Làm sao để thoát nỗi sợ hãi “đầu gấu” học đường?

Ngày 06/10/2015 10:30 AM (GMT+7)

Đầu gấu học đường và các hành vi bạo lực trong môi trường giáo dục đã trở thành vấn nạn đáng lo ngại đối với toàn xã hội. Biết bao nhiêu vụ "bê bối" gây ra bởi các em học sinh mà tính chất ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Đặc biệt, từ vị trí là nạn nhân của nạn “đầu gấu” trong trường học, các em bị bắt nạt lại trở thành thủ phạm gây ra tội ác. “Cánh cửa” nào cho các em bước qua thời học sinh an toàn và không bị ám ảnh bởi nạn “đầu gấu” học đường đang gây bức xúc và lo ngại cho chính các học sinh lẫn phụ huynh…

Làm sao để thoát nỗi sợ hãi “đầu gấu” học đường? - 1

Ảnh minh họa

Từ nạn nhân thành thủ phạm của tội ác

Những ngày qua, thông tin một học sinh 16 tuổi tại Nghệ An hạ sát học sinh cùng trường không chỉ khiến dư luận địa phương bàng hoàng mà nhiều bậc phụ huynh cũng không khỏi giật mình. Đặc biệt khi mà nguyên nhân theo trình bày của chính thủ phạm là bắt nguồn từ việc bị học sinh khoá dưới dọa nạt nhiều lần.

Cụ thể, ngày 29/9, phòng Cảnh sát điều tra tội phạm Công an tỉnh Nghệ An đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Quang Quyết (16 tuổi, trú xã Thái Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An). Theo điều tra, do có mâu thuẫn từ trước, Quyết liên tục bị một học sinh khoá dưới là Lê Văn Đ. (15 tuổi) dọa đánh.

Đêm 26/9 vừa qua, Quyết đi chơi và tiếp tục bị Đ. dọa nạt. Quyết liền cầm tiền đi mua một con dao Thái Lan để tìm Đ. trả thù. Trong lúc xô xát nhau ở đường, Quyết rút dao ra đâm trúng ngực Đ.. Dù bị đâm trọng thương, Đ. cố bỏ chạy nhưng bị Quyết truy đuổi và đâm tiếp khiến Đ. tử vong ngay sau đó.

Còn Quyết, sau khi gây án cầm dao bỏ về nhà và kể cho bố mẹ nghe rồi được gia đình đưa đến cơ quan công an đầu thú.

Trước đó, vào tháng Tám, một vụ việc tương tự cũng đã xảy ra tại huyện Hoài Đức (Hà Nội). Nguyễn Tiến Cường (SN 1999), ở xã An Thượng, huyện Hoài Đức đã dùng dao bầu đâm vào bụng và lưng của một học sinh khiến nạn nhân tử vong.

Theo tìm hiểu, Nguyễn Tiến Cường là học sinh lớp 11A1 Trung tâm giáo dục thường xuyên cơ sở 2 huyện Hoài Đức. Gần thời điểm xảy ra vụ án, Cường có mâu thuẫn với một số học sinh khác lớp, trong đó có N.H.T. (SN 1998), cùng học tại Trung tâm giáo dục thường xuyên cơ sở 2 huyện Hoài Đức.

Do bị nhóm bạn cùng trung tâm chặn đánh, nên trưa 5/8, Cường đã mua con dao bầu với mục đích phòng thân. Trong lúc Cường đang ngồi trong phòng học tầng 3 của trung tâm giáo dục thường xuyên cơ sở 2 huyện Hoài Đức thì bị N.H.T. đấm liên tiếp vào đầu.

Lúc này, Cường liền lấy con dao bầu giấu trong cặp sách đâm 2 nhát trúng bụng và lưng T. rồi bỏ chạy. Nạn nhân dù được đưa đi cấp cứu nhưng đã không qua khỏi.

Những con số giật mình

Chị Lê Thị Thanh Huyền (Thanh Trì, Hà Nội) cho biết: “Tôi có con trai đang học lớp 8. Dù cháu ở nhà rất biết nghe lời, ngoan ngoãn, không chơi bời phe nhóm, bản thân hai vợ chồng tôi cũng thường xuyên nói chuyện với con về việc cần tránh xa bạo lực, không dọa nạt bạn bè hay tham gia các vụ đánh nhau trong trường, trong lớp. Tuy nhiên, chúng tôi cũng không thể theo sát con cái từng ngày, từng giờ được. Tôi đã đưa con đến lớp học võ của một người bạn để cháu được học cách tự vệ căn bản, biết cách thoát thân khi cần thiết”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, con số thống kê trong 4 năm từ năm 2010 -2014, cả nước có gần 8.000 vụ học sinh, sinh viên đánh nhau cho thấy phần nào sự lo lắng về nạn “đầu gấu” trong trường học đã đến lúc phải cảnh báo ở cấp độ cao hơn .

Dưới đây là ý kiến của một số chuyên gia về vấn đề này:

Thượng tá Trần Đức Châm, Giảng viên Học viện An ninh nhân dân: Thể hiện cái tôi bằng bạo lực dễ dẫn đến tội ác

Thượng tá Trần Đức Châm cho biết, bạo lực trong học đường, học sinh trở thành kẻ thủ ác chỉ là một phần trong tình trạng tội phạm vị thành niên gia tăng trong thời gian gần đây. Tôi từng tiếp xúc với các em tại các trường giáo dưỡng, tội phạm vị thành niên, nhiều em sẵn sàng ra tay, đối xử bạo lực, làm bị thương người khác chỉ vì một cái nhìn mà theo các em thì đó là “nhìn đểu”.

Theo một kết quả nghiên cứu tại hội thảo xung quanh đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước về tội phạm vị thành niên thì những trẻ bị bạo lực sẽ có xu hướng ứng xử bạo lực với những người xung quanh. Đặc biệt, khi các thang bậc giá trị xã hội bị thay đổi và có phần xuống cấp, thì vai trò của gia đình và nhà trường trong việc giáo dục, định hướng lối sống cho các em là cực kỳ quan trọng.

Ở lứa tuổi này các em có xu hướng thể hiện cái tôi, muốn khẳng định bản thân bằng các hành vi bạo lực mà từ đó có thể dẫn tới tội ác.

TS. Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, Khoa Tâm lý, ĐH Sư phạm TP HCM: Tiên trách kỷ, hậu trách nhân?

Làm sao để thoát nỗi sợ hãi “đầu gấu” học đường? - 2

Tiên trách kỷ - Hậu trách nhân, đầu tiên mỗi em phải xem bản thân mình có làm gì sai trái khiến cho đối phương giận hay ghét mình không. Nếu nguyên nhân do mình, thì mình phải chủ động xin lỗi và thay đổi. Đó là cách ứng xử trưởng thành mà các em nên học.

Tuy nhiên, nếu đối phương theo kiểu đại bàng bắt nạt bạn không cần lý do, thì đối thoại có thể là vô ích. Trường hợp này, một là các em nên tránh đối tượng đó càng xa càng tốt, hai là báo với thầy cô chủ nhiệm để có biện pháp xử lý can ngăn trong phạm vi nhà trường, ba là cho gia đình biết để gia đình thảo luận phối hợp với gia đình bên kia, bốn là nên đi cùng với bạn bè để có lợi thế an toàn. Nếu nghiêm trọng và liên quan đến sức khỏe cũng như tính mạng, hãy trình báo với cơ quan công an để cơ quan chức năng có biện pháp cảnh báo răn đe.

Cuối cùng, các em nên học một số tư thế võ tự vệ hay kỹ năng thoát hiểm để có thể tự bảo vệ mình trước kẻ xấu thay vì trông chờ hoàn toàn vào các lực lượng bên ngoài. Nhà trường nên có một hộp thư tố giác để bất cứ nạn nhân nào cũng có thể trình báo khi bị bắt nạt.

Giáo viên nên có "tai mắt" trong lớp, sâu sát tìm hiểu qua các học sinh khác để nắm thật sớm tình hình và giáo dục uốn nắn kịp thời. Cha mẹ nên thường xuyên hỏi han con về cảm xúc, cuộc sống và những khó khăn con gặp phải để con dễ dàng tâm sự, cầu viện sự giúp đỡ khi cần.

Bạn bè trong lớp cần tìm cách bảo vệ lẫn nhau trước các mầm mống "thế lực đen" trong lớp. Cơ quan công an cũng nên quan tâm đến hiện tượng “đầu gấu” học đường, vì sự xem nhẹ ban đầu có thể dẫn đến hậu quả nặng nề sau đó. Đầu gấu học đường và các hành vi bạo lực trong môi trường giáo dục đã trở thành vấn nạn đáng lo ngại đối với toàn xã hội.

Biết bao nhiêu vụ "bê bối" gây ra bởi các em học sinh mà tính chất ngày càng trở nên nghiêm trọng. Đặc biệt, từ vị trí là nạn nhân của nạn “đầu gấu” trong trường học, các em bị bắt nạt lại trở thành thủ phạm gây ra tội ác.

“Cánh cửa” nào cho các em bước qua thời học sinh an toàn và không bị ám ảnh bởi nạn “đầu gấu” học đường đang gây bức xúc và lo ngại cho chính các học sinh lẫn phụ huynh… Đầu gấu học đường đang trở thành nỗi lo.

Nhà giáo ưu tú, TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội: Cần phải có “lối thoát hiểm” cho bạo lực học đường

Trao đổi với PV báo ĐS&PL, ông Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, điều đầu tiên nhận thấy ở vụ việc này là em đó bị dồn đến đường cùng nên phản ứng chứ bản thân em không có tư tưởng thủ ác ngay từ đầu. Vấn đề bạo lực trong trường học không phải chúng ta không nói, học sinh cũng không phải không biết, tuy nhiên, nó vẫn cứ xảy ra.

Từ kinh nghiệm của trường, chúng tôi nhận thấy là phải làm đồng bộ nhiều giải pháp mới có thể giải quyết được. Thứ nhất là phải đưa chương trình giáo dục kỹ năng sống và giá trị sống vào nhà trường một cách bài bản, hiệu quả.  Bản thân các em phải tự thấy được mình sống trong môi trường mà mỗi người đều có một giá trị. Các em được yêu thương, biết yêu thương, tôn trọng mọi người, biết tha thứ, biết khoan dung.

Thứ hai là các em phải được trang bị kỹ năng sống, các em phải biết cách giao tiếp, ứng xử trong các trường hợp như thế nào, biết cách giải tỏa bức xúc của bản thân. Nhà trường phải tạo được một môi trường không bạo lực một cách thực sự. Các em phải có “đường thoát”, có tổ chức để thông báo, hỗ trợ những vấn đề về bạo lực học đường.

Theo Đỗ Thơm
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự