Lo ngại cúm A/H7N9 thành đại dịch toàn cầu

Ngày 11/02/2014 13:55 PM (GMT+7)

Trong một thời gian ngắn, các ca nhiễm virus cúm này trên thế giới đã tăng lên đột biến, đặc biệt số người tử vong chiếm 27% số nhiễm bệnh. Các nhà khoa học lo sợ cúm A/H7N9 sẽ thành đại dịch toàn cầu.

Tờ Sự thật của Nga đưa tin, đến tháng 3.2013, số người nhiễm cúm A/H7N9 đã không được báo cáo rõ ràng. Cho đến ngày 31.1.2014, số lượng các trường hợp nhiễm bệnh đã tăng lên 240 người với 65 ca tử vong (chiếm tỷ lệ 27%). 

Cho đến nay, những gì chúng ta biết là 67% số ca bệnh nhiễm cúm A/ H7N9 là nam giới ở độ tuổi trung bình 58 và các trường hợp tử vong đều dưới 66 tuổi. Mặc dù các báo cáo nói rằng virus H7N9 rất giống với các virus cúm A khác như H7N3 được tìm thấy ở vịt tại miền Đông Trung Quốc, nhưng một dòng biến thể khác của H7N9 lại có những dấu hiệu cho thấy được phát hiện ở những động vật có vú và dường như dễ phát triển ở thân nhiệt của những loại động vật này. 

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều ẩn số về loại virus này, trong đó xác định nguồn gốc lây lan virus cúm A/H7N9 vẫn chưa rõ ràng. Hiện các nhà khoa học rất khó để xác định mối liên hệ giữa gia cầm nhiễm bệnh và con người, nhưng đa số trường hợp nhiễm bệnh đều báo cáo là đã từng tiếp xúc trực tiếp với gia cầm, hoặc là môi trường nơi gia cầm đã sống.

Lo ngại cúm A/H7N9 thành đại dịch toàn cầu - 1

Mua bán gia cầm bừa bãi là điều kiện thuận lợi cho lây lan và phát tán các loại virus cúm.

Với những thông tin ít ỏi như vậy, cho đến nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) không khuyến cáo bất kỳ hạn chế đi lại, kinh doanh nào. Vì thế, thế giới lo ngại với một tỷ lệ tử vong chiếm đến 1/3 như loại virus H7N9 gây ra, một khi trở thành đại dịch, nó gần như chắc chắn biến thế giới thành “Ngày đen tối”, nếu chúng ta không có những biện pháp phòng ngừa và phác đồ điều trị hiệu quả từ bây giờ.

Nguy cơ phát dịch ở Việt Nam 

PGS-TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, Việt Nam chưa phát hiện virus H7N9 trên gia cầm cũng như trên người. Tuy nhiên, virus H7N9 đã tiến sát biên giới, nên nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam và bùng phát thành dịch là vô cùng lớn. 

“Mùa xuân, người dân đi lễ hội, tụ tập đông người, thời tiết lại ẩm ướt là môi trường cho virus cúm phát triển, lây lan. Ngoài ra, nhu cầu tiêu thụ gia cầm của gia đình và hàng quán rất lớn, dễ nảy sinh các hoạt động vận chuyển, buôn bán gia cầm lậu – con đường mang các loại virus cúm gia cầm có độc lực cao vào Việt Nam” – TS Phu nhận định. 

Ngày 10.2, Sở Y tế tỉnh An Huy, miền Đông Trung Quốc, thông báo có một ca tử vong tại tỉnh này do nhiễm virus cúm gia cầm H7N9. Nạn nhân là nam giới, 56 tuổi, đã chết hôm 7.2. Từ đầu năm đến nay, Trung Quốc đã xác nhận hơn 120 ca nhiễm virus cúm gia cầm H7N9, trong đó 27 ca tử vong. 

Bộ Y tế cũng vừa có công điện yêu cầu các địa phương sẵn sàng ứng phó dịch bệnh do cúm A/H7N9 và các chủng virus cúm từ gia cầm lây sang người. Ngoài virus H7N9, Trung Quốc còn có thêm 2 trường hợp mắc cúm A/H10N8 và người bệnh đều có tiền sử tiếp xúc với gia cầm. 

Tại Trung Quốc còn ghi nhận cúm mới H9N2 có nguồn gốc từ chim hoang dã. Cuối năm 2013, Trung Quốc cũng xuất hiện cúm H5N2 gây chết nhiều gia cầm. Tại Đài Loan đã có 1 trường hợp nhiễm cúm A/H6N1.

Theo GS-TS Trịnh Quân Huấn - chuyên gia cao cấp của Bộ Y tế, tình trạng nuôi và mua bán gia cầm bừa bãi, nhỏ lẻ của các nước châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng đã tạo ra sự “giao lưu” giữa các chủng virus cúm, từ đó dễ dàng tái tổ hợp thành các chủng cúm mới. 

Với 2 kháng nguyên H và N có thể tái tổ hợp tới 144 chủng virus cúm. Thời gian tới, “họ hàng” nhà virus cúm sẽ ngày càng đông và các chủng này đều có nguy cơ cao đối với con người. 

Theo Hạ Anh- Diệu Linh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch cúm