Một cuộc gọi mất hàng trăm triệu đồng

Ngày 12/05/2014 10:02 AM (GMT+7)

Tổng số tiền các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt lên đến 20 tỷ đồng. Từ đầu năm 2014 đến nay đã bắt giữ 42 đối tượng thuộc nhiều băng nhóm. Trong đó, có 10 đối tượng là người Đài Loan.

Liên minh lừa đảo bị bắt

Sáng 10/5/2014, phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC 46, công an TP.HCM) cho biết vừa phối hợp với công an quận 3 thực hiện bắt giữ ba đối tượng người Đài Loan là Chen Yen Hao (41 tuổi), Liu Ming Chieh (còn gọi là Lưu Minh Kiệt, 37 tuổi), Chung Ming Shih (46 tuổi) và Trần Thị Ngọc Hiền (22 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh) để điều tra về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ba đối tượng người Đài Loan sang Việt Nam thuê phòng tại một khách sạn để ở. Tại đây, Chen Yen Hao làm quen và kết nạp Hiền vào đường dây lừa đảo. Chúng rảo khắp nơi, mua lại thẻ ATM của các chủ thẻ ở Việt Nam. Sau đó, chúng chuyển mã số thể cho đồng bọn ở nước ngoài để bắt đầu hành vi lừa đảo.

Một cuộc gọi mất hàng trăm triệu đồng - 1

Đối tượng Liu Ming Chieh

Chúng sử dụng thiết bị viễn thông công nghệ cao, thực hiện cuộc gọi qua Internet, giả vờ mình là công an Việt Nam đang điều tra người được gọi về hành vi rửa tiền hoặc liên quan đến một vụ buôn bán ma túy lớn nào đó.

Chúng không ngần ngại tra hỏi về nhân thân cũng như hành động của “con mồi” trong thời gian gần đây. Khi biết chắc đã uy hiếp được “con mồi”, chúng yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản riêng để kiểm tra số tiền có nguồn gốc tội phạm hay không.

Sau khi nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản, chúng nhanh chóng thao tác chuyển tiền qua tài khoản khác bằng Internet Banking rồi chiếm đoạt.

Được biết, trong vụ án này, Chen Yen Hao là kể cầm đầu.

Hiện, công an đang mở rộng điều tra, truy bắt thêm những người có liên quan.

Cả tin nên bị lừa

Cũng theo PC46, cách đây chưa lâu, chị Thái Lê Tuyết M. (SN 1984, ngụ huyện Bình Chánh) cho biết nhận được một cuộc điện thoại của người lạ. Trong cuộc trò chuyện, người đàn ông cho biết mình là công an Hà Nội đang điều tra một vụ án có liên quan đến tài khoản ngân hàng của chị M. Lúc này, chị M. nghe đến công an Hà Nội đang điều tra liên quan đến mình thì rất lo lắng.

Sau đó, người đàn ông tra hỏi khá nhiều về nhân thân của chị M.. Chị M. trả lời hết tất cả những câu hỏi này và khẳng định mình không có hành vi gì ảnh hưởng đến pháp luật. Tuy nhiên, người đàn ông lạ khẳng định: “Điều này phải còn chờ chúng tôi điều tra xem xét”.

Một cuộc gọi mất hàng trăm triệu đồng - 2

Đối tượng Chung Ming Shih

Một lúc sau, người đàn ông yêu cầu chị M. chuyển 380 triệu đồng vào số tài khoản chúng đưa. “Đây là tài khoản của một cán bộ điều tra của cơ quan công an. Chị chuyển tiền qua đây, chúng tôi xác minh xong, nếu kiểm tra, thấy không có dấu hiệu phạm luật thì sẽ chuyển lại”, bọn chúng nói.

Vốn lo sợ dính dáng tới pháp luật, chị M. đến phòng giao dịch ngân hàng trên đường Trần Hưng Đạo, phường 6, quận 5 chuyển 380 triệu đồng vào số tài khoản của người lạ đưa. Sau đó, chị gọi điện vào số đã gọi cho mình vào trước đây nhưng không được. Cố nhiều lần nhưng đầu dây bên kia đều báo không liên lạc được. Biết đã bị lừa, chị M. viết đơn trình báo đến công an quận 5.

Người dân nên cảnh giác

Mới đây, công an TP.HCM đã chuyển thông báo rộng rãi đến công an quận, huyện, các ngân hàng và người dân để cảnh báo chiêu thức lừa đảo qua điện thoại xưng là người của bộ công an, tòa án, viện kiểm sát… Những kẻ lừa đảo này thường gọi điện đến cho người dân, dọa dẫm là đang điều tra một vụ án nghiêm trọng. Chúng yêu cầu người dân nộp tiền vào số tài khoản chúng yêu cầu. Khi người dân chuyển tiền, chúng sẽ sử dụng dịch vụ chuyển tiền qua mạng chuyển sang một tài khoản khác. Cuối cùng, chúng dùng thẻ ghi nợ quốc tế, rút tiền tại các trụ ATM.

Công an cho biết, theo ghi nhận, từ đầu tháng 8/2013 đến nay, các băng nhóm lừa đảo đã giăng bẫy hàng trăm người, chủ yếu là ở TP.HCM. Tổng số tiền các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt lên đến 20 tỷ đồng. Từ đầu năm 2014 đến nay đã bắt giữ 42 đối tượng thuộc nhiều băng nhóm. Trong đó, có 10 đối tượng là người Đài Loan. Công an cũng phong tỏa 400 tài khoản ngân hàng và đã thu hồi 5 tỷ đồng.

Một cuộc gọi mất hàng trăm triệu đồng - 3

Các đối tượng đã chiếm đoạt khoảng 20 tỷ đồng của người dân

Công an nhấn mạnh, người dân cần cảnh giác trước những chiêu trò lừa đảo qua điện thoại. Công an không bao giờ làm việc qua điện thoại. Bất kể có việc gì, đặc biệt là việc thu giữ tang vật, công an đều có văn bản theo yêu cầu qui định của pháp luật.

Đặc biệt, người dân tuyệt đối không cung cấp số điện thoại cá nhân, thân nhân, lai lịch cho bất kì cá nhân, tổ chức nào, ngoại trừ khi công an có văn bản yêu cầu và phải đến cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, người dân không cho mượn CMND, tài khoản cá nhân, các loại thẻ tín dụng do ngân hàng cấp, hoặc chuyển nộp tiền vào tài khoản cá nhân, tổ chức nào.

Đối với những trường hợp có cá nhân, tổ chức nào yêu cầu chuyển, nộp tiền không có lý do chính đáng thì phải báo ngay cho cơ quan công an để ngăn chặn hành vi lừa đảo và bắt các kẻ lừa đảo kịp thời.

Hồ Giàu
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan