Mùa cải táng: Bất chấp thị phi, vợ quyết không địa táng cho chồng

Ngày 10/01/2016 19:00 PM (GMT+7)

Là người vừa phải chịu nỗi đau chồng mất ngay đầu năm 2016, bà Vương Thị Tịnh (xã An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội) quyết định chọn nghi thức hỏa táng cho chồng. Thế nhưng, quyết định này của bà gặp phải không ít lời đàm tiếu, thị phi của họ hàng.

Tục “hung táng” của người công giáo

Trong quá trình tìm hiểu về phong tục cải táng tại một số địa phương chúng tôi được biết, phần đông bà con theo công giáo đều không có tập tục bốc mộ, cải táng cho người chết. Ông Trần Văn Sơn (68 tuổi, Giáo họ Lại Dụ thuộc xã An Thượng, Hoài Đức, Hà Nội) chia sẻ: “Với người theo Công giáo chúng tôi không có tập tục bốc mộ, cải táng. Thay vào đó là cách chôn cất người quá cố một lần duy nhất. Việc an táng người quá cố tuy ngắn gọn nhưng vẫn đảm bảo tính tôn nghiêm và kính trọng đối với người đã khuất. Khi đã làm xong mọi nghi lễ, thủ tục tại nhà riêng cũng như ở nhà thờ, quan tài có chứa thi thể người chết sẽ được chôn tại một khu nghĩa trang (người theo đạo gọi là Vườn Thánh). Ở đó đã được xây dựng sẵn một cái bể có láng xi măng rất kiên cố, nhằm đảm bảo khi đưa quan tài xuống thì sẽ không bị thấm nước vào trong. Bên trên còn được đặt một tấm đan bê tông nữa làm nắp đậy”.

Mùa cải táng: Bất chấp thị phi, vợ quyết không địa táng cho chồng - 1

Ông Trần Văn Sơn (68 tuổi, Giáo họ Lại Dụ) cho biết người công giáo áp dụng phương thức “hung táng” chứ không cải táng, bốc mộ.

Ông Nguyễn Văn Huy (60 tuổi, một giáo dân tại xã Đông La, huyện Hoài Đức, Hà Nội) cũng cho biết: “Trước đây, một số gia đình công giáo ở xã chúng tôi vẫn giữ tục bốc mộ, cải táng. Nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, gần như toàn bộ bà con giáo dân đều thực hiện nghi thức an táng nếp sống mới, lo hậu sự kiên cố một lần”.

Ông Huy khẳng định: “Việc chôn cất một lần, hay còn gọi là “hung táng” như vậy sẽ giúp tiết kiệm và rút ngắn được nhiều thủ tục phức tạp khác. Đặc biệt, người chết nằm xuống sẽ được an giấc vĩnh viễn tại 1 chỗ. Ngôi mộ sau khi được đặt tấm đan sẽ được xây cao cỡ 60cm so với mặt đất, theo đúng hàng lối không lấn chiếm diện tích các ngôi khác. Giúp tiết kiệm mặt bằng cho các khu nghĩa trang”.

Ông Huy cũng chia sẻ, phương thức “hung táng” giúp giữ vệ sinh chung cho môi trường và tránh lây lan bệnh tật. Hơn nữa, còn tiết giảm nhiều thủ tục trong tang lễ như cúng tuần 49 ngày, 100 ngày, gọi hồn... chỉ ngày giỗ thì vẫn giữ nguyên.

“Phá lệ” đi hỏa táng cho chồng

Mùa cải táng: Bất chấp thị phi, vợ quyết không địa táng cho chồng - 2

Khu nghĩa trang dành cho người theo đạo Công giáo tại xã An Thượng (Hoài Đức, Hà Nội) được chôn một lần theo kiểu “hung táng”. Ảnh: Cao Tuân

Mới đầu năm 2016 này, bà Vương Thị Tịnh (56 tuổi ở xã An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội) chịu nỗi đau chồng mất vì bạo bệnh. Bà Tịnh chia sẻ: “Sau khi chồng tôi ốm nặng và qua đời, tôi và các con quyết định là hỏa táng cho ông ấy. Thời điểm đó, gia đình tôi phải đấu tranh tư tưởng rất lớn bởi trong họ nhà chồng tôi thì đây là trường hợp đầu tiên dám “phá lệ” để đưa người chết đi hỏa táng”.

Bỏ ngoài tai những lời gièm pha, thị phi mang tính chất mê tín, bà Tịnh vẫn quyết tâm thực hiện nghi thức hỏa táng cho chồng. Sau khi đem tro xương về từ Đài Hóa thân Hoàn Vũ (Văn Điển, Hà Nội) về quê, gia đình bà đã xây ngôi mộ rộng chừng 2m2 kiên cố bằng gạch cho người đã khuất để thể hiện sự thành kính và tính tôn nghiêm tại nghĩa trang địa phương.

Cụ Lê Thị Bằng (78 tuổi, ở xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, Hà Nội) cho hay: “Ngoài hình thức táng một lần thì ở địa phương tôi cũng chọn phương thức hỏa táng cho người quá cố. Làm như thế vừa giữ vệ sinh lại không gây tốn kém và nhiều hủ tục phức tạp cho gia chủ mỗi độ đến mùa cải táng, bốc mộ nữa. Cuối năm 2015, khi chồng tôi tuổi cao, bệnh tật rồi qua đời, sau khi họp bàn gia đình quyết định sẽ hỏa táng ông ấy rồi xây lăng mộ. Được sự quan tâm của Nhà nước, gia đình tôi được TP Hà Nội hỗ trợ 4 triệu đồng, phía huyện hỗ trợ thêm 2 triệu đồng. Tổng cộng, gia đình tôi nhận được 6 triệu đồng để thực hiện việc hỏa táng cho người quá cố một cách văn minh và phù hợp”.

