một lần nữa. Lòng trắc ẩn với một người phụ nữ Việt bị lừa bán sang Trung Quốc đã khiến anh tìm đến chị Nguyễn Thị Tuyền (SN 1974, Bắc Giang) và “mua” chị về làm vợ.

Mẹ đi chợ rồi bặt vô âm tín

Quảng Ninh một ngày cuối thu trời mưa tầm tã. Con đường dẫn chúng tôi vào thôn Bắc Mã 2, huyện Đông Triều nhớp nháp bùn đất. Trong căn nhà nhỏ gia đình anh Quân, chị Tuyền đang hạnh phúc bên nhau chuẩn bị bữa cơm chiều. Bữa cơm của  hôm ấy sung túc hơn hẳn ngày bình thường, có thịt, có cá và hơn hết là có sự đoàn tụ, sum vầy của cả đại gia đình. Mấy đứa cháu từ Bắc Giang (quê chị Tuyền) xuống thăm dì chú, vợ chồng đứa con gái cũng xuống thăm bố mẹ tranh thủ ngày lễ dài.

Gần 30 năm trôi qua, cậu bé Cao Văn Quân ngày nào giờ đã trở thành bố vợ và lên chức ông ngoại. Vợ chồng anh vừa gả chồng cho cô con gái thứ hai Cao Thị Hạnh (SN1995) hồi đầu năm 2012. 30 năm lang bạt nơi xứ người, khoảng thời gian đủ dài để anh chị nếm trải bao cay đắng ngọt bùi và cả những tủi nhục. Giờ thì vợ chồng anh chị đã có một ngôi nhà mái bằng kiên cố, có xe máy để đi, có ti vi, tủ lạnh để sử dụng, có công nông để chở hàng. Hàng ngày, anh vẫn đi làm thuê, chị vẫn khuân gỗ mướn. Cuộc sống dẫu còn hơi nhọc nhằn nhưng không còn phải nơm nớp lo sợ đến cảnh chạy vạy từng bữa cơm.

Nhìn anh chị hôm nay khác hẳn với bức ảnh chụp anh chị cách đây 10 năm mà tôi tình cờ nhìn thấy trong một bài báo. Bức ảnh ấy, anh chị đứng cạnh nhau, gầy gò và khắc khổ, trước cửa một ngôi nhà lụp xụp, trống hươ trống hoác. Giờ tóc anh lấm tấm màu hoa râm, da đen sạm nhưng trông rắn rỏi. Còn chị trông mặn mòi nhưng trẻ hơn so với tuổi 39 của mình. Gặp chúng tôi, anh cười nhiều còn người phụ nữ đã đi cùng anh trong suốt hành trình 20 năm vừa qua thì khóc suốt. Miền ký ức từ cái thủa nhọc nhằn mấy mươi năm về trước lại ùa về trong cả anh và chị.

Ký ức của cậu bé sang Trung Quốc làm thuê tìm mẹ - 1

Ngôi nhà vợ chồng anh Quân khi trở về Viêt Nam

Câu chuyện anh Quân kể cho chúng tôi nghe về hành trình tìm mẹ thấm đầy nước mắt. Đôi mắt anh nhòe dần, nhớ lại quá khứ, anh kể: “Bố tôi là một cán bộ ở xã. Mẹ tôi gánh hàng rong đi buôn từ chợ Móng Cái về Đông Triều. Rồi một ngày 4 anh em chúng tôi chẳng thấy mẹ về nữa. Người trong thôn trên nói với bố con tôi rất có thể mẹ  đã bị bắt cóc đem bán qua biên giới. Chúng tôi ngác ngơ trong sự ra đi không lý do của mẹ. Còn quá nhỏ nhưng chúng tôi đủ cảm nhận được tận cùng nỗi đau từ cuộc chia ly này.

Các em tôi khóc đến lả người vì đói sữa, thiếu mẹ. Những ngày sau đó, tôi lang thang khắp các chợ Quảng Ninh, Cẩm Phả để tìm bà. Có những ngày trời mưa tầm tã, tôi đói dặt trên đường rồi gục vào một cái chòi bên sông, tưởng chết. Trong những giấc mơ, hình ảnh mẹ chập chờn, ám ảnh. Mẹ cầm nón, vẫy tay gọi anh em tôi. Nhưng giấc mơ tan, mẹ cũng bỏ đi mất. Cơn đói quặn ruột làm tôi tỉnh dậy. Tôi thấm thía nỗi đau và nhớ mẹ đến cồn cào. Tôi khóc gào lên bên vệ đường như một đứa trẻ bị đánh đập ruồng bỏ. Người làng  thấy tôi thương hại nhưng cũng chỉ nhìn, rồi lắc đầu, ngán ngẩm. Họ cũng nghèo, cũng đói, còn hơi sức đâu để để ý và tìm mẹ cho một đứa trẻ như tôi. Tôi nghĩ đến mẹ tôi, đến các em tôi mà gắng dậy đi tiếp.

Chẳng thể nhớ nổi, biết bao lần tôi từng chết đi sống lại bên lán chợ huyện Đông Triều. Trong một lần ốm quặt quẹo, tôi thất thểu về nhà. Chưa bao giờ tôi cảm thấy tuyệt vọng như lúc ấy. Ngày trở về, bố tôi bảo, mẹ mất tích, bố sẽ lập gia đình với một người đàn bà khác ở xóm bên. Bố và cô ấy lấy nhau. Mấy năm sau, bố tôi qua đời. Người mẹ kế cũng bỏ anh em chúng tôi rồi đi đâu, bặt vô âm tín. Tôi tiếp tục nuôi dưỡng ý định tìm được mẹ.

Tôi lang thang từ Cẩm Phả lên Móng Cái, vừa đi làm thuê trong các mỏ than, vừa dò la tin tức của mẹ nhưng vô vọng lại lầm lũi quay về. Không bố, không mẹ, anh em chúng tôi sống nhờ vào lòng thương hại của hàng xóm, láng giềng: khi thì củ khoai lang, khi thì miếng bánh tráng. Tôi thường xuyên chẳng có gì ăn, có hôm đói đến lả người,  phải lê chân ra ngoài đồng vặt lá rau má ăn sống".

Sang Trung Quốc, làm thuê, tìm mẹ

“3 năm sau ngày mẹ mất tích, tôi tình cờ gặp một người đàn bà quê ở Chí Linh - Hải Dương tên Loan, từng đi buôn với mẹ, giờ bà ấy lấy chồng ở Trung Quốc. Bà nói từng gặp mẹ tôi cắp thúng bán khoai ở vùng Kiến Trì (Quảng Đông). Tôi nhảy cẫng, cười vang nhưng nước mắt thì giàn giụa. Tôi lăn xả vào người đàn bà ấy, năn nỉ  được đi theo bà đến nơi mẹ tôi đang sống.

Người đàn bà Hải Dương nhìn tôi rồi lắc đầu. Bà bảo, tôi còn quá nhỏ tuổi, người lại gầy nhom, tiếng tăm bên nước bạn không biết, một xu dính túi cũng không, sang Trung Quốc tôi nuôi thân còn không nổi, huống hồ là tìm mẹ. Bà khoác cái túi da màu lông bò, toan quay đi thì tôi túm chặt lấy gấu quần, van xin nằng nặc. Chẳng hiểu, vì thương hại hay vì một lý do nào khác cuối cùng bà cũng đồng ý. Bà chấp nhận mang theo tôi sang xứ người để “giúp” tôi thực hiện ước mơ gặp mẹ. Tôi bắt đầu những ngày tháng rong ruổi, lang bạt ở cái tuổi 13.

Bà Loan đưa tôi sang Trung Quốc trên một con tàu nhỏ vượt vùng biển Móng Cái cùng hai cô gái trẻ khác. Sang đến vùng đất Kiến Trì (Quảng Đông) hai cô gái bị bán cho những người đàn ông đang cần vợ. Tôi phải làm thuê trả nợ số tiền tàu xe trong chuyến vượt biển vừa rồi. Ngơ ngác nơi đất khách quê người, hành trang đi theo tôi chỉ có bộ quần áo với thân hình gầy nhom, một chữ bẻ đôi tiếng Trung không biết.

Tôi đi gánh đá thuê cho các nhà trong làng, làm cửu vạn ở những khu chợ cóc. Không lúc nào trong tâm thức tôi nguôi ngoai nỗi nhớ về mẹ. Càng khổ đau, càng nhọc nhằn thì động lực gặp mẹ trong tôi càng được thôi thúc mãnh liệt. Làm thuê, bốc vác, gánh nước thuê… tất cả những công việc ấy tôi đều trải qua ở cái tuổi 13. Những công việc mà thủa còn ở nhà đến cả trong mơ tôi cũng chưa bao giờ dám tưởng tượng đến. Những năm tháng làm thuê, cuộc sống của tôi như kiếp tù đày. Nhiều bữa mệt mỏi, lại bị hành hạ, cơm và nước mắt hòa làm một. Nhiều hôm ốm chân run rẩy, gánh đá chậm tôi bị ông chủ đánh đến tứa máu bàn tay mà vẫn cố cắn răng chịu đựng. Đêm về chỉ dám úp mặt xuống gối lặng lẽ khóc. Tôi khóc vì sợ, khóc vì đau đớn và trên cả là khóc vì tuyệt vọng vì giấc mơ gặp được mẹ xa vời, mông lung quá!

      Ký ức của cậu bé sang Trung Quốc làm thuê tìm mẹ - 2

Chị Tuyền vẫn ám ảnh những ngày lang bạt ở Trung Quốc

Những ngày mưa tầm tã, nước mắt trộn với nước mưa tôi từng có ý định buông xuôi, bỏ trốn. Thế rồi, gần 1 năm trôi đi, tôi được thả tự do. Người đàn bà quê Hải Dương cũng không quá ác độc, quá nhẫn tâm đẩy tôi vào bước đường cùng của bế tắc. Hoàn thành xong món nợ tàu xe, bà đưa tôi đến nơi mẹ đang sống. Tôi còn nhớ như in khoảnh khắc mẹ con tôi gặp mặt. Mẹ đang ngồi ở bậc thềm trong một căn lán nhỏ phìa rìa khu rừng. Bà già nua, còm cõi hơn nhiều nhưng đôi mắt vẫn sáng. Giọng nói bà vẫn trong hệt như những ngày sống với bố con tôi ngày trước. Mẹ con tôi đoàn viên, sum  họp.

Mẹ kể, bà bị lừa bán cho một người đàn ông góa vợ ở Kiến Trì (Quảng Đông, Trung Quốc) khi đang gánh hàng ở chợ Móng Cái. Nỗi nhớ quê hương, nhớ gia đình đến cồn cào gan ruột. Đôi chân bà đã bao lần bị đánh bầm dập, thâm tím vì mang trong người ý định bỏ đi. Lần nào định trốn về Việt Nam bà cũng bị gia đình chồng bắt nhốt đánh đập. Người ta sợ nếu mẹ trốn chạy, số tiền “mua bà” sẽ mất trắng nên cử người theo dõi từng bước. Dần dần bà cũng không còn đủ sức nuôi ý định trốn về. Đến lúc gặp lại tôi biết tin bố tôi đã qua đời, bà cũng buông xuôi ý định trở về quê cũ.

Thương mẹ, tôi ở lại, ngày ngày đi làm thuê kiếm tiền với ý định chuộc bà. Nhưng gần tích góp được số tiền ngày trước “bố dượng” mua mẹ, mẹ có nói với tôi: bố tôi đã mất, người chồng Trung Quốc cũng đối xử tốt với bà hơn khi bà không bỏ trốn. Bà muốn ở lại Trung Quốc vì có về Việt Nam, bà cũng chẳng còn gì. Nghe mẹ, tôi ở lại Kiến Trì, Trung Quốc sống chung với gia đình cha dượng ngay trong ngôi nhà giữa rừng và kết duyên với một người phụ nữ Việt Nam bị lừa bán.

Tin bài liên quan:

Giả danh công tử đẹp trai, lừa bán loạt thiếu nữ

"Đại gia cửu vạn" lừa bán nữ sinh

Lợi dụng tục "kéo vợ" để lừa bán phụ nữ

Vì sao nhiều thiếu nữ bị lừa bán trinh?

* Mời độc giả đón đọc kỳ 2 "Cuộc gặp định mệnh của chàng trai tìm mẹ và cô gái bị lừa bán" vào lúc 0h ngày 17/10/2014.

Tuệ Linh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan