Lý do bất ngờ khiến bác sĩ xin nghỉ bệnh viện công

Ngày 05/08/2016 08:27 AM (GMT+7)

Áp lực công việc cao, thu nhập lại thấp, đây là lý do các bác sĩ xin nghỉ việc rất nhiều. Tuy nhiên cũng có những bác sĩ lại xin nghỉ việc vì những lý do khác.

Thực hiện ước mơ

TS Võ Xuân Sơn – Nguyên bác sĩ tại khoa “đầu sóng ngọn gió” của Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM. Đây vốn là bệnh viện lớn, tình trạng quá tải lúc nào cũng xảy ra, thu nhập lại không cao. TS Sơn đã xin nghỉ việc ra ngoài thành lập trung tâm y khoa quốc tế EXSON.

TS Sơn tâm sự: “Tôi làm ở một bệnh viện tuyến cuối, thuộc loại đầu ngành, ở thành phố lớn nhất, sôi động nhất cả nước, lại luôn may mắn được các thầy giỏi và các đàn anh dạy dỗ, từ đó đạt được một vài thành công trong chuyên môn, và được nhiều bệnh nhân yêu mến. Do đó, thu nhập từ làm ngoài giờ giúp tôi nằm trong số ít các bác sĩ có thu nhập khá cao”.

Có nhiều lí do để ông nghỉ việc ở bệnh viện công ra làm tư, nhưng không có lí do nào liên quan đến thu nhập cả. Lí do được TS Sơn tiết lộ là nghỉ thuần túy thuộc về chuyên môn. 

Lý do bất ngờ khiến bác sĩ xin nghỉ bệnh viện công - 1

Hình ảnh bác sĩ làm việc tại khoa cấp cứu bệnh viện Bạch Mai.

Theo TS Sơn “Khi đó, tôi đi học về phẫu thuật cột sống xâm lấn tối thiểu, rất mong muốn được thực hiện tại quê nhà. Do những khó khăn mà tôi không thể biết cụ thể là gì và từ đâu, sau 7 năm ấp ủ, tôi vẫn không thể nào thực hiện được ước mơ của mình. Tôi cũng không thể thuyết phục được các bệnh viện tư thực hiện khi bệnh viện công nơi tôi làm việc chưa triển khai những kĩ thuật như vậy”. 

Đam mê về chuyên môn, vị bác sĩ giàu nhiệt huyết không còn con đường nào khác đó là tự mình tách ra, tự mình đầu tư để thực hiện mong muốn. 

Rất may mắn, sau 2 năm, ông đã thực hiện được tất cả những gì ấp ủ trong 7 năm trước đó. Với TS Sơn nếu như môi trường bệnh viện công mà ông làm trước đó được coi là “màu mỡ”, thì môi trường sau này lại là nơi mà ông vừa thực hiện được ước mơ của mình, vừa có được một thu nhập khá tốt, dù có thể không bằng trước kia, nhưng bác sĩ đã không phải vắt kiệt sức để vừa bảo đảm công việc trong giờ, vừa làm thêm ngoài giờ, và cũng ít có điều kiện để bị thử thách bởi cám dỗ của những khoản thu nhập không mấy vui vẻ, nhũng nhiễu trong bệnh viện.

Nghỉ ở bệnh viện công vì bệnh nhân

Thạc sĩ Nguyễn Huy Cường – Nguyên bác sĩ tại Bệnh viện Bạch Mai cũng mạnh dạn gửi đơn xin nghỉ việc về làm tại nhà gần 10 năm nay. Thạc sĩ Cường vốn công tác tại khoa nội tiết của bệnh viện. Lúc đó, tiểu đường và các bệnh lý về chuyển hóa đã gia tăng nhưng chưa nhiều như hiện nay.

Có một thực tế, Thạc sĩ Cường tâm sự, khác với các bệnh lý khác, với bệnh nhân bị rối loạn chuyển hóa, tiểu đường thì việc tư vấn cho họ sống như thế nào với bệnh quan trọng hơn việc khám xét rất nhiều.

Trong khi đó, ở một bệnh viện công, vì quá tải, một buổi sáng bác sĩ khám đến 50 bệnh nhân thì lấy đâu ra thời gian để giải thích cho họ về bệnh lý cũng như cách sống chung với nó. Với bệnh nhân tiểu đường việc tư vấn quan trọng hơn rất nhiều vì đây là bệnh mãn tính, đường huyết có thể tăng giảm bất cứ lúc nào.

Khi còn làm ở bệnh viện công, thạc sĩ Cường cũng bị rơi vào vòng xoáy của công việc ngày nào cũng khám cho vài chục bệnh nhân, 3 – 5 phút là phải xong để còn tiếp bệnh nhân khác. Nếu cứ khám như thế, theo thạc sĩ Cường, “thà không khám còn hơn”. Nhưng ở bệnh viện bệnh nhân rất nhiều, họ cũng không thể dành quá nhiều thời gian để tư vấn cho người bệnh.

Thạc sĩ Cường đã gửi đơn xin nghỉ việc và về mở rộng hơn phòng khám nội tiết tại nhà anh đã thực hiện từ trước đó và xây dựng một chiến lược khám và điều trị tiểu đường khác.

Chính vì thế, sau gần 10 năm làm phòng khám tư, bạn bè hỏi anh có hối tiếc khi rời một bệnh viện hàng đầu Việt Nam không, anh cười “không”. Bởi với thạc sĩ Cường một bệnh nhân bị tiểu đường được anh điều trị, tư vấn họ sẽ chuyển lời tư vấn của anh tới hàng chục bệnh nhân khác. Có như thế, việc tư vấn phòng chống bệnh tiểu đường mới quan trọng thay vì hô hào khẩu hiệu.

Mỗi bệnh nhân khám xét xong, có khi bác sĩ tư vấn cho họ cả tiếng đồng hồ. Giữa thời buổi bác sĩ thật bị bác sĩ google lấn át thì các bác sĩ thật càng phải tư vấn lâu hơn, giải thích ăn uống sinh hoạt như nào để bệnh nhân tiểu đường có chất lượng cuộc sống tốt nhất. Đó mới là mục tiêu hướng tới.

Theo Phương Thúy
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h