Cũng theo bà Bằng, chứng kiến nhiều trường hợp cải táng của một số gia đình trong cảnh rét mướt, mưa dầm gió bấc cũng phải thức trắng đêm để “canh mộ” khiến nhiều người cảm thấy lo âu. Thậm chí, ở quê bà từng có trường hợp một bà lão hơn 60 tuổi chết do bị ung thư nhưng con cháu quyết đem chôn mà không hỏa táng. Sau 4 năm bốc lên vẫn còn nguyên, lại lấp lại để thêm 1 năm nữa nhưng vẫn không tiêu hủy, cuối cùng, phải nhờ sự trợ giúp của những người bốc mộ “can thiệp” thì mới “sang nhà” cho người quá cố một cách “bất đắc dĩ”.

Sức khỏe và nước ngầm dễ bị ảnh hưởng bởi địa táng

Mùa cải táng: Bất chấp thị phi, vợ quyết không địa táng cho chồng - 3

PGS. TS Lê Quý Đức – nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hóa & phát triển.

Trao đổi với PV Báo GĐ&XH, PGS. TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển cho rằng, một bộ phận người Việt vẫn giữ phong tục cải táng. Họ quan niệm con người lúc sống luôn có hai phần gồm “hồn” và phần “xác”. Khi chết, hồn lìa khỏi xác rồi nhưng họ vẫn tin là hồn vẫn chọn xác thân, xương cốt kia làm chỗ trú ngụ, đi về. Vì thế nên người ta mới coi trọng việc giữ xương cốt người đã khuất một cách cẩn thận bằng việc cải táng.

Tuy nhiên, PGS.TS. Lê Quý Đức cho biết, từ sau khi được tận mắt chứng kiến một số trường hợp cải táng nhưng thân xác của người quá cố vẫn chưa phân hủy hết, người nhà họ lại phải dùng các biện pháp “can thiệp” khiến ông có suy nghĩ: Đa số người chết đều có bệnh, mang theo mầm bệnh có khi ngấm vào xương cốt theo thời gian khó bị tiêu diệt, lại ngấm vào nguồn nước ngầm. Nếu mộ chôn gần hoặc trúng vào mạch nước ngầm, nước giếng khoan đều có thể bị ô nhiễm. Như vậy xét trên phương diện văn minh thì việc bốc mộ, cải táng này ít nhiều mang tính mông muội và cổ hủ.

Trong những cuộc họp bàn về văn hóa tâm linh, PGS.TS. Lê Quý Đức từng đặt câu hỏi: Việc địa táng, bốc mộ đã không còn phù hợp tại sao chúng ta không chọn phương pháp hỏa táng cho văn minh và bớt tốt kém? Ngay cả một số vị cao tăng nhà Phật vẫn chọn cách hỏa táng sau khi qua đời. “Theo tôi, để vừa đảm bảo tính văn minh cũng như hiếu nghĩa với người đã khuất, chúng ta nên chọn phương thức hỏa táng, thay vì địa táng. Hỏa táng cũng có nhiều hình thức, có thể đem xương cốt của người quá cố chôn xuống đất. Hoặc dùng một phần tro cốt đó đem rải xuống sông, biển cho mát mẻ. Một phần đem thờ cúng tại nhà hoặc chùa chiền cũng là một giải pháp tốt mà lại văn minh hơn. Đó là chưa kể về mặt kinh tế khi cải táng còn gây tốn kém cho gia chủ”, PGS.TS. Lê Quý Đức nhấn mạnh.

Một năm 27 người chết, 11 người hỏa táng

Đây là con số thống kê mà ông Phó Đình Hợi (70 tuổi – Ban chấp hành Chi hội người cao tuổi thôn Ngãi Cầu, xã An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội) chia sẻ với PV Báo GĐ&XH về cách người dân ở địa phương này lo hậu sự cho người thân sau khi họ qua đời trong năm 2015 vừa qua. “Thực hiện nếp sống văn minh mà Nhà nước cũng như TP Hà Nội vận động, vài năm trở lại đây, số hộ gia đình trong thôn tiến hành hỏa táng người quá cố đã tăng lên từng năm. Hơn nữa, được các cấp chính quyền hỗ trợ chi phí nên bà con ngày càng tự giác chấp hành”, ông Hợi cho hay.

Nhiều tử khí từ ngôi mộ mới

GS.TSKH Lê Huy Bá cho biết: “Hiện nay, tử khí từ những ngôi mộ khi bốc mới chỉ phân tích được một số thành phần như CO2, H2S, NO3… còn nhiều chất độc khác chưa được phân tích. Trong quá trình xác phân hủy, yếm khí còn sinh ra nhiều khí độc khác. Sự ô nhiễm này không cảm nhận được bằng mắt thường vì nó là ô nhiễm ngầm. Đặc biệt, lượng vi sinh vật phát tán vào môi trường là không thể kiểm soát”. Do vậy, vị chuyên gia về môi trường này cho rằng, hỏa táng là việc làm khoa học và vệ sinh nhất.

Theo C.Tuân – N.Minh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự