Một năm MH370: Trẻ thơ và câu hỏi "Bao giờ bố mẹ trở về?"

Ngày 09/03/2015 00:18 AM (GMT+7)

Việc đột ngột mất đi bố mẹ luôn là vết thương khó chữa lành đặc biệt là với những đứa trẻ còn thơ dại. Suốt một năm qua, nhiều đứa trẻ - con các nạn nhân MH370 luôn đau đáu câu hỏi: Bao giờ bố mẹ trở về?

2 vợ chồng anh Chen Wei Hoing và chị Tan Sioh Peng đều có mặt trên chuyến bay MH370 xấu số của hãng hàng không Malaysia mất tích bí ẩn ngày 8.3.2014. Sự biến mất của anh Chen và chị Tan cùng 237 hành khách và phi hành đoàn trên chuyến bay MH370 đã để lại nỗi đau khôn nguôi đối với người thân của họ, đặc biệt là 2 đứa con trai Eric và Alvin.

Vào tháng 12.2014, 2 anh em Eric 16 tuổi và Alvin 11 tuổi bắt đầu chuyển đồ ra khỏi căn nhà ở Klang Utama nơi bố mẹ và 2 em vẫn sống hạnh phúc trước khi xảy ra thảm kịch. Hai cậu bé hiện chuyển sang sống với dì và bà ngoại ở Alor Star và bắt đầu đi học lại tại đây.

 Một năm MH370: Trẻ thơ và câu hỏi quot;Bao giờ bố mẹ trở về?quot; - 1

Nhiều đứa trẻ là con của các nạn nhân MH370 vẫn luôn mong mỏi có ngày bố mẹ sẽ quay trở về.

Hai anh em Eric cho biết, các em vẫn giữ lại tất cả đồ đạc trong phòng bố mẹ nguyên vẹn như lúc bố mẹ ra khỏi nhà với mong mỏi có ngày họ sẽ trở về nhà.

Ông Michael Yeap, bác của 2 em cho biết: "Mẹ của bọn trẻ luôn muốn mang lại điều tốt nhất cho chúng nên đã ghi danh cho Eric vào học ở một trường quốc tế. Tuy nhiên nay bố mẹ không còn, 2 anh em phải về sống với bà ngoại, chúng chỉ có thể tiếp tục học ở một trường công lập". Ông Michael cũng thấy vô cùng đau buồn khi các cháu mình đột nhiên bị mất đi bố mẹ vào đúng giai đoạn trưởng thành.

Cô con gái 6 tuổi của anh Tan Size Hiang, tiếp viên trên chuyến bay MH370 mất tích năm ngoái nhất định không chịu tổ chức sinh nhật vì thiếu bố. Cô bé khăng khăng yêu cầu, cả nhà phải có mặt đông đủ trong dịp sinh nhật lên 7 của bé.

 Một năm MH370: Trẻ thơ và câu hỏi quot;Bao giờ bố mẹ trở về?quot; - 2

Nhiều em bé phải chịu những ảnh hưởng về tâm lý vì nỗi đau mất cha mẹ trong thảm kịch MH370.

"Con gái tôi không ngừng đặt câu hỏi khi nào thì bố đi làm về. Tôi chỉ biết nói với con bé rằng, chính phủ vẫn đang cố tìm kiếm", chị Elaine Chew ngậm ngùi.

Chị Chew cho biết, mỗi khi nhớ bố, cô bé lại gọi vào số điện thoại của bố để được nghe giọng bố trong hộp thư thoại. "Kể từ lúc sinh ra, con bé luôn ngủ với cả bố và mẹ vậy mà giờ chỉ còn mỗi tôi bên con", chị Chew nức nở.

Cậu con trai 9 tuổi có mẹ là chị Tan Ser Kuin mất tích trên chuyến bay MH370 cách đây một năm, vẫn đi học như bao bạn bè đồng trang lứa, nhưng đôi khi giữa lớp học, cậu bé bất chợt òa khóc vì nhớ mẹ. Thời gian dường như không thể chữa lành vết thương và nỗi nhớ mẹ trong cậu bé 9 tuổi này.

Anh Shim chồng của chị Tan, đau buồn cho biết: "Thi thoảng cậu con trai tôi lại bật khóc trong lớp. Nó cũng luôn nhớ tới cảnh mẹ sẽ nói gì hoặc làm gì vào bữa ăn".

Anh Shim còn chia sẻ, cậu bé luôn nhìn vào bức ảnh chụp cả gia đình và đếm xem có bao nhiêu thành viên. Mỗi lần đưa các con ra ngoài chơi, khi có người hỏi thăm về mẹ bọn trẻ, những lúc ấy, anh Shim vô cùng bối rối vì không biết phải trả lời thế nào.

Ông bố đơn thân thậm chí còn phải gửi con trai và con gái 7 tuổi tới bác sĩ tâm lý để giúp chúng ổn định lại tinh thần và xoa dịu bớt nỗi đau mất mẹ của 2 đứa trẻ.

Ở một gia đình khác, cô sinh viên Grace Subathirai Nathan có mẹ cũng có mặt trên chuyến bay MH30. Grace vốn là một cô gái trẻ năng động, vui vẻ.

Năm ngoái, Grace đang tham gia khóa đào tạo luật sư ở Anh thì nhận được cuộc gọi liên quan tới MH370.

 Một năm MH370: Trẻ thơ và câu hỏi quot;Bao giờ bố mẹ trở về?quot; - 3

Grace Subathirai Nathan trở nên lạnh lùng với cuộc sống sau cú sốc bị mất mẹ.

Kể từ nhận được tin dữ, cô trở thành một con người hoàn toàn khác, hiếm khi cười và luôn có gương mặt u uất. "Tôi luôn mang theo gánh nặng về việc không biết chuyện gì đã xảy ra với mẹ mình, một phần trong tôi như đã chết đi sau khi biết được chiếc máy bay mất tích", Grace chia sẻ. Sau cú sốc trên, Grace thừa nhận, có nhiều người nói rằng cô trở nên "lạnh lùng và vô cảm với cuộc sống".

Còn Wang Zheng – con trai duy nhất của hai nạn nhân Wang Linshi và Xiong Deming chọn cách cất giấu nỗi đau mất cha mẹ vào căn nhà trước đây cả nhà sống hạnh phúc bên nhau.

Wang rất ít khi về đây vì mỗi lần quay trở về, cậu luôn cảm thấy đau đớn đến nghẹt thở. 

“Tôi luôn mơ về bố mẹ”, Wang chia sẻ.

Cậu con trai mồ côi phải gồng mình duy trì cuộc sống như bình thường, không để bản thân suy sụp với hy vọng một ngày nào đó bố mẹ quay trở về, họ sẽ không phải nhìn thấy cậu tiều tụy, xơ xác mà phiền lòng.

Hôm nay (8.3), gia đình của các hành khách và phi hành đoàn có mặt trên chuyến bay xấu số MH370 cùng tổ chức nhiều sự kiện tưởng nhớ người thân tại thủ đô Kuala Lumpur.

Thủ tướng Malaysia Najib Razak đã bày tỏ sự đồng cảm với những mất mát của gia đình các nạn nhân MH370. Ông tuyên bố: "Không từ nào có thể miêu tả nỗi đau của gia đình các nạn nhân có mặt trên chuyến bay" và cam kết nước này sẽ vẫn tiếp tục cuộc tìm kiếm trong thời gian tới.

Bộ trưởng Giao thông Malaysia Liow Tiong Lai cũng lên tiếng bày tỏ niềm tin, chiếc máy bay có thể sớm được tìm thấy ở khu vực phía Nam Ấn Độ Dương và chiến dịch tìm kiếm có thể sớm có được kết quả vào tháng 5 năm nay.

Theo Đông Phong (Dân Việt/asiaone)
Nguồn:

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot