Mẹ bầu hiếm muộn lo “sốt vó” khi vừa chuyển phôi đã mắc sốt xuất huyết

Ngày 13/08/2017 00:36 AM (GMT+7)

Sau nhiều năm chạy chữa vô sinh, chị Hương vừa chuyển phôi thành công thì phải nhận “hung tin” kết quả xét nghiệm cho thấy chị đã mắc sốt xuất huyết.

Sau nhiều năm chạy chữa căn bệnh vô sinh, tháng 7 vừa qua chị Bùi Thị Hương (sinh năm 1990, ở Hà Nội) mới nhận được tin vui khi bác sĩ thông báo chị đã chuyển phôi thành công. Vài ngày sau đó, chị Hương bỗng dưng bị sốt kéo dài liên tục trong ba ngày.

“Lúc đầu tôi cứ nghĩ đó là do tác dụng phụ của việc chuyển phôi nên không để ý. Không ngờ sau khi gọi dịch vụ xét nghiệm về nhà thì kết quả khiến cả gia đình tôi như ngồi trên đống lửa”, chị Hương nói.

Mẹ bầu hiếm muộn lo “sốt vó” khi vừa chuyển phôi đã mắc sốt xuất huyết - 1

TS Cường đang thăm khám cho bệnh nhân Hương.

Theo đó, khi bị sốt dù dùng mọi cách hạ sốt nhưng không hiệu quả, chị Hương đã tiến hành làm xét nghiệm công thức máu. Kết quả cho thấy chị đã dương tính với sốt xuất huyết Dengue.

“Khi biết tin, cả nhà tôi quay cuồng, lập tức đưa tôi vào bệnh viện tuyến cao nhất để điều trị. Tại đây, ngoài vấn đề điều trị sốt xuất huyết thì việc đảm bảo an toàn cho thai nhi được gia đình ưu tiên đặt lên hàng đầu”, chị Hương nói.

Suốt 1 tuần chăm vợ tại bệnh viện, anh Hùng (chồng chị Hương) bơ phờ vì liên tục phải thức thâu đêm. “Tôi chẳng sợ mệt, tôi chỉ lo những điều bất lợi sẽ đến vợ mình, đặc biệt là cái thai trong bụng”, anh Hùng nói.

Theo anh Hùng, những ngày vợ anh nằm ở viện đúng vào thời điểm thời tiết nắng nóng đỉnh, kèm với đó là xuất hiện của những cơn đau bụng nên vợ anh không ăn uống được gì…

“Vợ tôi nhập viện ngày 2/8, liên tục sốt cao, may mắn là chưa có biểu hiện chảy máu. Các bác sĩ cho biết, việc không xuất hiện chảy máu chính là “phao” cứu sinh, cũng như niềm hy vọng giữ thai của vợ chồng tôi”, anh Hùng nói.

Là người trực tiếp điều trị cho chị Hương, TS.BS Đỗ Duy Cường - Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, trong quá trình điều trị có thời điểm chị Hương tiểu cầu giảm xuống còn 59.

Mẹ bầu hiếm muộn lo “sốt vó” khi vừa chuyển phôi đã mắc sốt xuất huyết - 2

TS Cường cho biết sốt xuất huyết không làm dị tật thai nhi.

Để cứu cả hai mẹ con chị Hương, các bác sĩ Khoa Truyền nhiễm đã phối hợp với sản khoa cho siêu âm, khám, đánh giá những khả năng nguy cơ có thể xảy ra.

Bệnh nhân được theo dõi công thức máu hàng ngày. Đồng thời, khoa luôn có sự phối hợp hội chẩn bác sĩ sản khoa về tim thai, biến đổi của thai.

Sau 7 ngày nằm viện, tiểu cầu của bệnh nhân đã lên 76, có biểu hiện cô đặc máu, ra huyết. Điều đáng mừng nhất là nguy cơ sảy thai chưa xảy ra.

Sau đó, bệnh cảnh của chị Hương đã giảm đi, các bác sĩ cho biết, khả năng người bệnh giữ được thai an toàn là hoàn toàn có thể.

TS Cường cho biết nếu mang thai trong ba tháng đầu mắc sốt xuất huyết sẽ có nhiều nguy cơ chảy máu. Nếu bệnh nặng lên, bệnh nhân sẽ có khả năng sảy thai, thai lưu. Còn ở những tháng cuối, sản phụ chuẩn sẽ có nguy cơ đẻ non, chuyển dạ sớm, hoặc trong quá trình đẻ có nguy cơ chảy máu, chảy máu ồ ạt, nguy hiểm cho tính mạng.

“Hiện chúng tôi chưa ghi nhận biểu hiện dị tật bào thai với những sản phụ mắc sốt xuất huyết giai đoạn đầu mang thai. Sốt xuất huyết nguy hiểm nhưng nếu được theo dõi sát thì sau này sẽ không có biến chứng gì cho thai nhi”, TS. Cường khẳng định. 

Bằng chứng là vừa qua, có 5 bà bầu điều trị sốt xuất huyết tại khoa đã mẹ tròn con vuông. Một số trường hợp khác mang thai ba tháng đầu, sau khi tiểu cầu trở về bình thường, sức khỏe ổn định đã được xuất viện.

Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sốt xuất huyết