Lễ hội nát tan vì thế tục

Ngày 02/03/2015 14:15 PM (GMT+7)

Với quan niệm “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”, cứ sau Tết Nguyên đán, hàng triệu người lại chen nhau đi lễ lạt cầu may. Điều đáng buồn, theo một số chuyên gia, việc hành lễ (theo nghĩa "làm lễ") và đi lễ đang bị biến tướng khiến nhiều lễ hội trở nên thiếu lành mạnh.

Với quan niệm “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”, cứ sau Tết Nguyên đán, hàng triệu người lại chen nhau đi lễ lạt cầu may. Điều đáng buồn, theo một số chuyên gia, việc hành lễ (theo nghĩa "làm lễ") và đi lễ đang bị biến tướng khiến nhiều lễ hội trở nên thiếu lành mạnh.

Lễ hội nát tan vì thế tục - 1

Ghế nghỉ ở nhà chờ xe điện từ chùa Bái Đính ra bãi xe bị du khách ghép nằm ngủ mà không có ai nhắc nhở.

Chèo kéo cả việc công đức

Việc tranh lộc ở Hội Gióng khiến nhiều người phải nhập viện, rồi thanh niên lao ra đánh nhau để cướp lộc ở Hội cướp phết (Tam Nông, Phú Thọ)… đã trở thành cơn ác mộng. Có thể nói, chưa khi nào những câu chuyện ẩu đả vì mê tín khiến nhiều người lo ngại như hiện nay. Trong khi đó, ở một số lễ hội khác, việc tổ chức (hành lễ) nhôm nhoam, tràn lan cũng kéo theo việc đi lễ trở nên thiếu lành mạnh.

Trong không khí linh thiêng của đền Đồng Bằng (Thái Bình) vào ngày mùng 8 Tết, chúng tôi ngao ngán khi chứng kiến cảnh hàng nghìn người dân giẫm đạp, chen lấn để bốc quẻ đầu năm. Nhiều tiếng trẻ con khóc thét vì bị người lớn dẫm đạp mất cả giày dép, sứt sẹo tay chân... Tiền vàng, hương… được người ta dắt khắp nơi: Cắm hương vào gốc đào, chậu cảnh; “Trói” tiền lên tay Phật; Hóa tiền vàng cả trên lư hương… Tất cả khiến ngôi đền trở nên lộn xộn, bát nháo. Chị Thanh Hương (Vĩnh Bảo, Hải Phòng) cho biết, chị chen lấn, xô đẩy ở đây gần 3 tiếng đồng hồ mới lấy được quẻ gieo đầu năm. “Chả biết đúng sai thế nào nhưng chen đạp nhau đến đứt cả giày dép thế này thì khủng khiếp quá”, chị Hương than thở.

Ở tuyến du lịch Bái Đính - Tràng An, nhiều du khách cũng phản ánh dễ bị “cò” lừa đảo nếu không tỉnh táo. Tại Tràng An, chị Thanh Phương (ở đường Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Từ mùng 3 đến mùng 5 Tết, tôi đều đến Tràng An (Ninh Bình) để thực hiện ước mơ tham quan kỳ quan nổi tiếng này thì đều gặp cảnh đợi đò đông như kiến”. Quá mệt mỏi nên chị Phương đành quay về. Nhiều du khách cho biết, họ đợi ở đây đã hơn 2 tiếng nhưng vẫn chưa có đò. Khi đi đò, có du khách bị chủ đò lừa đi tour 2 với giá tiền bằng tour 1 (trong khi tour 1 dài hơn rất nhiều) khiến du khách phải “ngậm đắng nuốt cay” vì sự đã rồi.

Tại Bái Đính, các cửa chính bị chặn, du khách buộc phải đi đường vòng bằng xe điện với giá 30.000 đồng/lượt cho quãng đường mà nếu bình thường chỉ có giá khoảng 10.000 đồng/lượt. Một số hướng dẫn viên thì ra sức quảng cáo cho việc du khách nên công đức 10 triệu đồng để được đặt 1 pho tượng nhỏ xinh tại chùa (chùa có 1 vạn chỗ cho các pho tượng như vậy). Ở nhà chờ xe điện từ chùa ra bãi xe, do không có ai nhắc nhở nên một số du khách ghép ghế... ôm nhau ngủ.

Tâm tham làm mất nét đẹp

Lễ hội nát tan vì thế tục - 2

Du khách thắp hương ngay giữa sân đền, hóa vàng ngay cả trên lư hương ở đền Đồng Bằng. Ảnh: L.Mỹ

Theo Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (Phó chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Thành hội Phật giáo Hà Nội, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội), hiện nhiều người có quan niệm sai lầm trong việc đi lễ nên mất hết nét đẹp của hành động này. Đi lễ đầu năm và đi lễ nói chung, phải giữ tâm an nhàn. Chúng ta đi lễ vãn cảnh thì không nên có thế tục trong đó. Không nên xem các bậc thánh nhân như người phàm trần, đặt vào mỗi ban một tờ tiền lẻ là điều không nên và mất hết linh thiêng khi hành lễ. Người đi lễ, trước hết phải giữ tâm thành kính, phong thái nhẹ nhàng, không lễ to, lễ nhỏ, không tham lam cầu lộc, cầu tài mà chỉ cầu bình an và sức khỏe là có tất cả.

Trả lời câu hỏi, có nên tổ chức lễ hội tràn lan, xa hoa tốn kém như hiện nay, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cho rằng, phần lễ phải trang nghiêm và truyền tải được tâm linh của người làm lễ với đấng thiêng liêng để cầu nguyện cho mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng một cách thành kính nhất. Về phần hội, ngày xưa ông cha ta vất vả, chưa có chương trình nọ kia thì hội là thứ vui vẻ nhất khiến mọi người vui tươi, hoan hỉ, tay bắt, mặt mừng, ăn mặc đẹp để tham dự. Hội là để vui chơi nhưng trong đó phải giữ được nét đẹp của một đất nước hòa bình và nếu để mất phần này, nghĩa là mất hết nền văn hóa dân tộc. Việc chuẩn bị hội ngày xưa cũng không tốn kém vì ông cha ta huy động sức người sức của, mỗi người một tay nên rất vui.

Cũng theo chia sẻ của Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, ngành Văn hóa nên định hướng lại một số lễ hội đúng với truyền thống, để giữ được những nét đẹp văn hóa dân tộc. Khai thác được những gì đẹp nhất của các lễ hội này nhằm giáo dục cho thế hệ sau. Làm sao để vui nhưng vẫn giữ được nét đẹp của một đất nước hòa bình. “Tôi lấy thí dụ việc thi nấu cơm chẳng hạn. Bây giờ chỉ cần cắm nồi cơm điện là xong. Tại sao người ta không dâng cơm trắng lên để cúng? Tuy nhiên, hạt gạo là mồ hôi nước mắt, là linh thiêng và việc tổ chức thi nấu cơm là để dạy cho thế hệ sau đức tính cần cù, biết quý trọng hạt ngọc trời. Ban tổ chức lễ hội các nơi cần phải rút kinh nghiệm để tổ chức lễ hội sao cho tiết kiệm nhưng trang nghiêm, kính cẩn và không mất hết nét đẹp văn hóa”, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm nói.

Theo thống kê, cả nước có 7.966 lễ hội, trong đó có tới 7.039 lễ hội dân gian, 332 lễ hội lịch sử - cách mạng, 544 lễ hội tôn giáo và số ít các lễ hội khác. Theo một báo cáo dư luận xã hội, có 58,2% số người được hỏi trả lời đi lễ hội có cúng lễ; 33,6% có cầu tài, cầu lộc, cầu phúc và 21,6% đi lễ lấy may đầu năm. 

Theo Lương Mỹ
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan