Lại rục rịch lộ trình hạn chế, cấm xe máy

Ngày 14/11/2013 15:02 PM (GMT+7)

Lộ trình hạn chế, cấm xe gắn máy tại các đô thị lớn tiếp tục được đặt ra như một trong những biện pháp quan trọng nhằm giảm ùn tắc và tai nạn giao thông (TNGT).

Cấm để có bước đi phù hợp

Tại cuộc họp trực tuyến sơ kết 2 năm thực hiện Nghị quyết số 88/NQ-CP chiều 12/11, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Ủy ban An toàn quốc gia một lần nữa nhắc lại vấn đề hạn chế phương tiện cá nhân tại các đô thị lớn như một biện pháp quan trọng để giảm ùn tắc và TNGT.

Cụ thể, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu: “Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là những văn bản liên quan trực tiếp đến các nguyên nhân gây ra TNGT như đề án hạn chế và lộ trình cấm xe ô tô, xe gắn máy tại các đô thị lớn”.

Lại rục rịch lộ trình hạn chế, cấm xe máy - 1

Hạn chế phương tiện giao thông cá nhân được coi là một biện pháp nhằm giảm ùn tắc giao thông

Gọi là “nhắc lại” bởi vấn đề hạn chế phương tiện cá nhân đã được nêu ra trong Nghị quyết số 88/NQ-CP từ cách đây 2 năm. Trong đó, UBND TP. Hà Nội và TP.HCM “thực hiện các biện pháp để hạn chế xe mô tô, xe gắn máy và xe ô tô lưu thông trên một số tuyến phố vào một số giờ nhất định phù hợp với điều kiện cụ thể của từng khu vực trong thành phố”. Bộ GTVT chủ trì phối hợp với các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố liên quan xây dựng đề án hạn chế và lộ trình cấm xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các đô thị lớn.

Câu chuyện về vấn đề cấm xe máy tại các đô thị lớn gần đây được hâm nóng bởi đề xuất của TS Lương Hoài Nam - cựu Tổng Giám đốc Jetstar Pacific. Ông Nam đã thẳng thắn nêu quan điểm cần lộ trình cấm xe máy ở tất cả các đô thị lớn vì mục đích “Hãy để lại cho thế hệ mai sau các đô thị văn minh, hiện đại, với nền giao thông an toàn và sạch hơn”.

Theo TS Nam, cần thiết phải đặt ra lộ trình rõ ràng cấm xe máy từ bây giờ để có các bước đi phù hợp chứ không phải cấm xe máy ngay. Đồng thời, việc cấm xe máy ở các đô thị lớn không phải là mục tiêu mà việc đầu tư cho các phương tiện giao thông đô thị văn minh, hiện đại, an toàn thay thế xe máy như tàu điện ngầm, tàu điện trên cao, xe buýt ở các đô thị này mới là mục tiêu.

Người dân phải được đi lại thuận tiện hơn

Theo Nghị quyết 88, đề án hạn chế và lộ trình cấm xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các đô thị lớn cần được trình Chính phủ vào quý IV/2012. Nhưng phải 1 năm sau, một dự thảo đề án có nội dung tương tự mới được trình Chính phủ. Đó là dự thảo đề án phát triển hợp lý các phương thức vận tải tại các thành phố do Viện Chiến lược và Phát triển GTVT chủ trì.

Còn nhớ, khi Bộ GTVT đưa ra ý tưởng thu phí để hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đã gặp phải nhiều phản ứng của người dân. Kéo theo đó, đề án hạn chế phương tiện cá nhân đã phải tạm dừng.

Ở đề án lần này, nội dung thực chất vẫn là hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, nhưng theo một cán bộ của Bộ GTVT “mục tiêu là phục vụ người dân đi lại thuận tiện hơn, khi xây dựng đề án không được phép đưa ra bất cứ giải pháp nào gây thiệt hại cho người dân”.

Đề xuất của TS Lương Hoài Nam – cựu Tổng Giám đốc Jetstar Pacific: Cần lộ trình cấm xe máy ở tất cả các đô thị lớn vì mục đích “Hãy để lại cho thế hệ mai sau các đô thị văn minh, hiện đại, với nền giao thông an toàn và sạch hơn”.

Sự dè dặt và thận trọng cũng được thể hiện khi ở Việt Nam “chưa có tiền lệ về việc hạn chế phương tiện cá nhân”, vì vậy trong đề án cũng không dùng từ “cấm” mà hướng đến việc “quản lý và kiểm soát”.

Cụ thể, Viện Chiến lược và Phát triển GTVT đặt vấn đề “xây dựng lộ trình cụ thể từng bước kiểm soát sự phát triển của phương tiện cá nhân tiến đến hạn chế phương tiện cá nhân hoạt động tại một số khu vực trung tâm của các thành phố lớn (đặc biệt là xe gắn máy)".

Các giải pháp đưa ra để thực hiện mục tiêu kể trên được phân thành 4 nhóm cơ bản cho quá trình thực hiện đến năm 2020. Trong đó, giải pháp hàng đầu là ưu tiên cho vận tải công cộng. Ở các đô thị lớn cần tiếp tục thực hiện, phát triển hệ thống xe buýt như tổ chức các làn đường riêng cho xe buýt, các đèn tín hiệu giao thông ưu tiên cho loại phương tiện này và đảm bảo kết nối hệ thống xe buýt với các bến xe trung chuyển hay trung tâm lớn.

Việc thí điểm quản lý và kiểm soát phương tiện cá nhân sẽ được thí điểm ở một số đô thị lớn và giao nhiệm vụ cho từng địa phương thực hiện cho phù hợp. Tuy nhiên theo dự thảo, mục tiêu đến năm 2020 phương thức vận tải cá nhân tại Hà Nội vẫn chiếm 77 – 82%, còn tại TP.HCM là 75 – 80%.

Các giải pháp quản lý sử dụng phương tiện cá nhân tham gia giao thông như đã nói ở trên, không có khái niệm “cấm”. Đó là các giải pháp kiểm soát và từng bước hạn chế phương tiện cá nhân lưu thông trong khu vực trung tâm các thành phố, trong một vành đai đô thị hoặc trong một khu vực cụ thể; hay việc đề xuất bổ sung phí phương tiện lưu thông trong khu vực trung tâm thành phố vào danh mục phí và lệ phí ban hành kèm theo Pháp lệnh phí và lệ phí. Việc này nhằm phục vụ xây dựng Đề án “Thu phí phương tiện lưu thông trong khu vực trung tâm thành phố nhằm hạn chế ùn tắc giao thông”.

Theo Minh Phong (Dân Việt)
Nguồn:

Tin liên quan